Một ông hai bà, ai là vợ hợp pháp?

Năm 1975, ông S. và bà L. sống chung như vợ chồng và được chính quyền địa phương lúc đó là UBND xã Phú Thọ Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) cấp giấy chứng thư hôn thú vào ngày 9-12-1975. Họ có bốn người con.

Đăng ký kết hôn lại với bà đầu

Đến năm 1979, gia đình ông S. lại tổ chức lễ cưới cho ông S. với một phụ nữ khác là bà M. Ông S. và bà M. sau đó có với nhau năm người con chung nhưng không đăng ký kết hôn.

28 năm sau, ngày 16-7-2007, ông S. làm thủ tục đăng ký kết hôn lại với người vợ đầu là bà L. tại UBND phường Phú Trung (quận Tân Phú, TP.HCM) và được UBND phường cấp giấy chứng nhận kết hôn số 181. Hôn nhân này được công nhận kể từ ngày 9-12-1975 (ngày ông S. và bà L. được UBND xã Phú Thọ Hòa cấp giấy chứng thư hôn thú).

Cuối năm 2016, bà M. (người được ông S. cưới năm 1979) gửi đơn về Sở Tư pháp TP.HCM thắc mắc liên quan đến việc giải quyết đăng ký kết hôn của ông S. và bà L. Sau đó Sở Tư pháp đã mời bà M. đến hướng dẫn, giải thích về việc này.

Theo báo cáo của UBND phường Phú Trung và Phòng Tư pháp quận Tân Phú, ông S. và bà L. đến UBND phường Phú Trung làm thủ tục đăng ký kết hôn theo Nghị định 158/2005 (về đăng ký và quản lý hộ tịch). Điều 46 nghị định này quy định việc kết hôn đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại.

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp kết hôn của ông S. và bà L. đã được đăng ký có chứng thư hôn thú, sổ bộ hộ tịch không có (giấy xác nhận) và bản chính giấy chứng thư hôn thú đã cũ rách nên đủ điều kiện được đăng ký lại. Ngoài ra, sổ hộ khẩu của ông S. và bà L. thể hiện ông S. là chủ hộ, bà L. quan hệ với chủ hộ ghi là “vợ”. Ông S. và bà L. làm thủ tục, nộp tờ khai (theo mẫu) để đăng ký kết hôn là hoàn toàn tự nguyện và có ký tên đầy đủ trong sổ đăng ký kết hôn và trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Tháng 2-2017, Sở Tư pháp đã có công văn trả lời bà M. về việc UBND phường Phú Trung giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn lại giữa ông S. và bà L. là đúng quy định pháp luật. Việc kết hôn của họ là hoàn toàn tự nguyện, có đủ chữ ký trong hồ sơ theo quy định về hộ tịch.

Khiếu nại vì “chỉ nhằm giúp xuất cảnh”

Không đồng ý, bà M. khiếu nại. Lúc này ông S. cũng gửi đơn khiếu nại về việc kết hôn của mình với bà L.

Trong đơn khiếu nại, bà M. cho rằng bà và ông S. có tổ chức lễ cưới năm 1979, có nhiều người chứng kiến và có năm người con chung. Mặc dù bà với ông S. không đăng ký kết hôn thì vẫn phải xem đó là hôn nhân thực tế. Bà cũng cho rằng trường hợp đăng ký kết hôn của ông S. và bà L. là chưa hợp pháp. Việc ông S. đăng ký kết hôn với bà L. là không tự nguyện, chỉ nhằm giúp bà L. được cấp visa đi Mỹ. Nếu cơ quan chức năng giải quyết đăng ký kết hôn cho ông S. và bà L. thì quyền và lợi ích của bà bị ảnh hưởng…

Về phần mình, trong đơn khiếu nại, ông S. thừa nhận cưới bà M. từ năm 1979. Ông cho rằng ông và bà M. là hôn nhân thực tế, đủ điều kiện đăng ký kết hôn vì sống chung từ ngày đó cho đến nay. Ông S. lý giải có chuyện đăng ký kết hôn với bà L. là do bà L. có nhu cầu xuất cảnh sang Mỹ thăm người thân, trong khi UBND quận xác nhận giấy chứng thư hôn thú của ông với bà L. được cấp năm 1975 là cấp tạm, chưa hợp pháp nên không xuất cảnh được. Mục đích ông kết hôn với bà L. là giúp bà xuất cảnh nhưng khi có giấy đăng ký kết hôn rồi, bà L. lại yêu cầu ông và bà M. chia tài sản. Ông không đồng ý nên yêu cầu UBND quận Tân Phú hủy giấy đăng ký kết hôn.

Có quyền kiện để tòa giải quyết

Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết Sở đã giải thích và có công văn trả lời ông S. và bà M. rằng hồ sơ đăng ký kết hôn của ông S. và bà L. đã được giải quyết đúng quy định pháp luật. Trường hợp ông S. có cơ sở cho rằng việc đăng ký kết hôn của ông với bà L. là trái pháp luật, ông không tự nguyện đăng ký kết hôn lại với bà L. thì ông có thể căn cứ vào Điều 10, Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Bởi lẽ chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Về mặt pháp lý, luật sư Ngô Thị Ngọc Thu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét: Thông tư liên tịch số 01/2001 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp (hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình) quy định với trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3-1-1987, nay họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập. Như vậy, giả sử ông S. và bà L. chưa đăng ký kết hôn trước đây hay giấy chứng thư hôn thú năm 1975 của họ không có giá trị thì cũng không làm ảnh hưởng đến thời điểm công nhận quan hệ vợ chồng của họ (năm 1975).

Mặt khác, theo hướng dẫn trong công văn ngày 13-3-2017 của Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp), đối với tất cả trường hợp có quan hệ chung sống như vợ chồng xác lập trước ngày 3-1-1987, trường hợp nào phát sinh sớm nhất và thỏa mãn một trong các điều kiện (như có tổ chức lễ cưới khi về chung sống, hoặc việc họ về chung sống với nhau được một bên hoặc cả hai bên gia đình chấp nhận, hoặc có về chung sống, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình) thì được xác định là hôn nhân thực tế. Các trường hợp xác lập quan hệ chung sống hoặc đăng ký kết hôn sau là kết hôn trái pháp luật.

Theo luật sư Thu, từ các quy định trên, đối chiếu với vụ việc cụ thể này, có thể thấy ông S. và bà L. đã kết hôn và chung sống với nhau, có con chung trước thời điểm ông S. và bà M. chung sống nên được pháp luật thừa nhận. Quan hệ chung sống của ông S. và bà M. là quan hệ sau, không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Ba người ở chung một nhà?

Đầu năm 2017, Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM đã làm việc với ông S. và bà M., ghi nhận nội dung ông S. thừa nhận là vào năm 1975 ông có sống chung như vợ chồng với bà L. (có con chung). Năm 1979, ông cưới bà M. Năm 2007, bà L. quay lại nhờ đăng ký kết hôn đi xuất cảnh. “Chúng tôi cùng ở chung nhà với nhau (tôi, bà L., bà M.) tại quận Tân Phú” - ông S. trình bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm