Ngày 13-11, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) đã đưa vụ án anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT ra xử sơ thẩm. Tòa kết luận hai bị cáo Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng - hai người trực tiếp đánh anh Hiền đến chết - phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Trong đó, Bằng bị phạt 12 năm tù, Tòng bốn năm tù.
Cái chết tức tưởi
Theo hồ sơ, khoảng 9 giờ tối 9-4-2013, anh Hiền nhậu xong. Lúc này, đối diện quán nhậu có một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ (trước bãi xe Thanh Bằng, 512 Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, do Bằng làm chủ). Khi anh rẽ trái qua bên kia đường thì bị CSGT chặn lại kiểm tra.
Sau khi đo nồng độ cồn, CSGT lập biên bản tạm giữ xe do trong hơi thở anh Hiền có nồng độ cồn vượt quá quy định. Anh Hiền đưa tiền xin “bỏ qua” nhưng bị từ chối. Anh Hiền đã cự cãi với tổ CSGT và dọa chụp ảnh CSGT bằng điện thoại dù điện thoại của anh Hiền là loại không có chức năng chụp ảnh.
Lát sau, khi đón xe ôm đi được 300 m để về nhà thì anh Hiền bị hai thanh niên lạ mặt (là Bằng và Tòng) đuổi theo. Rượt đuổi chừng 500 m, Bằng chặn đầu xe rồi đấm vào mặt anh Hiền một cái. Anh Hiền xuống xe bỏ chạy vào phía trong lề đường. Bằng đuổi theo, dùng tay đánh vào mặt anh Hiền hai cái. Anh Hiền xin tha nhưng Bằng vẫn dùng cùi chỏ đánh vào mặt làm anh ngã xuống đất, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm. Thấy vậy, anh xe ôm sợ quá nên bỏ chạy luôn. Thấy anh Hiền bất tỉnh, hai thanh niên lên xe bỏ đi. Anh Hiền được đưa đi cấp cứu và chết sau đó vài tiếng vì chấn thương sọ não.
Hai bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: HTD
Hà cớ gì “tức giùm” CSGT?
Quá trình xét hỏi tại tòa vẫn không làm rõ được mối quan hệ giữa các CSGT với Bằng và Tòng. Hai bị cáo khai không có mối quan hệ mật thiết nào với nhóm CSGT làm nhiệm vụ hôm đó. Bằng khai chỉ quen biết sơ sơ hai CSGT, còn Tòng chỉ biết một người, thậm chí không rõ tên gọi.
Nếu xa lạ như vậy thì hà cớ gì hai người này lại “tức giùm” cho CSGT đến mức đánh chết một người xa lạ khi họ không hiềm khích gì với mình?
Tại tòa, Bằng khai: “Vợ chồng thường mâu thuẫn do vợ làm ăn thua lỗ. Khoảng 9 giờ tối 9-4-2013, bị cáo đang nhậu thì nghe báo tin vợ bỏ đi nên về, thấy con khóc càng bực bội hơn. Ra vào nhà mấy lần vẫn thấy một người cứ quơ tay lớn tiếng với CSGT đang chốt trước bãi xe. Lấy xe đi tìm vợ, thấy Tòng ngồi gần tổ CSGT nên hỏi chuyện. Khi biết việc anh Hiền say rượu bị giữ xe, lập biên bản nhưng không chịu ký mà đưa tiền cho CSGT rồi cự cãi, la ó nên bị cáo thấy ức chế và rủ Tòng đi đánh”.
Tòa hỏi: “Có ai trong CSGT gọi điện thoại cho các bị cáo bảo đi đánh anh Hiền không?”. Bằng: “Không”. Tòa: “Bị cáo kinh doanh bãi xe thì thực tế phải quen biết CSGT. Bị cáo quen bao nhiêu CSGT?”. Bằng: “Ở đội chốt trước bãi xe của bị cáo thì bị cáo chỉ quen anh Hiếu và anh Công”.
Về phía Tòng, bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng cũng như lời khai của Bằng. Tòng nói mình có tham gia nhưng không hề đánh anh Hiền, chỉ đứng xem. Tòng khai: “Bị cáo với một cán bộ CSGT quận Tân Phú quen biết sơ sơ. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi có đến chốt chỗ anh này cùng tổ tuần tra làm nhiệm vụ xử lý xe vi phạm giao thông để nói chuyện và xem các CSGT làm việc. Chưa từng đi ăn uống hay đi chơi với nhau. Bị cáo không nhớ rõ tên”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - bảo vệ cho gia đình bị hại chất vấn bị cáo Lê Thanh Bằng. Ảnh: HTD
Những nghi vấn
Sau khi xét hỏi, đại diện VKS luận tội và đề nghị mức án đối với hai bị cáo. Viện đề nghị xử phạt Bằng từ 10 đến 12 năm tù vì có thêm tình tiết xúi giục người chưa thành niên phạm tội, Tòng 4-5 năm tù giam.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ hành vi giết người của các bị cáo và xác định có hay không việc bỏ lọt tội phạm. Luật sư cho rằng động cơ gây án của Bằng và Tòng như cáo trạng nhận định là hết sức khiên cưỡng. Cáo trạng nói do bức xúc khi nghe anh Hiền cự cãi với CSGT nên cả hai mới đuổi theo đánh, gây ra cái chết cho anh Hiền. Các tình tiết vụ án cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa động cơ, mục đích và hành vi phạm tội.
“Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Anh Hiền thì có cự cãi với CSGT nhưng CSGT lại phủ nhận chuyện này là rất kỳ lạ” - luật sư Hưng nói. Căn cứ trên những vết thương của nạn nhân, luật sư nêu nghi vấn có thêm đồng phạm, có hung khí hoặc anh Hiền bị Bằng nắm đầu đập vào cột điện tại hiện trường.
Theo luật sư, cơ quan CSĐT có triệu tập các CSGT lên lấy lời khai nhưng không xác định tư cách tham gia tố tụng của họ. Luật sư đề nghị đ?a?c?c?CSGT L? Ho?ng H?i, Tr?n Hi?u, Nguy?n Minh H?i, L? Cao Thanh Ho?ng, Nguy?n Th?nh C?ng v?o tham gia t? t?ng v?i t? c?ch?ng??i li?n quan nh?m l?m s?ng t? s? th?t c?a v? ?n.
ưa các CSGT Lê Hoàng Hải, Trần Hiếu, Nguyễn Minh Hải, Lê Cao Thanh Hoàng, Nguyễn Thành Công vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Tranh luận lại, VKS chỉ đồng ý một phần quan điểm của luật sư về mâu thuẫn giữa cách đánh và vết thương trên người nạn nhân. Song theo viện, cơ chế hình thành vết thương là do ngã, do đó việc nạn nhân bị hung thủ nắm vào dây nón bảo hiểm hay áo không phải yếu tố quyết định. Những vấn đề khác viện vẫn bảo lưu quan điểm truy tố.
Tòa: “CSGT không liên quan”
Sau khi nghị án, tòa đồng ý với quan điểm của VKS, rằng mối quan hệ giữa Bằng với CSGT chỉ là quan hệ giao tiếp thường ngày. Việc xác minh chủ thuê bao các số điện thoại liên lạc với Bằng trong khoảng thời gian gây án không được là do lỗi kỹ thuật. Cơ chế hình thành vết thương là do té. Không có cơ sở đưa các CSGT tối hôm xử phạt anh Hiền vào tham gia tố tụng vì quá trình điều tra không chứng minh được những CSGT này có liên quan… Từ đó tòa tuyên phạt các bị cáo mức án như đã nói.
Về yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, tòa xét thấy đã hai lần trả nên đề nghị của luật sư là không có cơ sở. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Bằng bồi thường cho gia đình anh Hiền hơn 283 triệu đồng. Do khi còn sống anh Hiền có góp tiền nuôi mẹ nên tòa buộc Bằng bồi thường 20 triệu đồng tổn thất tinh thần cho mẹ anh Hiền, cấp dưỡng cho bà 1 triệu đồng/tháng từ tháng 4-2013 đến khi bà qua đời.
Khoảng trống điều tra Vụ án này TAND quận Tân Phú từng đưa ra xét xử vào tháng 12-2013 nhưng tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết. Đó là cơ quan điều tra (CQĐT) đã không thu giữ chiếc điện thoại của Bằng và Tòng sử dụng vào buổi tối gây án để trích xuất nhật ký làm rõ những ai đã gọi cho Bằng và Tòng; mối quan hệ giữa hai bị cáo và CSGT Công an quận Tân Phú; liệu có ai gọi điện thoại “chỉ đạo” Bằng và Tòng đi đánh anh Hiền hay không… Kết quả điều tra bổ sung kết luận: Tại thời điểm xảy ra sự việc có dày đặc các cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại của hai bị cáo nhưng không xác định danh tính các chủ thuê bao. Đồng thời, nội dung tin nhắn và hội thoại vào điện thoại hai bị cáo nhà mạng đã không còn lưu trữ. Dư luận đặt câu hỏi tại sao ngay từ đầu CQĐT đã không trích xuất nội dung tin nhắn và cuộc gọi đến và đi từ điện thoại của hai bị cáo? Bởi về mặt kỹ thuật, điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của CQĐT và nhà mạng. Đến khi cần trích xuất thì mọi chuyện đã quá muộn, nhà mạng đã không còn lưu trữ… ______________________________________ Sắp có kết luận điều tra một vụ tương tự Ngày 13-11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đang hoàn tất kết luận điều tra liên quan đến việc nạn nhân Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị đánh chết sau khi cự cãi với tổ CSGT Tân Bình. Trước đó, CSĐT đã khởi tố bốn bị can gồm Nguyễn Minh Chung (23 tuổi), Phạm Thanh Kim Hạnh (17 tuổi), Ngô Thành Vương (18 tuổi) và Trần Đức Vững về tội cố ý gây thương tích. Liên quan đến vụ việc, Công an TP.HCM đã tước danh hiệu công an nhân dân đối với Phạm Sỹ Hoài Như (cấp bậc thượng úy, công tác tại Đội CSGT Công an quận Tân Bình). Lý do: Người này vi phạm nghiêm trọng quy trình công tác; không trung thực trong báo cáo, không thành khẩn nhận khuyết điểm và có mối quan hệ với đối tượng có tiền án, tiền sự. Ông Như đã sử dụng mối quan hệ này để huy động các đối tượng xấu khác trong khi thi hành công vụ, dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Văn Chín. Như đã đưa tin, khuya 25-6, tổ công tác thuộc Đội CSGT quận Tân Bình do Như làm tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh (quận Tân Bình). Thấy ông Chín chạy xe máy có dấu hiệu say xỉn, tổ công tác đã chặn lại đo nồng độ cồn. Kết quả xác định nồng độ cồn trong hơi thở ông Chín vượt mức cho phép nên CSGT tiến hành lập biên bản thì ông Chín cự cãi. Ngay sau đó xuất hiện một số đối tượng đến gọi ông Chín ra chỗ vắng đánh đập nạn nhân tàn nhẫn rồi bỏ đi. Ông Chín cố bò đến nơi các CSGT đang làm nhiệm vụ và được một CSGT gọi taxi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng (tràn dịch ổ bụng, vỡ ruột non với lỗ thủng lớn) nên rạng sáng hôm sau ông Chín đã tử vong. Ba bị can nói trên khai nhận đã đánh ông Chín theo chỉ đạo của Chung - “người thân quen” của thượng úy CSGT Như. Tuy nhiên, Như chỉ thừa nhận vào thời điểm đó có gọi điện thoại cho Chung để “rủ nhậu sau khi làm xong”, không thừa nhận nhờ Chung kêu đàn em xử ông Chín. LƯU NGUYỄN |