Anh S. ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh trình bày trong đơn ly hôn rằng anh và chị K. cưới nhau từ tháng 6-2015. Sau đám cưới vợ chồng anh chung sống với nhau ở TP Tây Ninh. Tuy nhiên, do tính tình không hợp nhau nên hai vợ chồng chỉ sống chung với nhau vỏn vẹn được bốn tháng thì ly thân.
Ly thân sau bốn tháng cưới nhau
Sau đó hai bên không ai còn quan tâm đến nhau nữa. Hiện nay anh xác định tình cảm vợ chồng giữa anh với chị K. không còn nên muốn được ly hôn.
Tuy vợ chồng chung sống ngắn ngủi nhưng giữa anh với chị K. cũng có với nhau một đứa con gái (sinh năm 2016) hiện sống với chị K. Sau khi ly hôn, anh muốn được nuôi con chung, không yêu cầu chị K. cấp dưỡng. Còn trường hợp chị K. muốn được nuôi con thì anh sẽ cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi con trưởng thành. Anh S. cũng tự nguyện đồng ý trả cho chị K. chi phí sinh con là hơn 5 triệu đồng.
Phía chị K. thì yêu cầu anh S. phải cấp dưỡng 40 triệu đồng tiền nuôi con trong thời gian hai người sống ly thân (từ tháng 7-2016 đến tháng 3-2018) và 2 triệu đồng/tháng sau khi ly hôn đến khi con trưởng thành. Anh S. cũng phải trả chi phí sinh con cho chị là hơn 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh S. không đồng ý bởi lương của anh chỉ có 7 triệu đồng/tháng. Trong khi anh S. còn phải nuôi mẹ già đang điều trị bệnh tim, tốn rất nhiều tiền.
Về tài sản chung, anh S. và chị K. có tám chỉ vàng cưới, loại vàng 24K. Hiện số vàng này do chị K. giữ. Anh S. yêu cầu tòa chia đôi số vàng này, anh xin được nhận giá trị bằng tiền mặt, tương ứng 14,4 triệu đồng.
Do chị K. có địa chỉ thường trú ở huyện Châu Thành (Bến Tre) nên TAND huyện này thụ lý giải quyết đơn yêu cầu ly hôn của anh S.
Tại phiên tòa sơ thẩm, chị K. đồng ý ly hôn với anh S. với lý do vợ chồng cũng ly thân khá lâu, không còn tình cảm nữa. Lúc ly thân chị có mang bầu và lúc sinh con đến giờ cháu bé vẫn do chị chăm sóc, nuôi dưỡng. Về việc cấp dưỡng nuôi con và chi phí sinh nở, chị K. giữ nguyên yêu cầu và số tiền ban đầu. Về số vàng cưới, chị K. cho biết đã bán hết để lo cho con lúc mới sinh nở nên không còn để trả cho anh S.
Tòa cho ly hôn
HĐXX nhận định anh S. và chị K. đã ly thân với nhau từ đầu năm 2016 đến nay. Anh S. yêu cầu được ly hôn, chị K. cũng đồng ý nên tòa công nhận sự thuận tình này.
Về con chung, từ lúc sinh ra đến nay cháu sống với chị K. và hiện cháu cũng chưa được hai tuổi. Để đảm bảo quyền lợi cho chị K. và để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của cháu nên để cho chị K. tiếp tục nuôi dưỡng là phù hợp.
Theo xác nhận nơi anh S. làm thì mức thu nhập hằng tháng của anh là hơn 7 triệu đồng. Để đảm bảo điều kiện nuôi con, đảm bảo các chi phí trang trải hiện nay nên buộc anh S. cấp dưỡng cho chị K. mỗi tháng 2 triệu đồng là không quá 1/3 mức thu nhập thực nhận của anh S.
Về yêu cầu của chị K. buộc anh S. cấp dưỡng nuôi con trong thời gian ly thân, HĐXX cho rằng trong thời gian này anh S. và chị K. chưa ly hôn nên trách nhiệm nuôi con là của chung cả vợ và chồng. Trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người không trực tiếp nuôi con chỉ phát sinh sau khi vợ chồng có quyết định hoặc bản án ly hôn của tòa án. Vì thế yêu cầu này của chị K. là không phù hợp nên không được chấp nhận. HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của anh S. trả chi phí sinh con cho chị K. là hơn 5 triệu đồng.
Về số vàng cưới là tài sản chung của vợ chồng, chị K. đã bán để lo cho chi phí nuôi con là hợp lý. Bởi đây là tài sản chung, đã được các bên thừa nhận là các bên đã có cam kết cụ thể trong thời gian ly thân, mọi chi phí nuôi con được lấy từ vàng cưới của cha mẹ cho. Và thực tế chị K. đã bán hết số vàng này để lo cho con. Việc anh S. yêu cầu được tiếp tục chia đôi số tài sản này là không phù hợp nên không được chấp nhận.