Chuyện xưa chuyện nay: Trung Quốc theo chế độ đa đảng?

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Thanh Hoàng,

Theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì cơ quan Quốc vụ viện là chính phủ ở trung ương, cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực tối cao đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước (hành chính) cao nhất. Quốc vụ viện gồm có thủ tướng, các phó thủ tướng, các ủy viên Quốc vụ viện, các bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban, trưởng ban thanh tra và trưởng ban thư ký.

Còn Quốc hội ở Trung Quốc gọi tên là Hội nghị Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Theo hiến pháp, đây là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do đại biểu các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, khu hành chính đặc biệt và lực lượng vũ trang bầu ra với nhiệm kỳ năm năm. Mỗi năm, Hội nghị Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) họp một lần và được triệu tập bởi Ủy ban Thường vụ Hội nghị Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Về hệ thống chính trị, lâu nay Đảng Cộng sản Trung Quốc là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Mục đích cuối cùng của đảng là xây dựng chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sở dĩ công luận nói ở Trung Quốc theo chế độ đa đảng vì ngoài Đảng Cộng sản còn có “các đảng dân chủ”, bao gồm tám đảng phái khác ngoài Đảng Cộng sản như: Ủy ban Cách mạng Quốc Dân Đảng, Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, Hội Kiến thiết dân tộc dân chủ Trung Quốc, Hội Thúc đẩy phát triển dân chủ ở Trung Quốc, Đảng Dân chủ công nông Trung Quốc, Chí công Đảng (đảng hướng tới sự công bằng), Hội Cửu Tam (“3 tháng 9”) và Liên đoàn Tự trị dân chủ Đài Loan. Tất cả các tổ chức đó đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một mặt trận thống nhất gọi là Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vậy.

Trả lời bạn, tôi dựa theo sách Từ điển Bách khoa nước Trung Hoa mới (Encyclopedia of New China) của NXB Ngoại văn Bắc Kinh, 1987; NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm