Con có trợ cấp xã hội, cha từ chối cấp dưỡng được không?

Nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con đến TAND huyện Thạnh Phú (Bến Tre), chị O. trình bày rằng chị với anh R. quen nhau, tự nguyện về ở với nhau, sống như vợ chồng vào năm 1989 mà không đăng ký kết hôn.

Gia môn bất hạnh

Trong quá trình chung sống, chị với anh R. có với nhau hai người con. 10 năm sau khi sinh được đứa con trai thứ nhất năm 1991, hai người sinh thêm đứa con thứ hai là cháu T. Tuy nhiên, điều bất hạnh với vợ chồng chị là cháu T. lại bị bại liệt bẩm sinh, không thể đi lại, cũng không thể tự chăm sóc bản thân.

Cũng từ lúc sinh cháu T., vợ chồng hay xảy ra cự cãi, càng ngày mâu thuẫn càng nặng nề. Đến năm 2004, anh R. đột nhiên bỏ nhà, bỏ vợ con đi xa xứ không về và vợ chồng ly thân từ đó.

Rồi năm 2015, một bất hạnh lại ập đến với gia đình nữa là đứa con trai đầu bị tai nạn giao thông chết. Ngay khi cháu vừa mất, anh R. đã quay về, đuổi chị và cháu T. ra khỏi nhà. Anh đuổi luôn con dâu và cháu nội (vợ con của đứa con trai đầu). Đến cuối tháng 8-2016, anh R. nộp đơn ra tòa yêu cầu không công nhận anh chị là vợ chồng. Anh còn yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu T., chị O. không phải cấp dưỡng và được tòa chấp nhận.

Từ chối cấp dưỡng

Theo chị O., sau hơn chín tháng anh R. nuôi dưỡng, cháu T. bị phát bệnh liên tục, sức khỏe ngày càng kém. Do cháu bị bại liệt nên sinh hoạt cơ thể khó khăn, dễ phát sinh nhiều bệnh tật khác, nhất là sống trong điều kiện mẹ kế con chồng (anh R. đã cưới vợ khác) nên cháu càng không được quan tâm, chăm sóc tận tình.

Vì quá thương con, giữa tháng 5-2017, ngay lúc cháu T. đau bệnh nguy kịch, chị O. đã đến đưa cháu về nhà và đưa cháu đi nhập viện điều trị viêm gan cấp từ bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, rồi đến cả bệnh viện ở Sài Gòn. Sau thời gian dài điều trị, hiện sức khỏe cháu đã ổn định. Hoàn cảnh của chị cũng khó khăn nhưng bằng tình mẫu tử, chị đã cố giúp con bớt đi nỗi đau trong cuộc sống.

Từ những lý do trên, chị O. yêu cầu TAND huyện Thạnh Phú xem xét cho chị được trực tiếp nuôi cháu T. Anh R. phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 600.000 đồng cho đến khi cháu có tài sản riêng và tự lao động để nuôi sống bản thân.

Anh R. trình bày với tòa rằng việc chị O. nói anh có vợ khác nên bỏ bê con, làm cho sức khỏe của con ngày càng kém và thường xuyên bị bệnh là không đúng. Anh vẫn thương yêu và chăm sóc cháu T. rất chu đáo. Chị O. tự ý đem cháu về sống chung với chị và yêu cầu thay đổi người nuôi con thì anh cũng đồng ý nhưng anh không đồng ý cấp dưỡng. Bởi theo anh, trước đây giữa anh với chị O. có thỏa thuận là anh nuôi con thì chị O. không phải cấp dưỡng, nay chị O. muốn nuôi con thì cũng không được yêu cầu anh cấp dưỡng.

Nghĩa vụ của cha mẹ

Xử sơ thẩm, TAND huyện Thạnh Phú đã chấp nhận yêu cầu của chị O. Theo đó, chị là người trực tiếp nuôi cháu T. và anh R. phải cấp dưỡng nuôi cháu T. mỗi tháng 600.000 đồng đến khi cháu có khả năng lao động hoặc có tài sản riêng và tự nuôi sống được bản thân.

Anh R. kháng cáo, không đồng ý cấp dưỡng vì cho rằng cháu T. đã được lãnh trợ cấp xã hội mỗi tháng 945.000 đồng cho người khuyết tật.

Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định theo Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Cháu T. bị bệnh bại liệt bẩm sinh, sức khỏe yếu nên rất hạn chế khả năng đi lại để tự chăm sóc mình. Chị O. yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh R. cũng đồng ý nên anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định. Mức cấp dưỡng 600.000 đồng mỗi tháng như yêu cầu của chị O. là còn thấp so với mức sống trung bình của địa phương nên yêu cầu này là phù hợp.

Anh R. cho rằng cháu T. có tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng 945.000 đồng nhưng lại không có chứng cứ nào chứng minh cho lời trình bày này. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm khẳng định nếu thực sự cháu T. có được nhận trợ cấp như anh R. trình bày thì đây là nguồn tiền khác từ các tổ chức xã hội mà cháu được hưởng. Còn việc cấp dưỡng nuôi cháu T. của anh R. là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Tòa sơ thẩm buộc anh R. cấp dưỡng cho cháu T. cho đến khi cháu có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân hoặc có tài sản riêng để tự nuôi mình là phù hợp. Anh R. kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì khác nên không có cơ sở để xem xét. Từ đó tòa phúc thẩm bác kháng cáo và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm