Vì sao tòa chưa trở thành biểu tượng công lý?

Phát biểu trước Quốc hội, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) lo ngại về khả năng bỏ lọt tội phạm qua việc tạm đình chỉ vụ án. Theo số liệu thống kê, năm 2017, có hơn 12.000 vụ án đang tạm đình chỉ (tăng 6,25% so với năm 2016).

“Theo thông tin tôi được biết, tổng số vụ tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra trên phạm vi cả nước qua nhiều năm là rất lớn so với con số nêu trên. Nếu không tích cực điều tra để phục hồi điều tra sẽ dẫn đến hết thời hiệu xử lý hình sự, bỏ lọt một số lượng lớn tội phạm không bị xử lý” - ông Hùng nói.

Sợ làm oan, tạm đình chỉ cho… an toàn?

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) lại có cái nhìn khác. Ông Chiến cho rằng có nhiều vụ án thời gian qua được đưa ra xét xử nhưng không đủ chứng cứ kết tội, lẽ ra phải tuyên bị cáo không phạm tội theo tinh thần cải cách tư pháp thì tòa lại trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hoặc thời hạn điều tra bổ sung đã hết, không chứng minh được tội phạm, lẽ ra phải đình chỉ điều tra vụ án nhưng CQĐT, VKS lại tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả giám định... “Những lý do này không thuyết phục, bộc lộ yếu kém trong hoạt động điều tra. Dư luận cho rằng vì sợ trách nhiệm làm oan, xem ra tạm đình chỉ là biện pháp an toàn” - ông Chiến bình luận.

“Việc ban hành các quyết định không đúng khi giải quyết án hình sự đang là hiện tượng tiêu cực của đời sống tư pháp, cần sớm được loại bỏ để hiến pháp được thực thi, quyền con người được bảo đảm. Việc tạm đình chỉ kéo dài không thể là lý do bảo đảm chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm” - ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chiến, nhiều vụ án có dấu hiệu oan rõ ràng nhưng cứ bị trả hồ sơ, hủy đi hủy lại, kết quả là không khắc phục được vi phạm, không chứng minh được tội phạm nhưng tòa vẫn tuyên bị cáo có tội. Những vụ án như thế này đã làm giảm lòng tin của người dân vào hoạt động tư pháp.

Ông Chiến sau đó dẫn chứng vụ án Quản Đắc Thúy (Hà Nội) cố ý gây thương tích có dấu hiệu oan sai kéo dài hơn một thập niên với 13-14 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứng cứ không có gì mới nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn tuyên bị cáo có tội.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nguyễn Văn Chiến: “Nhiều vụ án có dấu hiệu oan rõ ràng nhưng cứ bị trả hồ sơ”. Ảnh: Đ.MINH

Kiến nghị bãi bỏ hình thức thỉnh thị án

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Tại sao đến bây giờ các tòa án chưa được người dân và xã hội tin cậy, chưa trở thành biểu tượng công lý trong lòng người dân?”.

“Bên cạnh những kết quả đạt được thì nơi nương náu của công lý vẫn là nơi còn nhiều nguy hiểm” - ông Nhưỡng ví von và cho rằng cán bộ làm tòa án là nghề rất rủi ro vì phải đối mặt với công việc nhạy cảm, căng thẳng, có thẩm phán do “xét xử chạy kế hoạch” đã gục ngay sau khi tuyên án và chết. Nhưng một số thẩm phán, cán bộ tòa do những cám dỗ và thiên vị đã tự tạo ra một phần rủi ro cho bản thân. Họ đã từ bỏ hoặc thực hiện sai lệch những chuẩn mực của người “cầm cân”, tự sửa chữa cán cân công lý.

“Đâu đó ngoài kia người dân vẫn kêu ca về thái độ, tác phong, kéo dài, trì hoãn, chỗ thì vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc. Tình trạng báo cáo xin chỉ đạo, thỉnh thị án không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí ngày một phức tạp đến mức có thẩm phán chính trực không chịu nổi. Tuy nhiên, với một số thẩm phán thì đó lại là mong muốn của họ vì như vậy rất an toàn, được lòng cấp dưới, vui lòng cấp trên, giảm bớt khả năng bị hủy án, ảnh hưởng đến thi đua. Nguyên tắc xét xử độc lập - nguyên tắc cốt tử của tố tụng tư pháp dường như mới chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật” - ông Nhưỡng nói thêm.

Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị TAND Tối cao tìm mọi biện pháp chấn hưng công tác tư pháp, trong đó quan trọng nhất, quyết liệt nhất là chất lượng thẩm phán. TAND Tối cao cần xây dựng nhiều án lệ để thống nhất áp dụng, cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và bãi bỏ các hình thức cho ý kiến đối với các thỉnh thị, qua đó buộc thẩm phán không được ỷ lại, phải “rèn luyện công lực” để đối phó với sự thật, được tự quyền quyết định chân lý.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nguyễn Văn Chiến cũng quan tâm đến những vi phạm pháp luật, tham nhũng trong hoạt động xét xử. Ông Chiến dẫn vụ việc nguyên Chánh Tòa Kinh tế TAND TP Hải Phòng Ngô Văn Anh bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKS đã chỉ ra những vi phạm tố tụng và đề nghị hủy bản án sơ thẩm (do thẩm phán Anh tuyên) nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm. Từ đó, ông Chiến kiến nghị lãnh đạo TAND Tối cao và VKSND Tối cao cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm nhằm sớm loại bỏ tham nhũng, vi phạm tố tụng trong hoạt động tư pháp, lấy lại lòng tin của người dân.

Năm 2017, chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, công tác xét xử của tòa án các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đặc biệt năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa. Một số trường hợp tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội...

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát tăng. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật... Tuy nhiên, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đối với các tố giác, tin báo về tham nhũng. Vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp quá hạn tạm giam, tạm giữ. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đáng lưu lý còn 32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố…

Nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý

Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2017, CQĐT các cấp đã tước danh hiệu công an nhân dân của hai điều tra viên, cách chức năm, giáng cấp bậc hàm một, cảnh cáo năm, khiển trách 18.

Ngành kiểm sát đã xử lý kỷ luật 32 công chức, người lao động có vi phạm (khiển trách 20, cảnh cáo bảy, cách chức hai, buộc thôi việc hai, sa thải một).

Ngành tòa án đã xử lý 18 công chức (buộc thôi việc hai, hạ bậc lương một, cảnh cáo sáu, khiển trách tám, xử lý hình sự một).

Số cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự bị xử lý kỷ luật tăng so với cùng kỳ năm trước (150 trường hợp), trong đó có 26 trường hợp vi phạm liên quan đến công tác giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm