Phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết TP.HCM đã triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp, đi đúng định hướng của tiến trình cải cách tư pháp, đáp ứng kịp thời nhu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng và góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng trên địa bàn TP.
Căn cứ luật trên, UBND cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp ở địa phương. Đồng thời để án “Kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các tổ chức giám định tư pháp, các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn TP.HCM”.
Sở Tư pháp TP - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án giám định tư pháp TP tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 100 người giám định tư pháp thuộc các sở, ban, ngành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu xã hội về giám định tư pháp.
Chương trình tập huấn hai ngày với nhiều chuyên đề như một số vấn đề cơ bản về giám định tư pháp và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính...
Sau khi tập huấn, học viên phải làm bài thu hoạch (trắc nghiệm và tự luận) để được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng. Theo Luật Giám định tư pháp thì có ba hệ thống tổ chức là giám định tư pháp công lập, ngoài công lập và theo vụ việc. Người làm công tác giám định tư pháp có hai đối tượng là giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.