Sau phần thẩm vấn của HĐXX, đại diện VKSND TP Hòa Bình tiếp tục đặt câu hỏi với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người chết, xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vào tháng 5-2017.
Tại tòa, Hoàng Công Lương cho rằng trách nhiệm đảm bảo nguồn nước chạy thận thuộc về kỹ sư phòng Vật tư cũng như bên sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống. Ảnh: TP
Rất bất ngờ với lời khai của Hoàng Công Lương
Trả lời tại tòa, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư và thiết bị y tế), thừa nhận nội dung bản cáo trạng truy tố mình về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng chú ý, khi kiểm sát viên hỏi Trần Văn Sơn nghĩ gì khi hôm qua (15-1) Hoàng Công Lương cho rằng bị cáo là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước. Sơn nói rằng mình rất bất ngờ.
“Bị cáo thấy bất ngờ khi nghe nói mình phải chịu trách nhiệm về nguồn nước bởi bị cáo không có chuyên môn…. Việc nhân viên kỹ thuật phải chịu trách nhiệm vì nguồn nước thì đúng là hôm qua bị cáo mới nghe lần đầu” – Sơn cho hay.
Trước đó, vào chiều 15-1, trả lời câu hỏi của chủ tọa ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước, Hoàng Công Lương cho rằng theo Quy chế khoa lọc máu thì việc này thuộc trách nhiệm của trưởng khoa. Tuy nhiên, tại khoa Hồi sức tích cực của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, do đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư nên trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm thuộc về kỹ sư của phòng Vật tư cũng như bên sửa chữa, bảo dưỡng.
Trần Văn Sơn cũng khai rằng quyết định bàn giao quản lý thiết bị cho BS Hoàng Công Tình (phó khoa Hồi sức tích cực) được ký sau khi xảy ra sự cố là do bị cáo soạn thảo theo yêu cầu của bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư). Sau đó, bị cáo trình lên bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc) để ký và chuyển sang phòng văn thư.
Đối với hợp đồng số 315 giữa BV và công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, Sơn nói không biết và không tham gia soạn thảo. Sáng 29-5, tại cuộc họp giao ban của phòng Vật tư, Sơn thông báo với Trần Văn Thắng việc sửa chữa hệ thống đã xong. Tiếp đó, ông Thắng chỉ đạo Sơn “hoàn thiện các thủ tục” mà theo Sơn hiểu là hoàn thiện biên bản bàn giao thiết bị sau sửa chữa và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Bị cáo Trần Văn Sơn nói mình rất bất ngờ về lời khai của Hoàng Công Lương. Ảnh: TP
Cán bộ vật tư nhưng không hiểu về quy trình lấy mẫu nước
Trong phần trả lời HĐXX, Trần Văn Sơn khai ngày 28-5 được bị cáo Trần Văn Thắng giao nhiệm vụ tới theo dõi việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Tại khoa Hồi sức tích cực, Sơn và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) tiến hành đối chiếu, xác nhận số lượng vật tư đúng với báo giá của công ty Thiên Sơn gửi cho BV.
Sau đó, vì công việc riêng, Sơn không có mặt để giám sát. Đến cuối giờ chiều, khi Quốc gọi điện thông bao đã sửa chữa xong, Sơn cũng không quay lại.
Nghe vậy, chủ tọa đặt câu hỏi nếu không có mặt thì làm sao để giám sát quá trình sửa chữa, bảo dưỡng? Sơn ngập ngừng vài giây rồi thừa nhận đây là lỗi của mình.
Bị cáo cũng khẳng định chiều 28-5 Bùi Mạnh Quốc chưa hoàn thiện công việc vì chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Theo dự kiến, sau khi giao ban sáng 29-5, bị cáo sẽ phối hợp với Quốc lấy mẫu, tuy nhiên khi chưa lấy thì hệ thống đã được đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, chủ tọa cho rằng Trần Văn Sơn là người có chuyên môn kỹ thuật, là cán bộ của phòng Vật tư, có trách nhiệm bảo đảm an toàn các trang thiết bị y tế trong BV, vậy thì bị cáo phải hiểu rõ vai trò của chất lượng nước trong chạy thận. Hơn thế, bị cáo biết rõ trong báo giá giữa BV và công ty Thiên Sơn có nội dung xét nghiệm nước, nhưng tại sao khi thấy hệ thống hoạt động dù chưa có kết quả xét nghiệm mà lại không can ngăn?
Sơn cúi đầu, nói nhỏ và nhận mình có lỗi khi đã không ngăn cản việc này. Tuy nhiên, cựu cán bộ phòng Vật tư cho rằng trên thực tế bị cáo cũng không biết sau khi lấy mẫu nước xong thì khoa có chạy hệ thống hay không.
Lý do Sơn đưa ra cho sự “không biết” này là mọi khi đều xét nghiệm Endotoxin, còn lần này là xét nghiệm AAMI, vì vậy bị cáo không hiểu rõ.
“Bị cáo không nắm được quy trình và sự cần thiết của lấy mẫu nước?” – chủ tọa hỏi lại một lần nữa. Ngay lập tức, Sơn khẳng định “dạ, vâng”.
Một chi tiết khác trong cáo trạng cũng được Sơn thừa nhận tại tòa, đó là việc biên bản bàn giao thiết bị được lập sau khi sự cố chạy thận xảy ra.
Cụ thể, theo VKS, sau khi sự cố xảy ra vào sáng 29-5, Sơn lập biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa ghi hồi 18 giờ 35 phút ngày 28-5, trong đó đại diện công ty Thiên Sơn do Quốc ký và phòng Vật tư do Sơn ký. Đồng thời, Sơn cũng lập Biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa giữa Phòng Vật tư do mình ký rồi đưa cho điều dưỡng của đơn nguyên thận nhân tạo ký nhận.