Ngày 1-1-2016, ông Tạ Hoàng Giang (lúc đó là giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Du lịch Đà Lạt, viết tắt là DalatTSC) ký hợp đồng số 01 cho Công ty TNHH Du lịch Nguyễn Phát (Công ty Nguyễn Phát) thuê hơn 887 m2 mặt bằng tại thương xá La tulipe TP Đà Lạt, Lâm Đồng, thời hạn đến 31-8-2038. Một tuần sau phía DalatTSC có biên bản bàn giao mặt bằng cho Công ty Nguyễn Phát.
Chưa thành lập đã ký hợp đồng
Sau đó tập thể DalatTSC phát hiện việc ông Giang ký hợp đồng số 01 là chưa đúng vì ba lý do. Thứ nhất, hợp đồng ký ngày 1-1 nhưng đến ngày 8-1-2016 Công ty Nguyễn Phát mới được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Phần mã số doanh nghiệp và tài khoản ngân hàng của Công ty Nguyễn Phát trong hợp đồng bỏ trống, bản chính biên bản bàn giao mặt bằng mà DalatTSC đang lưu giữ cũng chỉ có chữ ký của giám đốc, không đóng dấu.
Thứ hai, lúc ký ông Tạ Hoàng Giang là giám đốc nhưng không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty mà là ông Nguyễn Thanh Tâm (Chủ tịch HĐQT). Thứ ba, thời điểm ký với Công ty Nguyễn Phát, DalatTSC chưa thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng trên với một cá nhân khác tên Hùng. Trước đó, ông Hùng cho người khác thuê lại và người này đang kinh doanh nên đối tượng của hợp đồng số 01 không thể thực hiện được.
Ngoài ra, việc ký hợp đồng này phía DalatTSC không biết mà là việc giữa cá nhân ông Giang và phía Công ty Nguyễn Phát. Thực tế tiền thỏa thuận thuê hơn 8 tỉ đồng cũng được chuyển qua một cá nhân là trung gian chứ không có chứng từ nào thể hiện tiền này chuyển vào tài khoản của DalatTSC.
Từ đó DalatTSC đã có văn bản và gặp gỡ để đề nghị Công ty Nguyễn Phát ký lại hợp đồng số 01 cho đúng pháp luật. Ngày 5-4-2016, DalatTSC có văn bản gửi Công ty Nguyễn Phát về việc hủy hợp đồng số 01, đề nghị hai bên ký lại hợp đồng mới nếu có nhu cầu tiếp tục thuê mặt bằng. Văn bản này cũng nói rõ theo điều lệ của DalatTSC thì hợp đồng cho thuê tài sản dài hạn chỉ có hiệu lực khi được HĐQT thông qua.
Tuy nhiên, sáu ngày sau Công ty Nguyễn Phát có đơn khởi kiện vì cho rằng DalatTSC đơn phương chấm dứt hợp đồng, gây thiệt hại khi công ty này đã cho một số người khác thuê lại mặt bằng. Nguyên đơn yêu cầu DalatTSC phải bồi thường cho mình hơn 53,5 tỉ đồng gồm 15 khoản, trong đó có khoản thu mà Nguyễn Phát sẽ được hưởng nếu không bị hủy hợp đồng là gần 32 tỉ đồng...
Thương xá La tulipe TP Đà Lạt nơi xảy ra vụ tranh chấp. Ảnh: T.TÙNG
Tính cả lợi nhuận sẽ được hưởng
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP Đà Lạt ngày 12-1-2017, phía Công ty Nguyễn Phát cho rằng hợp đồng số 01 được ký ngày 8-1-2016 nhưng ghi lùi ngày 1-1 là theo đề nghị của DalatTSC để dễ tính tiền thuê. Trong khi DalatTSC cho rằng hợp đồng trên vô hiệu vì chủ thể ký không có quyền, đối tượng không thực hiện được và thời điểm ký thì Công ty Nguyễn Phát chưa tồn tại. Ngay tại tòa, phía DalatTSC có thiện chí đề nghị ký lại hợp đồng nhưng nguyên đơn không chịu.
Đại diện VKSND TP Đà Lạt tại tòa đề nghị tòa bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Nguyễn Phát, tuyên hợp đồng số 01 vô hiệu và hủy hợp đồng. Viện cũng đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về các khoản đòi bồi thường, trong đó có các khoản lợi nhuận nguyên đơn sẽ được hưởng hơn 32 tỉ đồng.
Cuối cùng, TAND TP Đà Lạt chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc DalatTSC có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn hơn 37,6 tỉ đồng.
Tòa nhận định hợp đồng số 01 có hiệu lực thi hành vì theo tài liệu ông Giang có thẩm quyền ký và ông này chỉ thừa nhận có sai sót về ngày tháng chứ không nói ký ngày nào. Về yêu cầu bồi thường, HĐXX cho rằng nguyên đơn bị thiệt hại hơn 20 tỉ đồng với tám khoản khác nhau... Đặc biệt, với yêu cầu bồi thường các khoản mà nguyên đơn sẽ được hưởng nếu không bị hủy hợp đồng, HĐXX buộc DalatTSC phải bồi thường hơn 17 tỉ đồng. Đây là khoản mà đáng ra nguyên đơn sẽ được hưởng nếu cho thuê lại mặt bằng từ ngày ký đến ngày 31-8-2038 (272 tháng) sau khi trừ các chi phí.
Hiện DalatTSC đã kháng cáo toàn bộ bản án. Phía Nguyễn Phát cũng kháng cáo đòi được bồi thường 53,5 tỉ đồng như yêu cầu ban đầu.
VKS Đà Lạt kiến nghị, viện tỉnh không kháng nghị
Ngày 28-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Lâm, Viện trưởng VKSND TP Đà Lạt, cho biết vụ này quá trình kiểm sát, viện đều có ý kiến rõ và làm hết trách nhiệm của mình. Cụ thể, khi tham gia xét xử tại tòa, kiểm sát viên đã thể hiện rõ quan điểm là đề nghị tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì nhiều lý do. Việc tòa quyết định thế nào là quyền của tòa, còn kiểm sát viên đã đưa ra các lý do để bảo vệ ý kiến của mình.
Theo ông Lâm, khi VKS nhận được bản án sơ thẩm của tòa thì thời hạn kháng nghị 15 ngày theo luật gần hết. Xác định đây là vụ án phức tạp nên VKS đã họp tập thể kiểm sát viên và lãnh đạo để quyết định xem có kháng nghị bản án hay không. “Xét thấy trong cuộc họp có nhiều ý kiến khác nhau mà thời hạn cận kề nên chúng tôi không quyết được mà quyết định làm công văn báo cáo gửi VKSND tỉnh theo hướng đề nghị kháng nghị bản án. Báo cáo này nói rõ những vấn đề còn mắc mứu về nội dung vụ án và quan điểm của VKSND TP Đà Lạt. Sau đó, chúng tôi đã nhận được văn bản phản hồi của VKSND tỉnh là không kháng nghị….” - ông Lâm nói.
PV đã liên hệ với VKSND tỉnh Lâm Đồng và gặp người được ủy quyền phát ngôn là bà Nguyễn Thị Thanh An, Phó Chánh Văn phòng viện này. Bà An cho biết bà không thể cung cấp thông tin vì đây là vấn đề trao đổi nghiệp vụ, mang tính nội bộ. Bà An chỉ nói ngắn gọn: “Quan điểm của VKSND tỉnh là không kháng nghị bản án, còn VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị hay không thì không rõ vì vẫn còn đang trong thời hạn xem xét…”.
Trao đổi với PV, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Nguyễn Duy Hoài cho biết ông không có ý kiến gì về bản án, vì hiện nay tòa phúc thẩm đang thụ lý giải quyết do có kháng cáo của các đương sự. Theo ông Hoài, ông bảo vệ quan điểm của mình đã thể hiện trong bản án sơ thẩm... PV liên hệ với TAND tỉnh, thẩm phán được phân công xử phúc thẩm cũng từ chối cho ý kiến với lý do vụ án đang trong quá trình tố tụng.
Tòa không tuyên về hiệu lực của hợp đồng Trong đơn kháng cáo, DalatTSC dẫn ra hàng loạt điểm để cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng. Đặc biệt có hai nội dung đáng chú ý là phần quyết định của bản án HĐXX chỉ tuyên một vấn đề là buộc bị đơn bồi thường mà không tuyên bố hợp đồng có hiệu lực hay không. Trong khi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn gồm hai ý rõ ràng là tranh chấp hợp đồng và yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, sau khi tuyên bị đơn phải bồi thường, tòa bỏ lửng, không quyết cho bên nào quyền quản lý, sử dụng diện tích mặt bằng - là đối tượng của hợp đồng… |