Bà Văng Thị Hoài Linh là chủ sử dụng một mảnh đất tại huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 29-4-2014, bà Linh lập hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho bà Nguyễn Thị Trinh được quyền thay mặt và nhân danh mình làm thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất, được quyền quản lý, sử dụng, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp, thế chấp bảo lãnh cho bên thứ ba, chuyển nhượng, bán hoặc tặng cho quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất này.
Mỗi tòa một ý
Ngoài ra, bà Trinh còn có quyền ký hợp đồng thanh lý hủy bỏ hợp đồng cho thuê, cho mượn, thế chấp, thế chấp bảo lãnh cho bên thứ ba, chuyển nhượng, bán hoặc tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên.
Sau đó, bà Trinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho ông L. Nhưng do hai bên mua bán phát sinh mâu thuẫn nên bà Trinh làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Long Điền để tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông L.
Sau thụ lý vụ án, TAND huyện Long Điền cho rằng bà Trinh chỉ là người đại diện theo ủy quyền của bà Linh nên không có quyền khởi kiện. Tháng 3-2017, tòa đã căn cứ theo Điều 186 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Bà Trinh kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định đình chỉ.
Tháng 8-2017, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp nhận kháng cáo của bà Trinh tuyên hủy quyết định đình chỉ, chuyển hồ sơ về cho TAND huyện Long Điền tiếp tục giải quyết vụ án.
TAND tỉnh cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Vì theo nội dung hợp đồng ủy quyền thì bà Linh đã ủy quyền cho bà Trinh thực hiện đối với quyền sử dụng thửa đất này, trong đó có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực tế bà Trinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho ông L. thì bà Trinh có quyền khởi kiện liên quan hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này.
Có ủy quyền thì mới được kiện
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn LS TP.HCM, Điều 134 BLDS 2015 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Về phạm vi đại diện, Điều 141 BLDS 2015 quy định người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
Theo hợp đồng ủy quyền, bà Linh chỉ ủy quyền cho bà Trinh thực hiện các quyền của chủ sở hữu tài sản chủ yếu mua bán, tặng cho, cho thuê tài sản... Nội dung ủy quyền này không có quyền khởi kiện hoặc tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa án. Tòa án cấp phúc thẩm không thể tự suy luận là có ủy quyền chuyển nhượng thì khi xảy ra tranh chấp được quyền khởi kiện, như vậy là quá phạm vi ủy quyền của đương sự. Việc tòa hủy quyết định đình chỉ vụ án là sai về pháp luật tố tụng và cả luật nội dung.
Đồng tình, LS Chu Văn Hưng, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng bà Trinh không có quyền khởi kiện vì khi có tranh chấp là đã nằm ngoài nội dung ủy quyền. Các đương sự trong vụ án nên khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm để tòa án cấp trên xem xét lại quyết định của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Ủy quyền cho người đại diện thực hiện các quyền của chủ tài sản không có nghĩa là người được ủy quyền có đầy đủ quyền của chủ tài sản, cụ thể là quyền khởi kiện. Theo khoản 3 Điều 140 BLDS 2015, việc đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp như theo thỏa thuận, công việc ủy quyền đã hoàn thành, người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền, người đại diện chết…” - LS Hưng phân tích thêm.
Còn LS Đặng Trường Thanh, Đoàn LS TP.HCM, thì cho rằng pháp luật đảm bảo nguyên tắc áp dụng thống nhất về đường lối xét xử. Khi đã xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau cũng như việc áp dụng pháp luật khác nhau thì TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tranh cãi, cũng như tránh việc phải hủy án, kéo dài thời gian tố tụng và thiệt hại cho đương sự.
Ai khởi kiện thì người đó ký tên hoặc điểm chỉ Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp tháng 12-2016, ông Trịnh Hoài Phương (đang sống ở Canada) làm giấy ủy quyền cho ông Trịnh Phương Điền (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) được quyền khiếu kiện đòi tám sào đất ruộng. Giấy ủy quyền này được chứng nhận tại Canada trước khi gửi về Việt Nam. Căn cứ giấy ủy quyền này, sau khi khiếu kiện không xong, ông Điền đã ký đơn khởi kiện đòi đất gửi TAND TP Nha Trang và được tòa này thụ lý. Các chuyên gia pháp luật cho rằng việc tòa thụ lý vụ kiện là sai vì về quy định, TAND Tối cao chỉ có hướng dẫn về thủ tục tố tụng chỉ cho phép cá nhân được ủy quyền tham gia tố tụng, chứ không quy định người được ủy quyền được ký đơn kiện thay người khởi kiện. Mặt khác, Điều 189 BLTTDS 2015 quy định: Người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện. Trong quy định về mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 01 ngày 13-1-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng không cho phép người được ủy quyền ký đơn khởi kiện. Vì thế ông Phương muốn khởi kiện thì đích thân ông phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn kiện. Đáng ra tòa án phải đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện với lý do người khởi kiện là ông Điền không có quyền khởi kiện. |