Tại hội thảo về kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng của luật sư (LS) trong án hình sự do Liên đoàn LS Việt Nam và Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức tại Hà Nội, các LS đều chung một nhận định là BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) sẽ cho phép quá trình tranh tụng tại phiên tòa đi đến cùng sự thật.
Phải tôn trọng lẫn nhau
Chia sẻ kinh nghiệm tham gia phiên tòa, LS Nguyễn Thế Truyền (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng LS cần xin phép HĐXX trước khi đặt câu hỏi với những người mà mình cần hỏi. Thực tế đã có những LS bị thẩm phán chủ tọa nhắc nhở vì chỉ ngồi đặt câu hỏi hoặc chủ động gọi bị cáo và người tham gia tố tụng khác để hỏi. Đó là điều không nên vì thiếu tôn trọng HĐXX.
Mặt khác, không ít LS “quên” đứng dậy khi hỏi hay trình bày quan điểm, lập luận với lý lẽ rằng “đại diện VKS ngồi thẩm vấn thì LS cũng được ngồi”. Đây cũng là điều không nên vì khi thẩm tra, đánh giá tài liệu có trong vụ án thông qua việc xét hỏi tại phiên tòa, việc LS đứng vừa thể hiện sự tôn trọng HĐXX, vừa tôn trọng chính những người được hỏi (dù là bị cáo hay người làm chứng).
“Ngoài việc phải tôn trọng HĐXX, các LS khi tranh luận với đại diện VKS cũng phải hết sức bình tĩnh, không để tranh luận trở thành tranh cãi, đả kích cá nhân” - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội Nguyễn Huy Được tiếp lời.
LS Được kể lại những chuyện chưa hay cả từ hai phía LS và đại diện VKS khi tranh luận. Chẳng hạn không ít LS đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay đại diện VKS với lý do hàm ý chê bai năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức… của thẩm phán, kiểm sát viên. Ở chiều ngược lại, có những đại diện VKS thiếu bình tĩnh, nói và ứng xử thiếu chuẩn mực, xúc phạm bị cáo, LS. Có trường hợp sau khi công bố quan điểm luận tội, bị cáo bức xúc giơ tay xin phát biểu, đại diện VKS quát “Im mồm!”. Có khi đại diện VKS nói: “Không hiểu LS kinh nghiệm bao nhiêu năm rồi mà lại bào chữa như thế!”. LS nổi nóng và thế là thành… cãi nhau.
Theo LS Trương Văn An (Đoàn LS TP Hà Nội, nguyên cán bộ điều tra), LS khi tranh tụng cần phải có kỹ năng nói và nghe bởi “nhiều LS nói ngọng cũng rất phản cảm khi tranh tụng tại phiên tòa”. Mặt khác, nhiều LS phụ thuộc vào bản bào chữa soạn sẵn nên không theo diễn biến phiên tòa, đến khi trình bày thì cứ đọc nguyên văn bản bào chữa, bị đại diện VKS phản ứng.
Luật sư đang tranh tụng tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD
KSV không thể “giữ nguyên quan điểm”
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Phan Trung Hoài, mô hình tố tụng ở nước ta hiện nay vẫn là mô hình thẩm vấn nhưng mở rộng tranh tụng và áp dụng một số nguyên tắc tranh tụng hiện đại trên thế giới, trong đó đề cao vai trò của LS.
“BLTTHS 2015 cho phép LS có thể dùng mọi phương tiện, kể cả máy projector để trình bày chứng cứ, thậm chí nếu tòa thấy cần thẩm tra thì có thể đến ngay hiện trường để xem xét chứng cứ. Điều này rất khác biệt so với trước đây, khi một số vụ án đã buộc các LS phải bỏ laptop bên ngoài trong khi các bên tố tụng khác thì được mang vào” - LS Hoài cho biết.
Ngoài ra, với việc BLTTHS 2015 ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng, chủ tọa phiên tòa sẽ phải tạo điều kiện cho các bên liên quan tranh tụng đến cùng. “Lúc đó, đại diện VKS sẽ không thể nói “tôi giữ nguyên quan điểm” là xong” - LS Hoài khẳng định.
Bên cạnh đó, LS Hoài cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì kiến nghị về trình tự xét hỏi của ông (khi tham gia soạn thảo BLTTHS 2015) đã không được chấp nhận khi luật mới vẫn quy định LS chỉ được tham gia xét hỏi cuối cùng. “Chúng tôi từng kiến nghị để mở rộng tranh tụng theo đúng nguyên tắc của Hiến pháp thì việc thẩm vấn nên để cho hai chủ thể chính là đại diện VKS và LS. Chúng tôi xây dựng một điều luật về trình tự thẩm vấn theo hướng này, được nhất trí rất cao nhưng khi ra Quốc hội thì cơ quan thẩm định không đồng ý. Đây là điều đáng tiếc!” - LS Hoài kể.
Mong sớm xóa án bỏ túi Theo LS Phan Trung Hoài, vẫn còn có tình trạng án xét xử theo ý chí chủ quan là bị cáo có tội và tòa thực hiện luôn chức năng buộc tội. LS Hoài cho biết nhiều nước như Nhật Bản, thẩm phán không biết trước hồ sơ, khi ra tòa mới nghe bên buộc tội và bên gỡ tội rồi ra phán quyết. “Tư duy của thẩm phán khi xét xử vì thế rất khách quan. Nếu thẩm phán nghiên cứu trước hồ sơ, thậm chí là trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc điều tra một tội khác thì rất bất cập” - LS Hoài nhận định. “BLTTHS 2015 đã quy định việc mới cho thẩm phán là phải có cuộc họp tiếp nhận quan điểm của các bên tham gia tố tụng. Chẳng hạn yêu cầu triệu tập điều tra viên nếu bị cáo nói bị bức cung, nhục hình và các vấn đề liên quan đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Tôi mong rằng thực tế sẽ sớm xóa được tình trạng án bỏ túi” - LS Hoài hy vọng. LS phải độc lập Những khó khăn trong tranh tụng mà các LS Việt Nam gặp phải thì các LS Đức cũng gặp phải, điều khác nhau chỉ ở mức độ của những khó khăn ấy. Có lẽ những khó khăn các LS Đức gặp phải thì thấp hơn. Tuy vậy, có một nguyên tắc chung là: LS phải độc lập khi bảo vệ thân chủ, không đứng về phía nhà nước, dĩ nhiên phải theo pháp luật. LS cũng độc lập cả với thân chủ, không vì thân chủ của mình mà bẻ cong những nguyên tắc của mình. LS OTMAR KURY, |