Ngày 16-1, phiên sơ thẩm xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ ba. Đại diện VKS cùng các luật sư tập trung thẩm vấn các bị cáo để làm rõ trách nhiệm trong sự cố nói trên.
Hoàng Công Lương dùng quyền im lặng
Cũng giống như phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017, Hoàng Công Lương một lần nữa sử dụng quyền im lặng tại tòa. Cụ thể, khi được đại diện VKS đặt câu hỏi, Lương nói rằng đã có đơn gửi HĐXX với nội dung bị cáo không đảm bảo sức khỏe để trả lời những câu hỏi của HĐXX, VKS và các luật sư.
Hoàng Công Lương khẳng định những lời khai liên quan đến mình đã khai rõ tại phiên xét hỏi trước đó và trong phiên sơ thẩm lần một. Vì vậy, bị cáo chỉ trả lời những câu hỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh, những nội dung khác xin được giữ quyền im lặng.
Theo Lương, trong hai ngày làm việc vừa qua (14 và 15-1), dù đang phải uống thuốc theo đơn, bị cáo vẫn liên tục đến tòa từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều. Đêm về, bị cáo không ngủ được nên rất mệt mỏi. “Những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn công việc bị cáo xin phép giữ quyền im lặng, không cho lời khai chống lại mình. Bị cáo chỉ biết chuyên môn bác sĩ điều trị, không thể khai những gì bị cáo không biết và không thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình” - Lương viết trong đơn.
Ngay sau đó, đại diện VKS cho rằng giữ im lặng là quyền của bị cáo, tuy nhiên lời khai của bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để VKS buộc tội và đề nghị hướng xử lý đối với bị cáo. Cơ quan công tố sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ được thẩm định, đánh giá công khai tại phiên tòa.
Một điều khá bất ngờ nữa là Lương sử dụng quyền im lặng đối với cả luật sư bào chữa cho mình. Trong buổi chiều của phiên xử, khi luật sư Hoàng Ngọc Biên đề nghị được đặt câu hỏi với Lương, ông đã bị thân chủ của mình từ chối. Lương bước lên bục khai báo và nói rằng mình đã có đơn xin giữ quyền im lặng.
Hoàng Công Lương trong ngày xét xử thứ ba. Ảnh: TUYẾN PHAN
Không phải lần đầu sử dụng hóa chất
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) khai rằng việc sử dụng hóa chất để sục rửa màng lọc RO đã được thực hiện từ lâu. Không chỉ tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngay trong tối hôm trước, bị cáo cũng sử dụng hai loại hóa chất (HCL và HF) để sục rửa màng RO tại một BV khác và kết quả không hề sao.
Trả lời về lượng hóa chất sử dụng trong mỗi lần sục rửa, Quốc nói nhiều hay ít phụ thuộc vào lưu lượng nước trong đường ống RO, lưu lượng càng thấp tức càng bị tắc thì sử dụng hóa chất càng nhiều. Ngày 28-5-2017, bị cáo không sục rửa màng RO mà chỉ vệ sinh vỏ màng bằng hóa chất, việc sục rửa đã được thực hiện trước đó từ tháng 2-2017.
Quốc khẳng định chưa bàn giao bất cứ thiết bị nào cho BV, nếu có thì chỉ bàn giao với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn. Trên thực tế, bị cáo cũng chưa hoàn thành công việc của mình vì còn hạng mục lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Theo dự kiến, sáng 29-5 bị cáo sẽ lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng khi đến BV thì thấy hệ thống RO số 2 đã chạy rồi.
Bị HĐXX truy vấn vì sao nhìn thấy hệ thống chạy khi chưa có kết quả xét nghiệm nước mà không ngăn cản, bị cáo thừa nhận đây là sự tắc trách của mình và xin nhận lỗi. Tuy nhiên, Quốc nói bản thân đã ý thức được phải chờ kết quả xét nghiệm nước mới được đưa hệ thống vào sử dụng, vì vậy trong chiều 28-5, sau khi sửa chữa xong, bị cáo đã không bơm nước vào tank đồng thời nhắc một cán bộ của BV rằng sáng mai mới tới lấy mẫu nước.
Sở Y tế đổ cho BV đa khoa Hòa Bình
Tại tòa, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng được triệu tập. Trả lời HĐXX, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết thẩm quyền thành lập đơn nguyên thận thuộc về giám đốc BV (ông Trương Quý Dương - PV). Về pháp lý, việc thành lập này là đúng.
Nói về cáo buộc “chưa có các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên”, đại diện Sở Y tế cho hay hằng năm Sở đều kiểm tra hai lần tại BV, trong đó có thể kiểm tra đột xuất. Cùng với đó, việc thanh tra cũng căn cứ từ những phát sinh trong quá trình hoạt động thực tế.
Đáng chú ý, đại diện Sở Y tế cho biết từng có một lần thanh tra liên quan đến việc chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vào năm 2014 và đã có kết luận thanh tra. Theo kết luận này, thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế nhưng “chúng tôi không thể nhớ hết”.
Trước câu trả lời này, HĐXX đề nghị Sở Y tế cung cấp tài liệu liên quan đến kết luận thanh tra nói trên. Tiếp đó, đại diện VKS hỏi đại diện Sở Y tế về việc có đôn đốc BV khắc phục những tồn tại đã nêu hay không. Vị này khẳng định trong các đợt kiểm tra sau này bao giờ cũng nhắc lại.
“Theo kết luận thanh tra của Sở Y tế năm 2014, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bố trí đầy đủ vị trí việc làm ở đơn nguyên thận. Tuy nhiên, sau ba năm, tức năm 2017, khi xảy ra sự cố, BV vẫn không có kỹ sư thì trách nhiệm của Sở đến đâu?” - đại diện VKS truy vấn.
Đại diện Sở Y tế cho rằng việc bố trí sắp xếp là do BV, BV phải chịu trách nhiệm, Sở không thể bố trí được.
Cựu đồng nghiệp phản ứng Lương về điều gì? Đáng chú ý, trong ngày làm việc 15-1, khi được chủ tọa hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước, Lương cho rằng theo quy chế khoa lọc máu thì việc này thuộc trách nhiệm của trưởng khoa. Tuy nhiên, do đơn nguyên thận nhân tạo của BV không có kỹ sư nên trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm thuộc về kỹ sư của phòng vật tư cũng như bên sửa chữa, bảo dưỡng. Thế nhưng khi được đại diện VKS hỏi đánh giá như thế nào về lời khai trên, bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư) nói rằng mình rất bất ngờ. “Bị cáo thấy bất ngờ khi nghe nói mình phải chịu trách nhiệm về nguồn nước bởi bị cáo không có chuyên môn… Việc nhân viên kỹ thuật phải chịu trách nhiệm vì nguồn nước thì đúng là hôm qua bị cáo mới nghe lần đầu” - Sơn cho hay. |