Ngày 13-12, Bộ Tư pháp tổ chức họp ban soạn thảo liên ngành về dự thảo quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, VKSND Tối cao…
Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao và TAND Tối cao sẽ ký quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp.
Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, nêu ngắn gọn về sự cần thiết cũng như nội dung cơ bản của Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp.
Theo đó, thời gian qua, quan hệ phối hợp giữa ngành tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quản lý giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, bất cập.
Điển hình như một số cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định trong công tác giám định tư pháp. Thông tin, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp trung ương và cấp tỉnh với ngành tư pháp chủ yếu còn mang tính sự vụ trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của một cơ quan, mà chưa có tính tổng thể, toàn diện, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp chưa được kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết, làm hạn chế hiệu quả hoạt động, quản lý giám định tư pháp nên chưa thực sự bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng nói chung, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua.
Do đó, để bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý giám định tư pháp và bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng đối với giám định tư pháp thì việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp trung ương và cơ quan có liên quan về giám định tư pháp là yêu cầu cấp thiết, khách quan.
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của quy chế gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, VKSND Tối cao và TAND Tối cao.
Về nội dung, dự thảo quy chế quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm phối hợp của từng cơ quan. Có thể kể đến như phối hợp trong xây dựng văn bản về giám định tư pháp; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp; phối hợp trong hướng dẫn thống kê và cung cấp thông tin, số liệu thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng…