Ngày 15-4, hai giám đốc bị bắt oan là anh Phan Thanh Trà (46 tuổi) và anh Nguyễn Tấn Bình (41 tuổi, cùng ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã đi gặp các luật sư của mình để bổ sung một số giấy tờ liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Anh Bình bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng bắt tạm giam vào ngày 9-5-2017 để buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 31-10-2017, anh Bình được tại ngoại. Anh Trà bị bắt ngày 24-3-2017 cũng cùng tội danh và được tại ngoại ngày 19-10-2017. Cả hai mang thân phận bị can đến ngày 13-4-2018 mới nhận được quyết định đình chỉ vụ án.
Theo luật sư Phạm Chiến, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, ông đang gấp rút hoàn tất và phân tích hồ sơ giúp anh Trà làm thủ tục để đề nghị các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Anh Trà cũng là nhân viên ở công ty cũ của luật sư Chiến. Khi anh Trà bị bắt, ông đã hợp tác với nhiều người để kêu oan.
Luật sư Chiến cho rằng Cơ quan An ninh điều tra đã làm sai chức năng. Ảnh: HẢI HIẾU
Luật sư Chiến cho rằng việc Cơ quan An ninh điều tra thụ lý vụ án của anh Trà cũng là sai chức năng. Cơ quan thụ lý vụ án này phải là cảnh sát. Cùng với đó, Cơ quan An ninh điều tra đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế.
Viện dẫn thông tư quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân thì Cơ quan An ninh điều tra không phải là đơn vị thụ lý những án trong Điều 139 Bộ luật Hình sự.
“Do anh Trà là chủ một công ty, việc chứng minh thiệt hại về tài sản trong quá trình bị bắt oan cần rất nhiều văn bản. Ngoài ra, những thiệt hại vật chất như mất mối làm ăn, không thành lập lại công ty trong thời gian thay đổi biện pháp ngăn chặn không thể chứng minh bằng văn bản được” - ông Chiến nói.
Ngoài ra, luật sư Chiến sẽ yêu cầu cơ quan chức năng phải xin lỗi công khai những nạn nhân bị bắt oan.
Anh Trà cho rằng mình bị thiệt hại quá nhiều kể từ khi bị bắt oan. Ảnh: HẢI HIẾU
Trong quá trình xây dựng Nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt do ông Bình làm giám đốc nhận thầu thi công hệ thống cơ điện. Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà, Giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê, ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình.
Do gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc có đảm bảo để hệ thống hoạt động ở nhiệt đô -250 độ C. Lúc này, ông Trà đã thay đổi máy nén nhập khẩu từ Trung Quốc như trong hợp đồng (mới 100%) sang máy nén đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất.
Về việc này, ông Trà đã chủ động làm việc với Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục bồi thường. Mặt khác, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn bốn năm tất cả máy móc, thiết bị mà ông Trà lắp đặt được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường.
Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 14 Luật Đầu tư, tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án.
Theo hai nạn nhân bị oan, trong quá trình bị tạm giam, ông nhận thấy các điều tra viên đã mớm cung, ép cung, dọa, thậm chí là bắt ghi giấy thông cung ra bên ngoài. Cơ quan An ninh điều tra đã hình sự hóa hợp đồng kinh tế dân sự.
Hiện tại công ty của hai giám đốc này đã phá sản. Họ phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.