Về mối quan hệ giữa các bị cáo và các CSGT
Bị cáo Tòng khai: Thỉnh thoảng tôi có đến bãi xe của anh Bằng để ngồi chơi với tổ CSGT. Tôi với anh Hải (cán bộ CSGT quận Tân Phú) quen biết được khoảng một năm nay. Khoảng một tháng nay thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, tôi có đến chốt chỗ anh Hải cùng tổ tuần tra làm nhiệm vụ xử lý xe vi phạm giao thông để nói chuyện với anh Hải và xem các CSGT làm việc.
Vợ bị cáo Bằng khai: Chồng kinh doanh cho thuê xe nên có nhiều mối quan hệ và có quen với một số CSGT quận Tân Phú.
Các CSGT tại chốt đêm đó là Lê Hoàng Hải, Trần Hiếu, Nguyễn Minh Hải, Lê Cao Thanh Hoàng, Nguyễn Thành Công có cùng lời khai biết Bằng và Tòng, nhưng không thừa nhận có mối quan hệ.
Các số điện thoại "vô chủ"
Trong đêm xảy ra vụ án, rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn liên lạc qua lại với Bằng chưa được xác định làm rõ chủ thuê bao. Cụ thể là hai số điện thoại 0986934168 Bằng đã gọi lúc 21 giờ 27 với thời lượng 207 giây và số 0904477006 có 13 tin nhắn qua lại với Bằng từ 21 giờ 45 đến 23 giờ 32.
Đối với thuê bao điện thoại 01275377753 của Tòng, nhà mạng trả lời không có lưu trữ là trái với Luật Lưu trữ, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn (thời hạn lưu nhật ký liên lạc phải kéo dài một năm). Điện thoại của Bằng và Tòng đã không được thu giữ để phục vụ điều tra.
Luật sư đang nêu lập luận tại tòa
Về việc có hay không việc cự cãi với lực lượng CSGT
Đây là những tình tiết quan trọng để xác định động cơ, mục đích gây án của các bị cáo nhưng cũng chưa được làm rõ.
Kết luận điều tra xác định anh Hiền có lớn tiếng chửi bới nhưng lại không rõ chửi với ai. Giữa mục đích, động cơ và hành vi phạm tội phải có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Vì vậy, phải xác định được người bị anh Hiền chửi, gây gổ mới tìm được mối liên hệ này.
Tất cả CSGT hôm đó đều không thừa nhận việc trực tiếp cãi cọ với nạn nhân.
Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Bằng khai do chướng mắt vì thấy anh Hiền cự cãi với CSGT nên đã ra tay “đánh dằn mặt”, không ngờ dẫn đến chết người.
Về lời đối thoại kỳ lạ
Theo lời khai của các bị cáo, lời đối thoại qua lại giữa nạn nhân và kẻ hành hung không nhất quán.
Lúc thì khai là kẻ hành hung hỏi: “Lúc nãy mày chửi tao hả?”, khi thì “Lúc nãy mày chửi dữ hả”, “Lúc nãy mày chửi gì?”.
Sự bất nhất này làm nảy sinh một giả thiết mới. Phải chăng có thể người đánh nạn nhân lúc đó không phải là Bằng hoặc có thêm một đồng phạm khác, người bị anh Hiền chửi trước đó?
Về cơ chế gây chấn thương
Theo kết luận điều tra vụ án, Bằng đuổi theo anh Hiền để đánh. Bằng chặn đầu xe ôm, dùng tay phải đấm vào mặt anh Hiền một cái. Anh Hiền xuống xe, bỏ chạy thì bị Bằng đuổi theo, tiếp tục dùng tay đánh vào mặt Hiền hai cái.
Lúc này, anh Hiền có van xin: “Thôi đại ca ơi, tha cho em!”.
Bằng tiếp tục dùng tay trái nắm dây quai mũ bảo hiểm của Hiền, dùng cùi chỏ đánh vào mặt anh Hiền một cái làm anh Hiền té ngữa xuống đất bất tỉnh. Bằng và Tòng bỏ chạy. Nạn nhân được đi cấp cứu và chết ngay sau đó.
Giám định pháp y kết luận nguyên nhân chết do chấn thương sọ não: “Vùng đầu: bầm tụ máu dưới vùng chẩm – thái dương- trái, kích thước 7x4cm…”. Cơ chế gây chấn thương so não là “là tổn thương do vật tày gây nên theo cơ chế đầu di động (đầu di chuyển va đập vào vật tày). Trong trường hợp này là do té ngã ngửa, vùng chẩm – đỉnh – thái dương trái va đập xuống mặt đường”.
Như vậy, chắc hẳn phải có một lực tác động và lực rơi rất mạnh mới dẫn đến va đập tại ba vị trí trên. Tuy nhiên, kết luận điều tra lại nói anh Hiền chỉ bị đánh té ngã do một cú cùi chỏ đánh vào mặt.
Bị cáo Bằng đã lãnh án 12 năm tù giam
Như vậy, càng chứng minh rằng với ba cú đấm bằng tay không (không liên tục) và một cú đánh bằng cùi chỏ, không gây tổn thương bên ngoài nhưng gây chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết là không cơ sở y học. Hơn nữa, nạn nhân vẫn còn đội MBH, chiếc mũ còn nguyên thì làm sao có thể gây chấn thương vùng chẩm, đỉnh đầu được?
Do đó, luật sư nêu nghi vấn còn có đồng phạm, có hung khí, hoặc vị trí anh Hiền bị đập đầu không phải là mặt đường mà có thể là cột điện tại hiện trường.
Về vấn đề này, VKS đồng ý dùng tay nắm cổ áo hay dây nón bảo hiểm để đánh bằng cùi chỏ thì không thể gây ra vết thương ở thái dương và vùng chẩm. Song về cơ chế, việc hình thành vết thương là do ngã, nguyên nhân gây chấn thương sọ não là vì nạn nhân bị ngã nên các yếu tố khác không mang tính quyết định.
Đây mới chỉ là phiên tòa sơ thẩm. Nếu vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị thì sẽ được cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử. Hy vọng nếu vậy thì những câu hỏi còn bỏ ngỏ này sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ.