Anh B. ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri (Bến Tre) trình bày trong đơn ly hôn của mình rằng anh và chị L. kết hôn năm 2009. Sau khi cưới, vợ chồng chung sống hạnh phúc một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn do chị L. cờ bạc.
Ly hôn với lý do vợ cờ bạc
Anh B. kể anh đã khuyên răn nhiều lần nhưng chị L. không có chút nào sửa đổi. Vì thế, năm 2012, anh mới nộp đơn ly hôn ra tòa. Nhưng do lúc đó chị L. đang mang thai đứa con thứ hai nên anh rút đơn. Cũng từ năm đó, vợ chồng sống mỗi người một nơi, anh vẫn sống tại nhà, còn chị L. sống bên cha mẹ ruột ở xã Mỹ Nhơn cùng huyện. Mặc dù vậy, anh và chị L. vẫn còn qua lại và tiếp tục có với nhau đứa con thứ ba. Đến năm 2017 thì anh và chị L. không còn qua lại nữa. Hiện anh thấy tình cảm vợ chồng giữa anh với chị L. không còn nữa nên yêu cầu được ly hôn. Hiện ba đứa đều là con gái, đang sống với chị L. Khi ly hôn, anh yêu cầu được nuôi hai đứa con lớn, không yêu cầu cấp dưỡng. Tài sản chung, nợ chung không yêu cầu giải quyết.
Còn theo chị L., nguyên nhân mất hạnh phúc là do gia đình bên chồng quá khó khăn. Anh B. lại không quan tâm đến vợ con, không chi tiền nuôi con. Gần giữa năm 2012, anh B. chở chị và đứa con về “trả lại” cho cha mẹ chị. Nay anh B. đòi ly hôn, chị đồng ý với yêu cầu này. Hiện cả ba đứa con đang sống với chị và ông bà ngoại từ bấy lâu nay. Chị yêu cầu được nuôi cả ba đứa và anh B. phải cấp dưỡng theo quy định.
Không ít cặp vợ chồng ly hôn giành quyền nuôi con không hẳn vì yêu thương những đứa trẻ như vợ chồng anh B. và chị L. Ảnh minh họa: MỸ DUYÊN
Tòa: “Anh B. chưa đủ thiện chí nuôi con”
Xử sơ thẩm, TAND huyện Ba Tri đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh B. với chị L. Chị L. được quyền nuôi ba người con chung; anh B. có nghĩa vụ cấp dưỡng cho mỗi người con mỗi tháng 650.000 đồng đến khi 18 tuổi.
Anh B. kháng cáo cho rằng chị L. là công nhân có thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, lại đam mê cờ bạc gây nợ nần nên không thể đảm bảo việc nuôi cả ba đứa con. Trong khi đó, anh B. có điều kiện hơn như đất đai, nhà cửa ba mẹ để lại cho anh trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy anh B. yêu cầu được nuôi hai con lớn, không đồng ý cấp dưỡng.
TAND tỉnh Bến Tre đã xét theo nguyện vọng của đứa con đầu: “Từ đó tới giờ mẹ cháu nuôi ba chị em cháu nên cháu muốn tiếp tục sống với mẹ và các em”. Ngoài ra, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm, chị L. trình bày chị không cờ bạc, nợ nần như anh B. nói, mà do anh B. và gia đình bên nội khó khăn trong chi tiêu tiền bạc, không đưa tiền mua sữa cho con nên chị mới vay mượn để mua sữa và chi tiêu hằng ngày. Rồi khi chị cùng các con sống bên nhà ngoại, những lúc đến thăm con, anh B. chỉ mua vài lốc sữa, có khi không mua gì cho các con. Thỉnh thoảng anh B. cũng có đưa cho chị L. vài trăm ngàn đồng lo cho con, còn tất cả đều do cha mẹ chị L. lo.
Chưa kể bên nội lại không nhìn nhận các cháu, không thương yêu các cháu. Xung quanh nhà nội ao, hồ, sông rạch nhiều; còn cha mẹ anh B. đã lớn tuổi nên không thể đảm bảo chăm sóc tốt cho các cháu. Trong khi đó, anh B. cũng thừa nhận rằng nếu chị L. nuôi hết ba con thì anh giao, còn cấp dưỡng nuôi con thì anh không đồng ý.
Như chị L. trình bày, việc anh B. đòi nuôi hai con là do không chịu cấp dưỡng chứ không thương yêu các con thật lòng. Do anh B. chưa đủ thiện chí nuôi con nên tòa sơ thẩm giao cả ba cháu cho chị L. nuôi, anh B. cấp dưỡng là phù hợp.
Thỏa thuận cấp dưỡng không xong thì tòa giải quyết Về mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng... Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”. |