Phải đền tiền vì đẩy người ngã xuống đống đá

Mới đây, TAND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm giữa bà NTL và ông VDS. Theo đó HĐXX đã tuyên buộc ông S. phải bồi thường cho bà L. hơn 15 triệu đồng.

Xô xát, đẩy người ngã

Theo đơn khởi kiện, bà L. trình bày: Vào ngày 11-6-2015, giữa bà và ông S. có xảy ra tranh chấp về việc ông S. cho xe múc đất của nhà bà. Bà có can ngăn, khi hai bên to tiếng chửi bới ngày càng căng thẳng thì ông S. cầm đá đập bà. Lúc bà bị ngã xuống, ông S. sẵn hòn đá trên tay ném xuống người bà.

Sau đó, bà L. báo công an xã giải quyết, lập biên bản vụ việc. Bà đã phải đi điều trị tại trạm y tế xã và được chẩn đoán bị gãy xương sườn nên chuyển đến Bệnh viện II Lâm Đồng để điều trị.

Xuất viện, bà L. làm đơn tố cáo gửi đến Công an huyện Bảo Lâm. Công an huyện cho bà đi giám định thì tỉ lệ thương tật là 9%. Công an huyện không khởi tố vụ án vì xác định ông S. chỉ dùng tay xô bà L. ngã xuống đống đá, đồng thời tỉ lệ thương tật của bà L. chỉ là 9% nên chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bà L. làm đơn khởi kiện yêu cầu ông S. phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, tổng cộng là gần 39 triệu đồng.

Được tòa triệu tập lấy lời khai, ông S. trình bày: Hôm đó, đường quốc lộ 55 có nhiều chỗ bị lầy lội, xe và phương tiện giao thông không lưu thông được. Ban ngành xã có vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp mua đá lấp lại, trong đó có ông S. Ông S. xin đất người dân ven đường rồi dùng máy múc lấp lại ổ gà thì xe bị bể vỏ nên phải chạy xe đi vá. Quay lại, ông đang xúc đất thì bị bà L. tới chửi bới. Ông có phân bua nhưng bà L. vẫn tiếp tục chửi. Khi ông trên xe bước xuống, bà L. cầm đá ném vào mặt nhưng ông tránh được, chỉ bị đá văng vào đầu gối. Ông chỉ dùng tay xô bà L. ngã vào bãi cỏ. Sau đó, sợ bà L. ném đá bể kính xe nên ông chạy xe về nhà.

Ông S. cho rằng mình không đánh bà L. nên không đồng ý bồi thường bất kỳ khoản tiền nào.

Có lỗi thì phải bồi thường

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định: Quá trình làm việc tại tòa án, ông S. nói ông không phải là người gây thương tích cho bà L. Tuy nhiên, khi làm việc tại Công an huyện Bảo Lâm trước đó, chính ông S. thừa nhận lúc hai bên xô xát, ông có dùng tay đẩy bà L. ngã xuống đống đá gây thương tích cho bà L. Hành vi của ông S. chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nên công an huyện không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Khi làm việc tại công an huyện, ông S. cũng đã nhận sai và cam kết sẽ bồi thường thỏa đáng cho bà L. nhưng sau đó hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường. Như vậy, theo HĐXX, có thể khẳng định việc gây ra thương tích cho bà L. là hoàn toàn do lỗi của ông S.

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, bà L. yêu cầu ông S. bồi thường các khoản tiền thuốc men, chi phí chữa trị, tiền bồi dưỡng, tiền công không lao động được, tiền công chăm sóc và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần với tổng số tiền gần 39 triệu đồng. HĐXX đã không chấp nhận phần chi phí điều trị không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ ghi trong giấy ra viện. Từ đó HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L. và tuyên buộc ông S. bồi thường như đã nói.

Luật quy định bồi thường sao?

Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Theo khoản 1 Điều 590 BLDS 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo khoản 2 Điều 590, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm