UBND tỉnh Đồng Nai bị kiện

Sau một ngày xét xử, ngày 2-8, TAND tỉnh Đồng Nai đã quyết định nghị án kéo dài vụ Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc (thị xã Long Khánh) yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai hủy hai quyết định hành chính về thu hồi đất và không bồi thường, hỗ trợ, di dời công ty đi nơi khác.

Thu hồi trắng, không bồi thường, hỗ trợ

Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc (thuộc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Bộ NN&PTNT) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có trụ sở tại phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh. Theo công ty, từ năm 1990 đến nay họ đã và đang sử dụng hợp pháp gần 3 ha cùng nhà xưởng máy móc (là nơi làm việc của hơn 700 công nhân). Diện tích trên có nguồn gốc là hai khu đất do UBND huyện Xuân Lộc và UBND huyện Long Khánh (nay là thị xã Long Khánh) bán cho công ty từ năm 1990 và năm 1992. Tiền mua đất do công ty tự bỏ ra và sau đó UBND tỉnh cũng đã ra quyết định giao đất.

Cho rằng đây là đất công nên tháng 9-2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất trên để xây dựng đền thờ liệt sĩ thị xã Long Khánh. Kèm theo đó là quyết định không hỗ trợ bồi thường tiền đất và di dời công ty đến nơi khác, với lý do công ty không có nhu cầu sử dụng đất nữa.

UBND tỉnh Đồng Nai bị kiện ảnh 1

Lãnh đạo Công ty Tân Lộc (giữa)trao đổi cùng luật sư của mình. Ảnh: T.TÙNG

Sau khi khiếu nại mà không được giải quyết thỏa đáng, tháng 6-2012, công ty khởi kiện UBND tỉnh ra tòa yêu cầu hủy hai quyết định trên vì đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

700 lao động sẽ ra sao?

Tại tòa, đại diện Công ty Tân Lộc trình bày: “Nguồn tiền chúng tôi chuyển nhượng đất trên là của công ty, không lấy từ ngân sách Nhà nước thì sao có thể coi là đất công để không bồi thường hỗ trợ? Trước đó, ba lần công ty có hồ sơ xin cấp giấy đỏ nhưng phía ủy ban lại không có ý kiến. Chưa kể, khi ra quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh không thông báo hay bàn bạc cũng như gửi trực tiếp quyết định cho chúng tôi. Như vậy là sai quy định…”. Theo công ty, hợp đồng chuyển nhượng ghi là tài sản cố định cơ sở vật chất và mặt bằng, tức là gồm cả tài sản gắn liền với đất và diện tích đất. Mặt khác, thu hồi đất mà không bồi thường hay hỗ trợ di dời thì hoạt động sản xuất của công ty, công ăn việc làm của hơn 700 lao động sẽ ngưng trệ vì không có địa điểm mới.

Ngược lại, đại diện UBND tỉnh lập luận việc thu hồi không bồi thường tiền đất là đúng vì trước kia Công ty Tân Lộc chỉ chuyển nhượng tài sản và thành quả trên đất chứ không bao gồm giá trị đất. Thời điểm đó, Luật Đất đai 1987 cũng không cho mua bán đất mà đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Trước đây, UBND tỉnh không có chủ trương giao đất thu tiền nên có thể coi đây là đất công, khi thu hồi không phải bồi thường. Cạnh đó, công ty cũng vi phạm mục đích sử dụng đất vì dành một phần cho thuê lại nên tỉnh mới thu hồi trắng, không bố trí địa điểm khác.

Phải trao đổi với bộ chủ quản khi thu hồi

Tòa thắc mắc: UBND tỉnh giải thích sao khi ban đầu lý do thu hồi đất là để thực hiện dự án đền thờ liệt sĩ nhưng khi viện dẫn pháp luật thì lại cho rằng thu hồi vì công ty đang sử dụng đất không đúng mục đích? Sau 1 phút suy nghĩ, đại diện ủy ban tỉnh nói: “Chúng tôi xác định lại lý do thu hồi đất là để thực hiện dự án…”.

Đại diện VKSND tỉnh nói: “Theo Luật Tố tụng hành chính, VKS không được phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án nhưng tôi sẽ phân tích một số điểm chưa hợp lý trong quyết định của UBND tỉnh để tòa cân nhắc…”. Theo viện, thứ nhất, trước khi ra quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh không trao đổi, không có ý kiến của cơ quan chủ quản là Bộ NN&PTNT là không đúng với Điều 6 Nghị định 84 năm 2007 của Chính phủ về thu hồi đất. Bởi đây là đất công sản, khi chuyển đổi công năng sử dụng thì bắt buộc phải có sự trao đổi và có ý kiến của cơ quan chủ quản (của Công ty Tân Lộc). Thứ hai, trong quyết định thu hồi đất, tại Điều 3 (các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định) không có người trực tiếp bị thu hồi đất là Công ty Tân Lộc nên công ty có quyền không phải thực hiện. Thứ ba, quyết định phê duyệt phương án bồi thường của ủy ban đưa ra giá bồi thường tài sản trên đất cho công ty là 2 tỉ đồng. Trong khi đó, thực tế ủy ban không thể khảo sát được giá trị tài sản trên (do công ty không hợp tác - PV) mà đã quyết định giá ấy là chưa đúng. Cuối cùng, ủy ban thu hồi đất nhưng lại không hỗ trợ di dời Công ty Tân Lộc đến vị trí khác để công ty tiếp tục sản xuất thì liệu đã hợp lý?

Sau phần tranh luận, tòa quyết định nghị án kéo dài đến ngày 8-8 sẽ tuyên án. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Từng xác định thiếu người liên quan

Do vụ án phức tạp nên sau khi thụ lý (từ giữa năm 2012), nhiều lần tòa phải hoãn xử và yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ. Tại lần mở phiên tòa ngày 25-2, khi chưa hết phần thẩm vấn, tòa phải tuyên bố hoãn xử để triệu tập thêm đơn vị liên quan. Bởi hồ sơ chưa thể hiện rõ trước kia do UBND thị xã Long Khánh chuyển nhượng cả đất hay chỉ là phần tài sản trên đất cho Công ty Tân Lộc. Đại diện VKS đề nghị đưa thêm Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam vì UBND tỉnh giao đất cho đơn vị này, sau đó tổng công ty mới giao lại cho Công ty Tân Lộc sử dụng. Do hai chủ thể này có tên trong hợp đồng chuyển nhượng đất và các văn bản liên quan nên họ cần phải có mặt tại tòa.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm