Sáng 31-8, HĐXX đã xét hỏi Hà Văn Thắm về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của bị cáo và đồng phạm, gây thiệt hại hơn 1.576 tỉ đồng.
Khi được xét hỏi, Hà Văn Thắm cho biết có hai bộ phận kiểm soát gồm bộ phận kiểm soát của ban điều hành và bộ phận kiểm soát của cổ đông do ông Bùi Văn Hải làm trưởng ban.
Thắm cho biết bộ phận kiểm soát của cổ đông có thể báo cáo với cổ đông, cũng như báo cáo với NHNN.
Thắm khai anh Hải trước đó công tác tại cơ quan Thanh tra NHNN. Cựu chủ tịch OceanBank cũng xác nhận chủ trương chi lãi ngoài là ban kiểm soát hoàn toàn biết. Bộ phận kiểm soát của cổ đông “gần như là cấp trên của bị cáo”. HĐQT có trách nhiệm phải mời họ tham gia các cuộc họp và cung cấp các tài liệu họ yêu cầu để kiểm soát.
Thắm khai tiếp, xuất phát từ yêu cầu của cổ đông nước ngoài, OceanBank đã mời một công ty kiểm toán quốc tế (là một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) tới kiểm toán minh bạch. Ngoài ra, hằng ngày kế toán của OceanBank đều báo cáo cho NHNN nên tất cả hoạt động của OceanBank cũng như hoạt động của các NH khác thế nào NHNN đều nắm được.
Trước đó, cựu GĐ khối NH bán lẻ Nguyễn Thị Thu Ba cũng đã cho rằng nếu hành vi chi lãi suất vượt trần là vi phạm thì đó là trách nhiệm của những người quản trị điều hành NH, không phải của cán bộ cấp dưới.
“Ở thời điểm xảy ra vi phạm, bị cáo không hề nhận được bất cứ cảnh báo, yêu cầu nào của ban kiểm soát nội bộ của OceanBank, không nhận được cảnh báo nào của Thanh tra NHNN, thanh tra thuế... Nếu OceanBank có vi phạm nghiêm trọng thì những cơ quan này phải lên tiếng” - cựu GĐ khối NH bán lẻ nói.
Bị cáo này sau đó cũng đã cung cấp thêm thông tin: “Anh Bùi Văn Hải ở thời điểm đó làm trưởng ban kiểm soát, sau đó khi OceanBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng, anh Hải tiếp tục được phê chuẩn làm trưởng ban kiểm soát của OceanBank”. Từ đó, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu thư ký làm giấy triệu tập ông Bùi Văn Hải (trưởng ban kiểm soát của OceanBank).
“Nếu các bị cáo không làm thì OceanBank sẽ bị đổ bể” - bị cáo Thắm khai.
Hà Văn Thắm sau đó xác nhận lời khai của các nhân viên “rất đúng”. “Nếu các bị cáo không làm thì OceanBank sẽ bị đổ bể” - Thắm nói.
Thắm cho biết theo cơ quan CSĐT, có 29 NH vi phạm chi lãi suất vượt trần trong khi ở Việt Nam lúc đó có 34 NH. Tại thời điểm xảy ra sự việc, thống đốc NHNN có thành lập một hội gọi là G14 (gồm 14 NH lớn nhất Việt Nam, nắm 80% tổng thị trường huy động của toàn nền kinh tế). OceanBank không được tham gia vào đó vì xếp khoảng thứ 18, 19, 20. Tức là không có tác động đến thị trường huy động. Thống đốc chỉ chỉ đạo việc không được huy động lãi suất vượt trần đối với nhóm NH G14.
“Sau khi có Thông tư 02, các phương tiện thông tin đại chúng công bố có một số NH chi lãi suất vượt trần, hình thức xử phạt là cách chức 2-3 năm đối với giám đốc chi nhánh. Bị cáo nghĩ với một NH nhỏ như OceanBank sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách của NHNN. Chỉ thị của thống đốc là một giải pháp bắt buộc để chống lạm phát nhưng đi ngược lại các tuyên bố Việt Nam là nền kinh tế thị trường vì đó là một chỉ thị phi thị trường” - Thắm khai.
“Mong HĐXX xem xét cho bị cáo và các nhân viên của bị cáo, trong bối cảnh đó, nếu các bị cáo không làm thì OceanBank sẽ bị đổ bể. Bởi có thời điểm bị cáo đã ra chỉ thị OceanBank không được chi vượt lãi suất nữa nhưng sau đó OceanBank gần như tê liệt, chỉ có người rút tiền, không có ai gửi tiền cả” - Thắm nói.
. Số tiền hơn 1.500 tỉ có phải thiệt hại không?
+ Đó không phải là thiệt hại. Bị cáo là cổ động lớn của OceanBank, không có lý do gì bị cáo lại làm việc gây thiệt hại cho NH của mình.