Tour du lịch 0 đồng, việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò… là những vấn đề nổi cộm nhất tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với Bộ VH-TT&DL, diễn ra hôm qua (18-5).
“Nói mãi không giải quyết được gì”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề với lãnh đạo ngành du lịch: Tình trạng “tour du lịch 0 đồng” đã quay trở lại. Quy trình của họ khép kín, bên ta không thu lại được gì. Vậy cách quản lý như thế nào khi du khách vào cửa khẩu qua Việt Nam nhưng bán hàng Trung Quốc, đề tiếng Trung Quốc và tiền Trung Quốc? Ngay cả hướng dẫn viên cũng người nước ngoài?
“Không chỉ vậy, các công ty du lịch thuê hướng dẫn viên nước ngoài nhưng khi kiểm tra lại có người Việt đứng sau. “Họ bịa đặt, làm méo mó lịch sử khiến dư luận rất băn khoăn” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng và đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm, có giải pháp quản lý nghiêm tình trạng này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay một trong những nội dung Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL giải trình là những vấn đề liên quan đến ngành du lịch, trong đó có tình trạng “tour du lịch 0 đồng”.
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận ngành du lịch thời gian qua có nhiều vấn đề được quan tâm như tour 0 đồng. “Bản chất nằm ở các cửa hàng có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Thực ra là có dấu hiệu làm ngơ đi và tại sao làm ngơ đi thì chúng tôi cho rằng đang có động cơ phía sau. Vừa qua Tổng cục Du lịch có đi Trung Quốc khảo sát, chính các doanh nghiệp của Trung Quốc và các hãng hàng không cũng kiến nghị vấn đề này” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Họ bịa đặt, làm méo mó lịch sử khiến dư luận rất băn khoăn”. Ảnh: Viết Thịnh
Nói thêm về vấn đề tour 0 đồng, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện giải thích: Tour 0 đồng thực chất du khách vào Việt Nam vẫn phải trả tiền đi lại, khách sạn, ăn vẫn trả tiền cho dân mình, đi tham quan cũng phải có vé. Còn trả tiền ít hay nhiều tùy thuộc vào khả năng của khách.
“Ở bên kia (Trung Quốc, PV) họ bán tour rất rẻ nhưng vấn đề bán rẻ thế thì lấy tiền đâu họ trả cho mình, còn đã qua Việt Nam thì phải trả đủ, không ai miễn, giảm. Vấn đề họ lấy ở đâu để thu? Họ tổ chức các cửa hàng bán giá rất cao và thu lại của khách du lịch” - bộ trưởng giải thích.
Theo bộ trưởng, nhiệm vụ của ngành du lịch là đưa khách vào, còn khách mua hàng thế nào, mua ở đâu, giá cả thế nào, có trốn thuế không là thuộc cơ quan quản lý thị trường, thuế. Họ mua bán ngoại tệ thì do ngành ngân hàng quản lý.
“Không giải quyết chỗ này thì chúng ta chỉ có nói mãi không giải quyết được gì. Chúng tôi đề nghị tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo lên Thủ tướng là để giải quyết việc này thì phải ngành thuế, quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương xử lý, còn ngành du lịch không xử lý được” - bộ trưởng VH-TT&DL nhấn mạnh.
“Không để ảnh hưởng đến đại cục”
Liên quan đến vấn đề hướng dẫn viên nước ngoài “núp bóng”, làm méo mó lịch sử…, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nói: “Cách đây mấy ngày có một tốp 14 khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông có đường lưỡi bò. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ xử lý kịp thời”. - Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay tinh thần xử lý việc này là kịp thời nhưng phải mềm dẻo. “Không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng đến đại cục, làm ảnh hưởng đến hợp tác du lịch giữa chúng ta với Trung Quốc cũng như những thị trường trên thế giới” - ông Tuấn nói.
Bộ VH-TT&DL có 118 điều kiện kinh doanh, Bộ đã rà soát và báo cáo dự kiến cắt giảm 62 điều kiện, chiếm hơn 50%. Trong năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính. Từ 1-1-2017 đến 30-4-2018, Bộ VH-TT&DL được giao 684 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 590 nhiệm vụ, còn 94 nhiệm vụ chưa hoàn thành đang trong thời hạn thực hiện. |
Riêng về hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn, ông Tuấn cho biết đây là hai thị trường bùng nổ nhất nhưng ta không đáp ứng được yêu cầu về hướng dẫn viên. Do vậy về lâu dài phải tăng số lượng và chất lượng của hướng dẫn viên trong nước.
“Chúng tôi cũng có định hướng cho các địa phương phải linh hoạt. Tuy nhiên, khi có những hướng dẫn viên hành nghề trái phép và giới thiệu xuyên tạc lịch sử, chúng tôi cũng đã có ý kiến và làm việc trực tiếp với địa phương” - ông Tuấn nhấn mạnh và lưu ý phải xử lý mềm dẻo, linh hoạt chứ không nên tạo ra cái gì đó dẫn đến cách hiểu chúng ta kỳ thị họ.
Cũng tại buổi làm việc, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực cải cách của Bộ VH-TT&DL trong thời gian qua. Song TS Cung cho rằng nhiều quy định vẫn thể hiện tư duy cũ, hạn chế sự sáng tạo; đang quản theo lối cơ quan nhà nước hiểu đến đâu thì cho dân làm đến đấy, tôi quản theo nhu cầu của tôi.
“Việt Nam phải đón tới 50-60 triệu lượt khách mỗi năm thì mới tương xứng với tiềm năng. Nhưng ta đang tạo ra các rào cản mà không huy động được hết nguồn lực, sự sáng tạo trong dân. Thay vì tư duy “cho phép làm một số thứ” như hiện nay, nên quy định cụ thể những gì bị cấm, còn lại người dân và doanh nghiệp được tự do làm. Bộ đang ban hành rất nhiều thông tư can thiệp vào các hoạt động của người dân” - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Đại diện một số công ty du lịch cho hay thực chất tour 0 đồng là các công ty lữ hành nước ngoài mà nhiều nhất là Trung Quốc tổ chức các tour du lịch vào Việt Nam đi kèm theo các du khách, hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài. Họ hướng dẫn du khách vào mua hàng hóa tại cửa hàng mà chủ cửa hàng là người nước họ, hàng hóa của người nước họ, khuyến mãi tour du lịch với giá 0 đồng... Như vậy Việt Nam vừa không quản lý được hoạt động của khách du lịch vừa thất thu thuế. Sở dĩ họ tổ chức được tour giá 0 đồng vì thu được những khoản thu khác có thể nói là bắt chẹt du khách. Ví dụ như bắt khách mua sắm ở những cửa hàng đã định sẵn với giá cao hơn so với bình thường, thậm chí hàng hóa kém chất lượng với giá trên trời. Điều này xuất phát từ việc quản lý chưa tốt, nên liên tục phải nếm "trái đắng". |