Phán quyết trọng tài: Hàng trăm quốc gia công nhận

Hiện nay chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định, bản án của tòa án nhưng với trọng tài thương mại (TTTM) thì đã có Công ước New York năm 1958. Đến nay đã có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên (Việt Nam cũng là thành viên của công ước này).

“Khi tham gia công ước này, phán quyết của TTTM ở các nước thành viên có thể được công nhận tại nước khác. Vì thế, phán quyết của TTTM có hiệu lực rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án” - luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Hội TTTM TP.HCM) thông tin cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại hội thảo về môi trường pháp lý cho DNVVN và phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM mới đây.

Tranh chấp nào mà TTTM giải quyết?

Tại hội thảo, đại diện Công ty C. kể công ty ông có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ là bột ngũ cốc uống liền. Hai năm sau, một công ty khác lấy nhãn hiệu logo giống công ty ông quảng cáo bán cho mặt hàng cà phê của họ. Hai bên có làm việc nhưng không có tiếng nói chung nên ông khiếu nại ra Cục Sở hữu trí tuệ nhưng không được giải quyết. Ông kiện ra tòa thì tòa hướng dẫn làm đơn khiếu nại nơi cấp giấy chứng nhận là Cục Sở hữu trí tuệ... “Lòng vòng mấy năm không có kết quả, mất thời gian nên tôi bỏ cuộc. Trường hợp của tôi, có nhờ TTTM giải quyết được không?” - đại diện Công ty C. thắc mắc.

Ông Trần Giang Khuê (Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM) giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hội thảo. Ảnh: KP

Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM Trần Giang Khuê trả lời do không có hồ sơ cụ thể nên không thể xem xét được logo của Công ty C. và công ty kia có giống hay tương tự nhau, có việc gây nhầm lẫn hay không. “Trường hợp này, ông có thể yêu cầu TTTM phán quyết việc tranh chấp logo nhãn hiệu hàng hóa giữa công ty ông với công ty kia” - ông Khuê hướng dẫn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết tranh chấp về logo, nhãn hiệu hàng hóa nói trên sẽ được TTTM xem xét, giải quyết. Theo ông Hậu, Điều 2 Luật TTTM 2010 và Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định TTTM có quyền giải quyết các tranh chấp sau: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng TTTM. Tuy nhiên, các tranh chấp trên chỉ được giải quyết bởi TTTM nếu các bên có thỏa thuận bằng văn bản dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc có thỏa thuận riêng hoặc dưới các hình thức khác như telegram, fax, telex, thư điện tử...

Cả tòa và TTTM đều nhận được đơn kiện, tính sao?

Đại diện Công ty BM hỏi: “Nếu tôi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp mà bên kia lại kiện ra TTTM thì tính sao? Tòa án hay TTTM có quyền giải quyết trường hợp này khi theo hợp đồng ký kết thì các bên được quyền chọn một trong hai nơi này giải quyết tranh chấp?”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nếu hợp đồng có điều khoản trên mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp tòa có thẩm quyền giải quyết khi có thỏa thuận trọng tài thì chia làm hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, người khởi kiện yêu cầu TTTM giải quyết trước khi yêu cầu tòa giải quyết hoặc trước khi tòa thụ lý thì tòa phải từ chối thụ lý. Khi nhận được đơn khởi kiện, tòa phải trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp đã thụ lý, tòa phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của tòa, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Trường hợp thứ hai, khi người khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết, tòa phải xác định một trong các bên đương sự đã yêu cầu TTTM giải quyết hay chưa. Nếu tòa xác định một trong các bên đã yêu cầu TTTM giải quyết thì trả lại đơn cho người khởi kiện. Nếu họ chưa yêu cầu TTTM giải quyết thì tòa xem xét, thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. Nếu tòa đã thụ lý mà phát hiện đã có yêu cầu TTTM giải quyết trước thời điểm tòa thụ lý thì tòa ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của tòa, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Bảy hỗ trợ cụ thể dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Luật Hỗ trợ DNVVN 2017 (có hiệu lực ngày 1-1-2018) quy định bảy hỗ trợ cụ thể dành cho DN:

Thứ nhất, DN được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị… để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN.

Thứ hai, DN được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN; được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.

Thứ ba, DN được bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; được hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn với thời gian hỗ trợ tối đa là năm năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Thứ tư, DN được hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ…

Thứ năm, DN tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% số DN tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được hưởng các hỗ trợ sau: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn.

Thứ sáu, DN được hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý: Được cung cấp dịch vụ tư vấn, được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên; được hỗ trợ pháp lý xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật…

Thứ bảy, DN được hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN, đào tạo nghề cho lao động làm việc tại DN.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm