Bi kịch hàng xóm

Bi kịch hàng xóm ảnh 1

Bị cáo Tăng Lâm Dũng - Ảnh: Nguyễn Đính

Những ngày cuối tháng 4 trời Sài Gòn nắng như đổ lửa. Gần 10 giờ sáng, phiên tòa lưu động của Tòa án nhân dân TP.HCM đã diễn ra khá lâu nhưng nhiều người vẫn lũ lượt kéo đến chung cư phường 19, quận Bình Thạnh để dự phiên xử vụ án Tăng Lâm Dũng về tội “giết người”.

Suốt ba giờ ngồi trong chiếc xe bít bùng nóng như rang người để chờ đến phiên mình đứng trước vành móng ngựa, Tăng Lâm Dũng cứ khắc khoải nhìn cảnh vật khu dân cư đông đúc xung quanh qua khung cửa nhỏ xíu. Đã từ lâu người đàn ông này mới thấy lại những hình ảnh đời thường như thế kể từ ngày đến cơ quan công an đầu thú về hành vi phạm tội của mình.

Nhễ nhại mồ hôi khi được dẫn ra xét xử, một thoáng bối rối trong mắt khi bị cáo nhìn thấy những vết sẹo to tướng, sần sùi trên thân thể đứa bé trai con nhà hàng xóm đang vô tư nô đùa trong vòng tay mẹ và gia đình đứa bé nhìn mình đầy căm hận.

Tức nước...

Cáo trạng thể hiện Tăng Lâm Dũng và gia đình ông N.V.C. ở sát vách nhau trong hẻm đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. Trong sinh hoạt hằng ngày hai gia đình phát sinh nhiều mâu thuẫn. Ngày 11-2-2009, ông Dũng bị ông C. đánh gãy sống mũi mang thương tật 10% nên tức giận, nảy sinh ý định trả thù.

Chiều 13-4-2009, khi vợ con đã về quê, ông Dũng đi mua xăng về nhà cất giấu. Đến 4g45 sáng hôm sau, ông Dũng đổ hết can xăng vào nhà ông C., lấy dây điện buộc chặt hai khoen cửa nhà ông này rồi châm lửa đốt. Thấy ngọn lửa bốc cao, ông Dũng lấy xe máy chạy trốn.

Gia đình ông C. vội cùng nhau dập lửa trên người vợ ông và đứa cháu ngoại 3 tuổi rồi tìm đường thoát thân nhưng không sao mở được cửa. Nhận được tin báo, công an đến giải cứu và đưa người bị thương đi cấp cứu. Vợ ông C. bị bỏng, thương tật 10%, còn cháu bé 20%.

Ngay chiều hôm đó ông Tăng Lâm Dũng ra đầu thú.

Không gian chợt im phăng phắc dù đây là phiên tòa lưu động. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía bị cáo, chờ đợi từng câu biện minh của ông ta. Trình bày với tòa, Tăng Lâm Dũng nắm chặt hai tay vào ống quần:

- Ông C. đã ức hiếp, chửi bới, đánh đập mọi người trong gia đình tôi từ năm 2002 đến giờ. Bao nhiêu lần chúng tôi cầu cứu đến chính quyền nhưng ông ta vẫn không thay đổi, thậm chí càng ngày càng quá đáng. Mới đây, cả gia đình ông ấy đánh tôi đến gãy sống mũi. Sau đó còn nhiều lần tạt phân và nước tiểu vào nhà tôi nữa... Vì tức giận quá nên tôi mới làm thế.

- Dù ông C. có quá đáng nhưng những người khác trong gia đình ông ấy có tội tình gì, nhất là đứa bé kia. Trong khi chính quyền đang giải quyết thì bị cáo lại phóng hỏa đốt nhà, còn buộc chặt cửa quyết giết hết mọi người. Rồi còn số phận hàng xóm xung quanh sẽ ra sao nếu đám cháy lan sang? Hành vi của bị cáo thật quá dã man - vị chủ tọa gay gắt.

- Tôi bị dồn nén quá không biết làm sao khi mấy anh công an cũng nói “chịu không nổi thì dọn đi nơi khác mà sống” - bị cáo Dũng khổ sở nói.

Sau khi Tăng Lâm Dũng bị bắt tạm giam, Công an quận Bình Thạnh mới xử lý vụ hành hung mà ông Dũng là nạn nhân bằng cách ra quyết định không khởi tố vụ án. Ông C. chỉ bị xử phạt hành chính.

Được mời lên thẩm vấn, ông N.V.C. hùng hồn cho biết mâu thuẫn giữa ông và gia đình Tăng Lâm Dũng bắt đầu từ năm 2002. Do ông là người đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, việc ông chửi bới gia đình Tăng Lâm Dũng cũng nằm trong trách nhiệm đó bởi gia đình này mê tín dị đoan, mời thầy cúng về nhà, đốt vàng mã gây mất trật tự mà chính quyền lại không có ý kiến.

Khi được chủ tọa hỏi tại sao bản thân ông không chấp hành quyết định xử phạt hành chính của địa phương vì gây ra thương tích cho Tăng Lâm Dũng, ông C. nói: “Vì tôi bác ý kiến, biên bản đó. Xử không đúng thì tôi không chấp hành...”.

Tiếp đó, ông cứ nói nếu như chủ tọa không ngắt lời: “Hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ ông thường xuyên đánh đập vợ con của bị cáo, có rất nhiều người làm chứng. Chính cách sống không phải của ông đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho vợ và cháu mình. Chẳng lẽ đến bây giờ ông vẫn không nhận ra? Hôm qua, chính ông còn lên tận tòa hoạnh họe đủ điều, tuyên bố mình quen ông lớn này ông lớn kia nữa... Hành vi của ông là quá tệ, không thể chấp nhận”.

Trả giá

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Dũng đã bật khóc: “Chỉ tại ông ấy... Nhưng tôi sai quá rồi. Xin tòa cho tôi án nhẹ vì vợ và các con tôi đang bệnh hoạn”.

Giờ nghị án, đông đảo người dân không khỏi ái ngại, xót xa trước một phụ nữ gầy đét, đen đủi cứ ôm mặt khóc rưng rức. Bà là Trần Thị Mỹ Dung, vợ bị cáo. Được hỏi chuyện, bà nức nở: “Chúng tôi bị áp bức gần 10 năm rồi nhưng không biết kêu ai. Họ đã dồn chồng tôi đến bước đường cùng...”. Chỉ nói được đến đó người vợ lại khóc ngất.

Ngồi cạnh bên, bà Trần Lê Vân, sống gần nhà bà Dung, cho biết rất nhiều người ở khu vực đến tham dự phiên tòa này với mong muốn làm chứng cho sự khổ ải mà gia đình bà Dung đã gặp phải trong suốt thời gian qua. Vợ chồng bà Dung là người ăn ở hiền lành, thường lên chùa làm công quả nhưng ông C. cho là mê tín dị đoan.

Không chỉ đánh vợ chồng bà Dung, ông C.còn đánh cả hai đứa con của họ. Thấy chúng ở đâu ông ta nắm đầu, bợp tai ở đó.

“Công an nào mà xử tội chỉ vì cái bợp tai hả chị? Chính vì thế ông C. ngày càng quá đáng. Tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu đến các báo đài giùm họ nhưng cũng chẳng ăn thua” - bà Vân bức xúc nói.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 10-12 năm, nhưng tòa chỉ tuyên phạt Tăng Lâm Dũng 9 năm tù. Đồng thời tòa cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại quyết định không khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” mà ông C. đã gây ra cho bị cáo thương tật 10% và cần có biện pháp xử lý những hành vi sai trái của ông này.

Lời chủ tọa chưa dứt, hàng trăm người đã đồng loạt vỗ tay hoan hô.

Tra tay vào còng, bị cáo Dũng chết lặng nhìn hai con đang gào khóc gọi cha nơi góc phòng. Có lẽ đến lúc này người đàn ông mới thấm thía được cái giá phải trả về hành vi phản ứng sai trái của mình.

Theo Nguyễn Đính (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm