14h22: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đã tuyên bố hoãn tòa. Theo chủ tọa, ông Giá đang nằm viện điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội) trong tình trạng sức khỏe không tốt. Tòa xét thấy, nếu không có mặt bị cáo Giá tại tòa, sẽ không đảm bảo cho quá trình xét xử. Do đó sẽ hoãn phiên tòa tại đây.
HĐXX khẳng định, việc xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá là do yếu tố khách quan. Thời gian xét xử lại vụ án sẽ được thông báo sau.
14h15: Bắt đầu phiên xét xử buổi chiều, đại diện VKSND Hà Nội đã kiến nghị HĐXX xem xét hoãn phiên tòa ngay sau khi có bản xác mình tình trạng sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá.
Theo xác minh của toà án, tình trạng của bị cáo Trần Xuân Giá là: "Thể trạng tốt, tuy nhiên huyết áp cao (huyết áp 160/90). Bị cáo bị phì đại tiền liệt tuyến, mở ca đại tràng. Nếu căng thẳng thần kinh, huyết áp có thể tăng cao hơn nữa. Trước mắt cần tiếp tục điều trị cho ổn định. Khi nào ổn định sẽ mổ phì đại tiền liệt tuyến”.
HĐXX ngay sau đó đã hội ý.
Bầu Kiên và đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh TTXVN
14h00: HĐXX tiếp tục phiên làm việc buổi chiều. Bầu Kiên và những người có liên quan trong vụ án lần lượt được dẫn vào phòng xét xử.
11h 10 : Tòa tuyên bố kết thúc phiên làm việc buổi sáng. Buổi chiều, 14 giờ tòa sẽ tiếp tục lại.
10h 45: Sau khi tạm nghỉ để hội ý, HĐXX tuyên bố không hoãn phiên tòa và giải thích một số vấn đề như sau:
Về vấn đề luật sư xin hoãn chờ bản án có hiệu lực trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Đây là hai vụ án độc lập, tuy nhiên có liên quan đến 719 tỷ đồng, nay tòa đã triệu tập Huyền Như tại tòa và sẽ ra bản án đúng pháp luật. HĐXX sẽ có công văn yêu cầu tiếp tục triệu tập những người có liên quan vắng mặt.
Trước đó, chiều 15-4, ông Trần Xuân Giá có đơn gửi tòa xin vắng mặt phiên tòa ngày 16-4; ngày 17, 18, 19 tháng 4 ông Giá sẽ có mặt. Nhưng hôm nay Luật sư Lưu Tiến Dũng (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo Trần Xuân Giá) lại đề nghị xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe của ông Giá. Vậy nên để xác minh, tòa chờ văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe của ông Giá tại bệnh viện nơi ông đang điều trị để quyết định có hoãn phiên tòa hay không.
10h20 phút: Tòa nghỉ 10 phút hội ý.
10h15: Bầu Kiên kêu oan
Các luật sư đồng loạt xin hoãn phiên xử vì ông Giá vắng mặt. Đồng thời số tiền 719 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của ACB đang liên quan đến một vụ án khác hiện chưa có một quyết định pháp lý có hiệu lực pháp luật.
Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại tòa: "Quyền lợi của cá nhân tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu một số đại diện, cá nhân vắng mặt. Đề nghị tòa triệu tập Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội, Phòng đăng ký kinh doanh TP. HCM, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, đại diện Văn phòng Chính phủ… Tôi bị buộc tội về 4 tội danh. Tôi cho rằng tôi bị oan, không có tội, đề nghị HĐXX xét xử sớm để công bố cho dư luận biết thực chất vụ án này là gì.
Tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Mặt khác, việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến ba tội danh bị truy tố. Đề nghị cho xét xử trước ba tội danh không liên quan đến ACB và ông Trần Xuân Giá".
Ông Kiên cũng cho rằng ngày 15-4, ông nhận được ý kiến của giám thị trại giam yêu cầu phải mặc đồng phục do trại cung cấp. "Tôi thấy rằng tôi không có nghĩa vụ phải mặc đồng phục này. Đề nghị các luật sư thay mặt tôi kiến nghị với HĐXX và bộ trưởng Bộ Công an về việc đã cùm chân tôi trong quá trình dẫn giải". Ông Kiên nói.
10h00: LS Lưu Tiến Dũng, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo Trần Xuân Giá cho biết, ngay trước phiên xử, bị cáo Giá đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do xin hoãn phiên tòa là vì lý do sức khỏe, bị cáo phải đi cấp cứu nên không thể tham dự phiên tòa. Đề nghị HĐXX căn cứ Điều 187 BLTTHS tuyên bố hoãn phiên tòa.
Điều 187. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa 1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. 2. Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. |
Luật sư bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng ACB cho rằng: Ông Trần Xuân Giá bị bệnh, việc này đã được các cơ quan chức năng kiểm tra xác nhận. Do ông Giá là cựu Chủ tịch ACB nên có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra với bị cáo này. Do vậy, đề nghị HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.
Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại phiên tòa. Ảnh chụp qua màn hình.
9h 40: Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại phiên tòa.
"Siêu lừa" Huyền Như được triệu tập tới tòa lần này với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo hồ sơ vụ án, Huyền Như đã sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của ACB 719 tỉ đồng và đang trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.
Phạm Trung Cang, 60 tuổi, Phó chủ tịch HĐQT ACB, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
8h53: Phiên xử tiếp tục phần thẩm tra căn cước các bị cáo.
Ngày 3-1-2014, TAND TP Hà Nội trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND TP Hà Nội (cơ quan thừa ủy quyền thực hành quyền công tố trong xét xử vụ án) đề nghị xem xét hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (2 hình trên) có dấu hiệu vi phạm pháp luật.8h47. Có điện trở lại nhưng phiên xử vẫn chưa thể tiếp tục.
8h45. Phòng xử lại gặp sự cố về điện.
8h40: Chủ tọa phiên tòa thẩm tra căn cước các bị cáo.
Nguyễn Đức Kiên: Trước khi bị bắt giữ, Nguyễn Đức Kiên giữ các chức vụ: Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. Nguyễn Đức Kiên cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐ thành viên của sáu công ty (là những công ty liên quan đến vụ án này): Công ty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính Á châu; Côgn ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội; Công ty Cổ phần đầu tư Á châu và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Bị cáo Trần Xuân Giá có đơn xin vắng mặt tại phiên xử ngày 16-4, ngày mai bị cáo sẽ có mặt.
8h20: Mất điện ở phòng báo chí.
8h15. HĐXX làm thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Hình ảnh Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay. Ảnh chụp qua màn hình.
Các luật sư làm làm thủ tục trước cổng tòa án. Ảnh: Thu Nguyệt
Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư Nghiêm, người bào chữa cho bầu Kiên cho biết, ông Kiên khá khỏe mạnh, hiện giảm khoảng 20 kg so với ngày trước khi bị bắt. Tuy nhiên ông ăn uống khá tốt, tập thể dục đều đặn. Ông có hai việc để làm hàng ngày: tập thể dục và tập trung suy nghĩ về những việc làm đã qua của bản thân. Ông Kiên có thể hít đất hàng trăm cái. Cũng theo luật sư Nghiêm: “ông Kiên có trí nhớ rất tốt và “ông ấy thậm chị còn phân công công việc cho chúng tôi”
8h00 :
Ngay từ 6h45, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã được dẫn giải tới tòa nhằm tránh các ống kính máy ảnh.
Đến 7h30, các phóng viên vẫn phải đứng ngoài cổng chờ làm thủ tục vào dự tòa. Do số lượng đăng ký nhiều nên mỗi báo chỉ có một phóng viên được cấp thẻ vào dự tòa.
Một biển báo cấm quay phim, chụp ảnh được dựng ngay trước cổng tòa.
Xe công an, xe chữa cháy được bố trí đỗ dọc phía bên phải đường Hai Bà Trưng. Hàng rào bảo vệ cũng được chuẩn bị sẵn để phục vụ phiên tòa.
An ninh vào tòa được thắt chặt. Cổng tòa được kiểm soát bằng máy móc như sân bay. Ảnh: 24h
Phóng viên vào tòa phải qua cửa từ kiểm tra người và máy soi đồ đạc, kim loại. Ảnh: 24h
Phiên xử do Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 14 ngày, từ ngày 16 đến ngày 29-4.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT ACB) cùng bảy bị cáo khác sẽ ra tòa với nhiều tội danh khác nhau.
"Bầu" Kiên tức Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ở phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về các tội danh: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "trốn thuế" và "kinh doanh trái phép".
Sáu bị cáo khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá, bị truy tố về tội cố ý làm trái… Ngoài ra, hai bị cáo còn lại bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có khoảng 20 luật sư dự kiến sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo, riêng ông Kiên mời 4 người.
Luật sư và các bên liên quan đang làm thủ tục vào tòa. ảnh: 24h
Danh sách những người hầu tòa hôm nay gồm:
1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Trong số này ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt lên tới chung thân.
2. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Lê Vũ Kỳ, 58 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Trịnh Kim Quang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Phạm Trung Cang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Lý Xuân Hải, 49 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
7. Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung hình phạt theo tội danh với ông Giá, Quang, Cang, Hải và Tuấn từ 10 đến 20 năm tù.
8. Trần Ngọc Thanh, 62 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
9. Nguyễn Thị Hải Yến, 45 tuổi, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khung hình phạt với bị cáo Thanh, Yến từ 12 đến chung thân.
THU NGUYỆT-PLO