Nghi án oan ma túy ở Bình Dương

Ông Nguyễn Chí Dũng (50 tuổi, ngụ phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) đang gửi đơn kêu oan đến Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao về vụ án ma túy mà ông bị tạm giam hai năm bảy tháng 20 ngày.

Quá nhiều bất thường

Theo hồ sơ buộc tội, chiều 27-7-2013, Công an phường Bình Hòa nhận được tin báo tại ki-ốt vợ chồng ông Dũng thuê bán rau có dấu hiệu tàng trữ ma túy và tổ chức lực lượng khám xét. Công an phường phát hiện trong viên gạch thông gió vách tường nhà tắm ki-ốt có một bịch nylon gói kín, trong đựng 35 đoạn ống hút nhựa hàn kín chứa chất màu trắng (có sự chứng kiến của một hàng xóm của ông Dũng).

Theo kết quả giám định, 35 đoạn ống nhựa chứa heroin với trọng lượng 0,1956 g. Ông Dũng không thừa nhận heroin là của mình nhưng Công an thị xã Thuận An xác định ông đã nhiều lần bán ma túy cho Nguyễn Như Anh Nguyện, Lê Mạnh Hùng (cùng quê Nghệ An), Bùi Văn Chí (quê Nam Định) tại ki-ốt ông ở. Vì vậy, công an khởi tố, bắt tạm giam ông về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, VKS thị xã ra cáo trạng truy tố ông về tội này.

Ông Dũng liên tục kêu oan rằng bản tự khai nhận tội tại CQĐT không phải do ông ký. Ông không hề quen biết Nguyện, Hùng, Chí (ba người này không xuất hiện tại các phiên xử mà chỉ có lời khai trong hồ sơ - NV). Hai lần TAND thị xã Thuận An phạt tù ông Dũng thì hai lần TAND tỉnh Bình Dương hủy án vì chứng cứ buộc tội có rất nhiều bất thường: Các biên bản quả tang không phù hợp thực tế. Lời khai của hàng xóm ông Dũng về địa điểm phát hiện heroin có mâu thuẫn nhưng CQĐT không xác minh. Ba nhân chứng Nguyện, Hùng, Chí khai mua ma túy của ông Dũng thì không có thật theo xác minh của các địa phương mà CQĐT ghi là quê quán của họ. Trong giai đoạn điều tra, CQĐT còn tiến hành ngược, tức là cho ông Dũng và nhân chứng Chí đối chất rồi mới cho hai người... nhận dạng.

Tại phiên xử phúc thẩm lần hai hồi tháng 8-2016, đại diện VKS tỉnh đã đề nghị TAND tỉnh Bình Dương hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì quá trình điều tra có nhiều vi phạm tố tụng, chưa đủ chứng cứ chứng minh ông Dũng phạm tội. Tòa phúc thẩm đồng tình, nhận định công an phường còn khám xét mà không có lệnh khám, không lập biên bản niêm phong tang vật. Các lời khai của nhân chứng có quá nhiều mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm vẫn chưa làm rõ...

Ông Dũng, người đang gửi đơn kêu oan. Ảnh: V.HỘI

Dấu hiệu oan rất rõ!

Về vụ án này, luật sư (LS) Trương Xuân Tám (ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn LS Việt Nam) nhận xét việc hai lần tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm là rất cần thiết bởi chứng cứ kết tội không rõ, có quá nhiều mâu thuẫn trong khi bị cáo luôn kêu oan. Ngoài ra, vụ án còn nhiều điểm bất thường ngay từ đầu như khám xét không có lệnh, không lập biên bản niêm phong vật chứng, các nhân chứng có dấu hiệu không có thật… “Tôi cho rằng vụ án này thể hiện dấu hiệu oan rõ, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xử lý công bằng, công tâm đối với ông Dũng” - LS Tám khẳng định.

LS Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn LS TP.HCM) đặt câu hỏi: “Vì sao một người bán rau lại liên tục kêu oan khi bị khép tội ma túy, nhất là sau khi đã được trả tự do?” (tòa sơ thẩm lần hai phạt ông Dũng hai năm bảy tháng 20 ngày tù, đúng bằng thời gian tạm giam nên tuyên trả tự do cho ông tại phiên xử - NV). Theo LS Nhàn, ngay ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu, ông Dũng đã kêu oan rằng bản tự khai nhận tội không phải do ông ký, ông cũng không hề quen biết ba người mà CQĐT xác định mua ma túy của ông. Chi tiết phiếu xác minh của các địa phương cũng đều chung một nội dung là không tồn tại ba người này. Điều này đủ nói lên sự bất thường, không đáng tin cậy của chứng cứ buộc tội ông Dũng.

Theo LS Trần Công Ly Tao (Đoàn LS TP.HCM), việc sau phiên xử phúc thẩm lần đầu, CQĐT đổi tội danh từ mua bán sang tàng trữ trái phép chất ma túy với ông Dũng đã thể hiện sự thiếu chuẩn xác trong quá trình điều tra ban đầu. Sau khi tòa phúc thẩm lần hai hủy án thì rõ ràng càng khó để chứng minh tội phạm vì có nhiều sai sót không thể khắc phục, bổ sung được.

“Một nguyên tắc của tố tụng hình sự là không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội thì phải xác định nghi can vô tội. Tôi hy vọng rằng các cơ quan tố tụng sẽ hành xử đúng pháp luật và dám thừa nhận trách nhiệm” - LS Ly Tao nói.

“Khổ cỡ nào tôi cũng kêu oan”!

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Dũng cho biết sau cuộc lục soát của công an phường ngày đó, số tiền 161 triệu đồng vợ chồng ông cất giữ trong ki-ốt “không cánh mà bay”. Hơn hai năm ông bị tạm giam, vợ ông vừa một mình bươn chải nuôi ba con nhỏ ăn học vừa đi kêu oan cho chồng. Trong thời gian chờ điều tra lại, ông xin làm bảo vệ cho một công ty gần nhà trọ, vợ bán trái cây dạo để kiếm sống qua ngày.

“Khổ cỡ nào tôi cũng đi kêu oan vì tôi hề không dính dáng gì đến ma túy” - ông Dũng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm