Có hai luồng quan điểm, một là đồng ý với nhận định, xử lý của tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng phải áp dụng theo phong tục, tập quán mà chia đôi số vàng.
Luồng quan điểm thứ hai cũng quyết liệt và viện dẫn pháp luật thuyết phục không kém khẳng định phải áp dụng theo quy định của pháp luật, vàng đó là của cô dâu mới đúng.
Vụ án khá đơn giản, trong đám hỏi, gia đình nhà trai có nói “cho cô dâu” 3 cây vàng (30 chỉ vàng) kèm nữ trang, bông tai. Sau đó hai bên đăng ký kết hôn, làm đám cưới. Sau một năm, do có mâu thuẫn, hai vợ chồng ly hôn. Tranh chấp xảy ra khi người chồng yêu cầu chia đôi số vàng nhà trai đã cho nàng dâu trong đám hỏi và đã được tòa sơ thẩm chấp thuận.
Nàng dâu không chịu phán quyết này đã kháng cáo. Cô cho rằng vàng đó nhà trai cho cô trước khi đám cưới, khi đó hai người chưa đăng ký kết hôn, như vậy đó là tài sản riêng của cô nên không thể chia đôi được.
Tuy nhiên, kháng cáo này của cô đã bị tòa phúc thẩm bác với nhận định: theo phong tục tập quán, kể từ ngày làm lễ đính hôn trở về sau, mặc dù có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật hay chưa thì mặc nhiên cô dâu và chú rể được mọi người công nhận là vợ chồng. Như vậy kể từ đám hỏi, hai người đã là vợ chồng nên tài sản tranh chấp mặc dù nói là cho cô dâu nhưng là tài sản cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình về sau. Cấp sơ thẩm xác định tài sản là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi là có căn cứ, đúng quy định pháp luật…
"Vàng của nàng dâu, tòa không nên suy diễn"
Luồng quan điểm cho rằng vàng là của cô dâu có vẻ áp đảo hơn so với quan điểm ngược lại.
Khá đông bạn đọc cho rằng tòa phải áp dụng pháp luật để tuyên vàng là của nàng dâu. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, lúc đám hỏi hai bên chưa đăng ký kết hôn, như vậy căn cứ pháp luật hiện hành, tài sản có trước khi cưới là tài sản riêng.
“Căn cứ luật pháp mà xử, không thể căn cứ theo phong tục tập quán được”; “Đã ra toà thì phải căn cứ vào luật pháp và bằng chứng, nhân chứng, không thể căn cứ vào lời nói gió bay được. Chưa đăng ký kết hôn mà trao quà vào tay cô gái thì là tài sản riêng của cô gái” bạn MAI THANH và TRẦN VĂN TRUNG cùng khẳng định.
Bạn BUITHIHOANEU nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với ý kiến của tòa phúc thẩm và sơ thẩm. Anh chị ấy chưa đăng kí kết hôn nên số vàng có được của cô dâu phải coi là tài sản riêng hình thành trước hôn nhân. Tòa phải xử theo luật hôn nhân và gia đình chứ không thể xử theo tục lệ được”.
Đồng quan điểm này, bạn LÊ THỊ KIM ANH cũng cho rằng khi nhà trai mang vàng qua cho nhà gái và nói "cho cô dâu" thì đó là tài sản riêng. Khi nào nhà trai nói “cho hai vợ chồng” thì lúc đó mới coi là tài sản chung được: “Tòa nói làm đám hỏi thì theo tập quán mặc định là đã được xem như vợ chồng là không chính xác, vì rõ ràng trong Bộ luật Dân sự có quy định, trường hợp chưa được luật hóa thì mới tiếp đến áp dụng phong tục, tập quán... Điều này rõ ràng đi ngược lại quy định của pháp luật”.
Bạn LN nêu ví dụ để bảo vệ quan điểm phải xử theo luật của mình và bạn cho rằng thẩm phán đã xử theo cảm tính: “Đơn giản nhé: nếu trong cùng thời gian đó mà ông chồng mua miếng đất hay chiếc xe hơi, thử hỏi ổng có tự nguyện chia cho vợ vì "theo phong tục từ khi đám hỏi là vợ chồng" không? Chắc là không rồi! Thẩm phán xử theo cảm tính”.
Bạn NGUYEN HUNGPHAM lý luận: “Khi đi ăn hỏi là tiền nhà trai đưa cho nhà gái (Thách cưới, tiền công nuôi con gái... theo phong tục). Khi làm lễ thành hôn, lạy trước bàn thờ gia tiên nhà trai, nhà gái cho tiền, quà… đó là tiền cho cặp vợ chồng thành hôn được hai bên gia đình chấp thuận, có thể đã hoặc chưa đăng ký kết hôn. Do đó cô gái không chia số vàng khi ăn hỏi là đúng. Đã làm mất duyên con gái, nhất là ở các làng quê thì khổ cho các cô gái lắm”.
“Tòa phải xử theo luật chứ không thể theo phong tục, tòa cũng không thể nói "mặc nhiên" là vợ chồng dù có đăng ký kết hôn hay chưa, bởi theo luật hôn nhân gia đình mới nhất pháp luật chỉ công nhận là vợ chồng nếu có đăng ký kết hôn. Căn cứ chị P. nói số vàng đó là của riêng vì khi đám hỏi đàng trai nói rõ cho cô dâu là có cơ sở, tòa không nên suy diễn thêm. Lời nói cũng là một bằng chứng như hợp đồng giao kết, khi thành vợ chồng người vợ muốn nhập số tài sản là quà tặng riêng của mình vào khối tài sản chung là do ý chí người vợ. Vì vậy cả hai tòa sơ và phúc thẩm cho rằng đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là chưa chính xác” bạn Đ. HÒA nêu ý kiến với lý lẽ khá thuyết phục.
Ảnh minh họa
Vàng của chung hai vợ chồng
Đây là luồng quan điểm cho rằng trường hợp này nên áp dụng phong tục tập quán để xét xử là thấu tình đạt lý hơn. Bạn đọc cho rằng vàng cho trong đám hỏi chính là tài sản chung của hai vợ chồng vì không ai tự nhiên lại đem tài sản đi cho người dưng như thế. Lý lẽ thuyết phục của bên này cũng “sắc bén” không kém luồng quan điểm trên.
“Đối chiếu với trường hợp trên về pháp luật tại thời điểm hiện nay, khi có đăng ký kết hôn mới công nhận vợ, chồng. Về tài sản được cho trong lễ hỏi cần suy nghĩ rằng bên nữ đã đồng ý kết duyên với bên nam, theo phong tục tập quán của ta khi tổ chức lễ hỏi, xem như là vợ, chồng. Việc bên nam cho vàng bên nữ mặc dù không nói là cho riêng nhưng cũng hiểu rằng đây là việc cho vàng cho vợ chồng. Thử hỏi bên nữ không đồng ý làm vợ bên nam có ai mà tự nhiên cho vàng hay không. Theo tôi, tòa xử như vậy là chấp nhận được, do đây là vụ việc chưa có tiền lệ, trong thực tế chưa có trường hợp nào cho tài trong lễ hỏi, cưới mà bên cho khẳng định cho riêng bên nữ hay bên nam. Do đó tài sản này là của hai vợ chồng” - bạn NGUYỄN HOÀNG SƠN phân tích. Ý kiến này của bạn đã nhận được rất nhiều Like đồng ý.
Bạn LƯU THỦY cũng có chung quan điểm và cho rằng về đạo lý thì không ai làm như cô dâu này hết. Bạn cho rằng tính cả về mặt pháp luật và phong tục tập quán thì cả 2 quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều hợp lý, đúng quy định pháp luật và hợp phong tục.
“Thử hỏi nhà trai làm đám hỏi để làm gì? Chẳng phải là để cho đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng. Vì rước nàng về dinh thì người ta mới cho vàng để tạo lộc, tạo tài sản ban đầu chứ. Khi đặt lễ hỏi, người ta nói "cho" chứ chẳng lẽ nói gì, văn nói mà bắt bẻ gì. Luật cũng từ cuộc sống mà ra. Pháp luật phải đi liền với đạo đức. Tôi đồng tình với tòa án 2 cấp trong vụ này” - bạn LƯU THỦY bức xúc nêu ý kiến.
Vụ án tưởng như đơn giản hóa ra lại khá rắc rối, gây nhiều tranh cãi khi pháp luật và phong tục tập quán “gặp nhau”. Như các bình luận trên đây thì đúng là khó có thể kết luận bên nào thuyết phục và có lý lẽ hơn bên nào. Nên chăng có một án lệ đối với vụ án này như bạn đọc ANH TƯỞNG góp ý: “Vụ này Tòa án Tối cao nên tổng kết thành án lệ” vì tình huống pháp lý khá thú vị của vụ án rất đời thường và hy hữu trong trường hợp pháp luật và phong tục tập quán “xung đột” nhau.
Ngày mai, chúng tôi sẽ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia luật về trường hợp này. Mời bạn đọc đón theo dõi.