Đổi đất bằng miệng

 Năm 2005, mẹ con ông Võ Minh Tâm khởi kiện bà Trần Thị Trừ đòi lại hơn 3.000 m2 đất tại huyện Tân Uyên (Bình Dương). Theo ông Tâm, trước kia cha của ông có thỏa thuận miệng đổi đất với bà Trừ. Sau này, khi gia đình ông đang sử dụng thì một người khác đòi đất, nói rằng trước đây bà Trừ đã lấy đất của ông mang đi đổi. Vì vậy ông Tâm cùng mẹ yêu cầu TAND huyện Tân Uyên hủy bỏ thỏa thuận miệng đổi đất trên, buộc bà Trừ phải trả lại cho gia đình ông mảnh đất ban đầu.

Mỗi tòa một nhận định

Bà Trừ không đồng ý trả đất với lý do việc hoán đổi đã diễn ra từ 16 năm trước, từ đó đến nay gia đình bà đã sử dụng ổn định, có đăng ký ruộng đất, đóng thuế hằng năm, đã xin phép xây nhà kiên cố. Gần đây, phía ông Tâm tự giao đất cho người khác rồi kiện bà đòi lại đất cũ là vô lý…

Cuối năm 2005, TAND huyện Tân Uyên xử sơ thẩm lần đầu đã chấp nhận yêu cầu của phía ông Tâm, buộc bà Trừ phải trả đất, phía ông Tâm hoàn trả cho bà Trừ gần 130 triệu đồng giá trị nhà, các công trình phụ, cây cối hoa màu trên đất.

Bà Trừ kháng cáo. Giữa năm 2006, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết tranh chấp. Tòa tỉnh cho rằng việc hoán đổi đất là tự nguyện, hai bên đã quản lý, sử dụng ổn định 16 năm nay, hợp đồng các bên đã thực hiện hoàn tất nên theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2003 thì bà Trừ có đủ điều kiện để được cấp giấy đỏ. Ngoài ra từ khi đổi đất đến khi qua đời, cha ông Tâm - chủ thể hợp đồng không có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại nào về diện tích hoán đổi. Sau này ông Tâm tự ý giao đất cho người khác là tự bỏ quyền sử dụng đất của mình.

Mặt khác, cấp sơ thẩm không căn cứ vào nguồn gốc sử dụng của bà Trừ mà xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp vẫn còn là chưa đúng. Bởi Thông tư liên ngành số 03/1996 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao quy định giao dịch dân sự về đất xác lập trước 15-10-1993 mà đến 15-10-1996 đương sự không khiếu nại thì kể từ 15-10-1995 đương sự không còn quyền khởi kiện.

Sau phiên tòa này, bà Trừ được UBND huyện cấp giấy đỏ cho lô đất, sau đó bà tách ra một phần chuyển nhượng cho một công ty gần 500 m2.

Sau đó, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Đến tháng 4-2007, Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giao cho tòa tỉnh xử phúc thẩm lại. Theo tòa dân sự, thời hiệu khởi kiện vẫn còn do tranh chấp giữa cha ông Tâm và bà Trừ đã xảy ra từ năm 1994 (trước tháng 10-1996). Ngoài ra, việc đổi đất giữa hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng, chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận nên vô hiệu cả hình thức lẫn nội dung.

Tòa dưới xử, tòa trên liên tục hủy án

Cuối năm 2007, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần hai, bác yêu cầu của ông Tâm vì việc hoán đổi tuy bằng lời nói nhưng tự nguyện, hai bên đã đăng ký kê khai, quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài. Ngoài ra vào thời điểm hai bên đổi đất không có giấy tờ, tài liệu nào chứng minh đó là đất của người khác, chứng tỏ bà Trừ có quyền sử dụng hợp pháp phần đất này…

VKSND Tối cao lại kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 6-2008, Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm lần hai, tiếp tục hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa tỉnh xử sơ thẩm lại. Tòa dân sự cho rằng việc TAND tỉnh Bình Dương không đưa công ty mua đất của bà Trừ vào tham gia vụ án với tư cách người liên quan là sai. Về nội dung, tòa dân sự nhận định như trong bản án giám đốc thẩm lần thứ nhất là thỏa thuận đổi đất giữa hai bên vô hiệu cả hình thức lẫn nội dung.

Đầu năm 2010, TAND tỉnh lần đầu xử sơ thẩm, tiếp tục bác yêu cầu khởi kiện đòi đất của ông Tâm. Ông Tâm kháng cáo. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã triệu tập công ty mua đất của bà Trừ tham gia vụ án với tư cách người liên quan. Tháng 8-2010, tòa này xử phúc thẩm tuyên hủy án, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm lại với nhận định cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguồn gốc, vị trí khu đất tranh chấp...

Tháng 7-2013, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm lại, tiếp tục bác yêu cầu khởi kiện của ông Tâm với nhận định giống những lần xử trước. Cuối năm 2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của ông Tâm. Tòa xác định hợp đồng hoán đổi đất vô hiệu cả hình thức lẫn nội dung vì chỉ là thỏa thuận bằng miệng, chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tòa kiến nghị UBND huyện Tân Uyên thu hồi giấy đỏ đã cấp cho bà Trừ năm 2006 và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho công ty mua một phần đất của bà Trừ.

THANH TÙNG

Không giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu?

Bà Trừ đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, cho rằng bản án phúc thẩm cuối cùng không khách quan trong việc xác định chứng cứ. Đặc biệt, bà Trừ cho rằng nếu tòa có tuyên bố giao dịch vô hiệu toàn bộ thì cũng phải tuyên ông Tâm trả lại cho bà phần đất bà đã hoán đổi ban đầu mới đúng quy định của BLDS về xử lý hậu quả giao dịch vô hiệu (các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận). Ở đây, tòa chỉ buộc bà trả đất cho ông Tâm mà quên hẳn việc buộc ông Tâm trả lại đất cho bà, làm bà bị thiệt hại nặng nề...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm