Bác ý kiến luật sư, tòa phải nêu lý do

Những năm qua, nhiều luật sư đã phản ánh về việc bản án của tòa thường không ghi nhận đầy đủ ý kiến, lập luận của họ, đặc biệt khi bác bỏ quan điểm của họ, tòa không nêu rõ lý do, không phân tích trong bản án mà chỉ ghi chung chung là “không có căn cứ chấp nhận”.

Đặt yêu cầu cụ thể đối với bản án

Để khắc phục, BLTTHS 2015 đã quy định yêu cầu cụ thể đối với bản án. Theo đó, trong bản án, HĐXX phải nêu rõ lý do vì sao không chấp nhận chứng cứ, trình bày, đề nghị, yêu cầu của kiểm sát viên, luật sư và những người tham gia tố tụng khác.

Theo luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), để làm rõ việc bản án có ghi nhận đầy đủ diễn biến phiên tòa hay không, Điều 258 BLTTHS 2015 quy định về biên bản phiên tòa, đồng thời quy định có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa. Sau khi chủ tọa phiên tòa và thư ký tòa ký vào biên bản phiên tòa, kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì thư ký tòa phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa…

“Những điểm mới về biên bản phiên tòa và bản án là cơ sở thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định tại Điều 26 BLTTHS 2015. Đó là bản án, quyết định của tòa phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên xử” - luật sư Hoài bình luận.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cũng đánh giá các quy định trên là một “điểm tốt” của bộ luật mới. “Một bản án rõ ràng sẽ giúp công tác kiểm tra giám đốc thẩm, giải quyết kháng cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo tốt hơn. Người dân cũng hiểu rõ hơn về vụ án, bớt khiếu nại” - ông Độ nói.

Theo BLTTHS 2015, chủ tọa phiên tòa quyết định trình tự xét hỏi. Ảnh minh họa: HOÀNG YẾN

Chủ tọa quyết định trình tự xét hỏi

Một điểm mới đáng chú ý khác của BLTTHS 2015 là quy định về trình tự xét hỏi. “Đây là vấn đề rất quan trọng thu hút sự thảo luận sôi nổi tại nghị trường. Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo viết tờ trình không biết bao nhiêu lần về vấn đề này” - TS Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND Tối cao, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS 2015 ) chia sẻ.

Theo TS Thủy, ban soạn thảo từng đề xuất đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi theo hướng “việc xét hỏi trước tiên phải thuộc về cơ quan buộc tội; bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với bị hại, người làm chứng nếu được chủ tọa đồng ý thay vì chỉ có quyền đề nghị chủ tọa hỏi như hiện nay”. Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng đã tranh tụng theo tinh thần Hiến pháp 2013 thì phải đổi lại hoàn toàn trình tự xét hỏi: Kiểm sát viên hỏi trước và hỏi tất cả vấn đề. VKS là người truy tố thì phải có nghĩa vụ chứng minh quan điểm truy tố của mình trước tòa.

TAND Tối cao cũng theo quan điểm trên. Trong khi đó, ý kiến khác, đặc biệt là Ủy ban Tư pháp lại không ủng hộ. Ủy ban Tư pháp cho rằng dù có thực hiện nguyên tắc tranh tụng theo Hiến pháp 2013 thì cũng không được làm thay đổi mô hình tố tụng và đề nghị giữ nguyên trình tự xét hỏi như hiện nay.

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng BLTTHS 2015 được thông qua theo hướng: Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi. Chủ tọa phiên tòa hỏi trước, sau đó quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. “Với sự thay đổi này, cũng có thể có trường hợp chủ tọa phiên tòa yêu cầu kiểm sát viên hỏi trước như hiện nay nhưng cũng có trường hợp yêu cầu luật sư hỏi trước. Khi tập huấn trong ngành, chúng tôi đã quán triệt là kiểm sát viên luôn phải chuẩn bị tâm thế, kể cả trường hợp kiểm sát viên hỏi trước hay hỏi sau luật sư thì kiểm sát viên luôn phải chủ động xây dựng đề cương xét hỏi phù hợp” - bà Thủy cho hay.

Có thể hỏi người làm chứng qua mạng viễn thông

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận xét BLTTHS 2015 giao quyền quyết định về trình tự xét hỏi cho chủ tọa phiên tòa là hợp lý. Trong xét xử, chủ tọa là người điều khiển phiên tòa, đồng thời điều khiển việc xét hỏi. “Sau khi kiểm sát viên công bố cáo trạng, chủ tọa phải mở lời trước hỏi bị cáo đã nghe rõ cáo trạng chưa, bản cáo trạng vừa nghe có giống với bản cáo trạng bị cáo được tống đạt hay không, bị cáo có đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố hay không. Nếu bị cáo nhận tội, chủ tọa sẽ có phương pháp, trình tự xét hỏi theo hướng nhận tội, còn nếu không nhận tội, chủ tọa lại phải có phương pháp, trình tự xét hỏi khác. Các nước khác cũng vậy thôi, bị cáo nhận tội sẽ có một trình tự, thủ tục khác với khi bị cáo không nhận tội” - ông Độ phân tích.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, ngoài việc quy định rõ hơn phạm vi, cách thức hỏi bị cáo và người bị hại, đương sự trong vụ án, điểm mới theo BLTTHS 2015 là trong trường hợp cần thiết, tòa quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông.

Cạnh đó, BLTTHS 2015 còn quy định khi cần thiết, HĐXX có thể cùng kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia phiên tòa khác đến xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được; đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. HĐXX có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến nơi đó...

“Các quy định nói trên đã mở rộng không gian và phạm vi các hoạt động của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng ngay trong giai đoạn xét xử nhằm xác minh làm rõ các vấn đề phát sinh trong đánh giá, nhận xét về chứng cứ tại phiên tòa” - luật sư Hoài nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm