Chứng cứ khởi kiện ra sao để tòa thụ lý?

Tháng 8-2012, Công ty Cổ phần NP (huyện Đức Hòa, Long An) đã khởi kiện yêu cầu ông NVB tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng gần 3.000 m2 đất nông nghiệp theo thỏa thuận từ 10 năm trước.

Chỉ nộp bản sao phiếu chi

Trong đơn kiện, phía công ty trình bày, tháng 2-2002 công ty đã ký với ông B. hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên với giá 530 triệu đồng. Công ty đã thanh toán hết tiền cho ông B., thể hiện bằng phiếu chi số 89 có nội dung: “Thanh toán tiền đất Bàu Tràm”. Nhưng do sơ sót trong việc bảo quản hồ sơ nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị thất lạc, hai bên chưa làm thủ tục sang tên được.

Tháng 10-2006, công ty có văn bản gửi UBND xã nơi có đất nói rõ việc mất hợp đồng trên và yêu cầu xã xác nhận. Do ông B. không chịu thực hiện thủ tục sang tên nên công ty khởi kiện sau khi hòa giải không thành ở xã. Kèm đơn kiện, công ty gửi đến tòa hai biên bản hòa giải không thành giữa hai bên tại xã, một biên bản xác minh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, công ty còn nộp bản phôtô phiếu chi số 89 thể hiện hai bên đã giao nhận 530 triệu đồng (không có công chứng, chứng thực).

Chứng cứ khởi kiện ra sao để tòa thụ lý? ảnh 1

Ngược lại, ông B. khẳng định chưa từng mua bán đất với công ty, chưa từng ký hợp đồng nào, phiếu chi nào cả. Về tờ bản sao phiếu chi mà công ty nộp cho tòa, ông B. cho rằng không có giá trị gì bởi nội dung bản sao chỉ ghi là “Thanh toán tiền đất Bàu Tràm” mà không ghi rõ địa chỉ người bán, địa chỉ lô đất, số thửa, tờ bản đồ… Mặt khác, ở phần địa chỉ người nhận tiền để trống, chữ ký nhận tiền là của người nào đó không ghi rõ họ tên dưới chữ KT chứ không phải là chữ ký của ông.

Tháng 11-2012, TAND huyện Đức Hòa đã thụ lý vụ án. Tại buổi hòa giải mới đây, thẩm phán giải quyết vụ kiện yêu cầu phía công ty xuất trình bản chính phiếu chi số 89 để tòa đối chiếu. Tuy nhiên, phía công ty không cung cấp được vì bản chính đã bị thất lạc cùng với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thụ lý: Chỉ cần bản sao cũng được?

Từ vụ việc trên, vấn đề pháp lý đặt ra là tòa có được thụ lý vụ kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà, đất khi đương sự không nộp được hợp đồng, chỉ nộp một bản sao phiếu chi (hay giấy giao nhận tiền) không có công chứng, chứng thực như trên?

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), BLTTDS không buộc tòa chỉ được thụ lý vụ án nếu đương sự nộp chứng cứ là bản chính hay bản sao có công chứng, chứng thực. Chỉ cần khi khởi kiện, nguyên đơn giao nộp được chứng cứ ban đầu làm cơ sở cho yêu cầu của mình là đủ. Sau đó, trong quá trình tòa giải quyết, người khởi kiện sẽ cung cấp, bổ sung thêm chứng cứ theo yêu cầu của tòa. Yếu tố bản chính hay bản sao chỉ là cơ sở để tòa đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ, từ đó làm căn cứ giải quyết vụ kiện mà thôi.

Như vậy, theo luật sư Đức, ban đầu đương sự có thể nộp các chứng cứ bằng bản sao để tòa thụ lý. Tuy nhiên, luật sư Đức thừa nhận rằng bản sao chứng cứ nếu không có bản chính để đối chiếu thì sẽ bị coi là không có giá trị chứng minh, tức trong quá trình giải quyết án sau đó, đương sự khó có thể được tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Chứng cứ ban đầu phải rõ ràng

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại khẳng định rằng trong trường hợp này, tòa thụ lý là sai.

Trước hết, theo Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho tòa, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Nếu vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của tòa trong quá trình giải quyết án. Ví dụ: Khi gửi đơn khởi kiện cho tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng thì người khởi kiện phải gửi kèm theo bản sao hợp đồng có tranh chấp, hóa đơn thanh toán tiền, nhận tài sản, biên bản thanh lý…; nếu họ chưa có thể gửi đủ các tài liệu, chứng cứ này thì cùng với đơn khởi kiện họ phải gửi bản sao hợp đồng.

Từ đó, luật sư Tường phân tích: Ở đây, nguyên đơn không nộp được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chỉ nộp được bản sao của một phiếu chi. Chưa kể nội dung bản sao phiếu chi khá mù mờ, bản thân bản sao này cũng không phải là chứng cứ hợp pháp. Bởi theo Điều 83 BLTTDS, các giấy tờ tài liệu đọc được nội dung chỉ được coi là chứng cứ nếu nó là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Như vậy, tòa có thể áp dụng Điều 168 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng băn khoăn: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nhưng không nộp cho tòa bản gốc của hợp đồng hoặc bản sao có công chứng, chứng thực thì tòa làm sao biết nội dung của hợp đồng đó là gì, các điều khoản hai bên cam kết ra sao mà tiếp tục thực hiện. Với “chứng cứ” duy nhất là bản sao phiếu chi, nội dung không rõ, bản chính thì không có, lấy gì đối chiếu? Như vậy, khi “chứng cứ ban đầu” mù mờ, không chứng minh được yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp thì tòa phải từ chối thụ lý.

Phải chứng minh được việc khởi kiện là có căn cứ…

Việc chứng cứ phải như thế nào để tòa thụ lý vụ kiện dân sự đã từng được Pháp Luật TP.HCM đặt ra từ nhiều năm trước. Thời điểm đó, có quan điểm táo bạo tới mức đặt vấn đề là chỉ cần người dân khởi kiện thì tòa phải thụ lý, còn chứng cứ thì để đương sự bổ sung sau cho tòa. Quan điểm này xuất phát từ góc độ bảo vệ quyền khởi kiện của người dân, tránh trường hợp vì lý do nào đó mà người dân không kịp thu thập chứng cứ nên để hết thời hiệu khởi kiện.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phản đối vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho các trường hợp khởi kiện vô căn cứ, kiện tào lao, làm mất công, mất sức, mất thời gian, tiền bạc của tòa, các cơ quan liên quan và các bên đương sự khác. Vì lý do này mà BLTTDS đã quy định người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Để rõ hơn, Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn là khi khởi kiện, đương sự không bắt buộc phải nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ mà chỉ phải nộp tài liệu, chứng cứ ban đầu. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là tài liệu, chứng cứ ban đầu này cũng phải chứng minh được họ là người có quyền khởi kiện và yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm