Vô cảm và tội ác

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cho biết, với loại tội phạm hình thành do nguyên nhân xã hội, Cục đang tổ chức đánh giá toàn diện để tìm ra giải pháp. Riêng về tội phạm giết người do mâu thuẫn xã hội, cơ quan công an cảnh báo thêm rằng, có thể xảy ra tình trạng đối tượng sát hại chính những người thân trong gia đình. Đây là một hiện tượng phạm tội mới đáng lo ngại.

Một trong những vụ án kinh hoàng nhất trong thời gian gần đây là vụ án xảy ra ở phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà  Nội. Nhìn Lê Văn Tuyên đứng trước vành móng ngựa, cúi đầu, hai tay bấu chặt lấy vành móng ngựa, không ai có thể tưởng tượng được đó là thủ phạm của một vụ giết người man rợ mà nạn nhân không phải ai khác lại chính là người vợ đã từng đầu gối tay ấp với y.

Quê ở Hà Tây, hai vợ chồng Lê Văn Tuyên và Lê Thị Huệ đã có những tháng ngày hạnh phúc với một gia đình đầm ấm và hai đứa con ngoan. Nhưng rồi, cuộc sống ở quê chật vật, làm lụng vất vả, khéo lắm cũng chỉ đủ ăn mà hai vợ chồng lại muốn kiếm thêm một chút để làm vốn liếng cho hai con nên đã dắt díu nhau lên Hà Nội. Vốn là người vợ chăm chỉ, đảm đang nên dù quanh năm chỉ làm nông, lên Hà Nội lạ nước lạ cái nhưng chị Huệ cũng nhanh chóng tìm được công việc ổn định. Còn Tuyên thì hàng ngày chạy xe ôm. Thu nhập của hai vợ chồng cũng kha khá, đủ để nuôi hai con ăn học và có tích lũy được chút đỉnh.

Cứ tưởng cuộc sống vậy là hạnh phúc, toại nguyện. Nhưng, nào ngờ, sau khi làm xe ôm ở Hà Nội một thời gian thì Tuyên vướng vào cờ bạc. Ban đầu chỉ là chơi tá lả, đánh cò con, ăn thua dăm ba nghìn đồng để giải sầu mỗi khi ế khách. Nhưng sau rồi càng chơi càng cay cú ăn thua, Tuyên trở thành con bạc khát nước lúc nào không hay. Triền miên trong suốt nhiều tháng ròng, toàn bộ số tiền kiếm được từ việc chạy xe ôm, Tuyên nướng sạch vào cờ bạc, không chịu đưa cho vợ xu nào. Thậm chí nhiều lần có khách gọi đi nhưng mải cờ bạc, Tuyên cũng từ chối không chở. Chiếc xe máy, phương tiện kiếm sống duy nhất, Tuyên cũng đã có lần đem đặt để lấy tiền cờ bạc.

Thấy chồng sa đà, chị Huệ đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng Tuyên không nghe mà lại còn quát nạt vợ. Cuộc sống vợ chồng trở nên căng thẳng. Cho đến sáng hôm ấy, chị Huệ đã quyết định khóa chiếc xe máy lại, cất chìa khóa đi vì sợ Tuyên sẽ lại đem xe đi đặt để lấy tiền đánh bạc. Ngủ dậy, định lấy xe đi, thấy xe đã khóa, Tuyên trèo lên gác xép đòi vợ đưa chìa khóa. Lúc này cả hai đứa con đều đã đi học, nhà chỉ có hai vợ chồng. Chị Huệ không đưa với lý do: "Anh đi làm không mang tiền về nhà nuôi con mà chỉ đi đánh bạc nên tốt nhất là không đi làm nữa".

Tuyên cho rằng, vợ cư xử thế là láo nên bắt đầu quát nạt, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chị Huệ bị Tuyên đẩy ngã ngửa về phía sau. Cú đẩy quá mạnh khiến đầu chị bị đập vào thành cửa nằm bất động dưới sàn nhà.

Biết vợ đã chết, Tuyên thay vì đến tự thú với Cơ quan Công an hoặc bỏ trốn thì lại tìm cách phi tang tội ác một cách hết sức man rợ. Y đã xẻ xác chị Huệ thành nhiều phần rồi đem đi vứt tại nhiều đoạn sông khác nhau trên địa bàn Hà Nội với hy vọng công an sẽ không tìm ra dấu vết.

Đến chiều tối, khi các con đi học về nhà không thấy mẹ, hỏi mẹ đâu thì Tuyên trả lời rằng, mẹ đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, 3 năm nữa mới quay về.

Tuy không tin lời cha nhưng hai đứa con còn quá nhỏ để đi tìm sự thật. Cho đến khi, những mảnh thi thể đầy thương tâm của chị Huệ nổi lên trên mặt hồ Rẻ Quạt, nghi vấn đây là một vụ án mạng, Cơ quan điều tra đã vào cuộc và Lê Văn Tuyên bị bắt. Một năm sau thì Tuyên bị tuyên án tử hình, một hình phạt thích đáng với tội ác tày trời mà Tuyên đã gây ra với chính người vợ của mình.

Tội ác của Tuyên không chỉ cướp đi sinh mạng của người vợ mà còn làm tan nát cả một gia đình, đẩy hai đứa con thơ vào cảnh mất mẹ và mất cả cha. Giá mà Tuyên biết yêu thương người vợ tần tảo, giá mà Tuyên biết giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bằng tình thương, bằng sự phục thiện sau những lỗi lầm thì vụ án này sẽ không xảy ra, những đứa con Tuyên sẽ không phải hứng chịu tấn bi kịch gia đình đớn đau đến thế...

Nhưng đây không phải là vụ án giết người thân duy nhất tại Hà Nội. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Công an TP Hà Nội cho biết, loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Riêng tại Hà Nội, trong năm 2009 đã xảy ra 13 vụ và sang năm 2010, những vụ án tương tự lại tiếp tục xảy ra. Mới đây nhất là vụ án con gái ruột đâm chết cha đẻ tại quận Đống Đa, vụ con rể đâm thiệt mạng mẹ vợ ngay ở nhà riêng xảy ra tại quận Hoàng Mai. Điều đáng nói là những mâu thuẫn dẫn đến các vụ giết người mất nhân tính này đều xuất phát từ nguyên nhân đơn giản, hoàn toàn có thể giải quyết được bằng tình. Vụ án giết vợ ở Gia Lâm là một ví dụ.

Tại phiên tòa, Bùi Xuân Khánh khai rằng: "Cuộc sống chung của vợ chồng tôi rất nặng nề". Nhưng khi Tòa hỏi: "Nặng nề như thế nào?" thì Khánh lại chỉ có thể đưa ra một nguyên nhân rất đơn giản: "Là vì vợ tôi lầm lì, rất ít nói". Trên thực tế, các chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện rằng Lan Anh, vợ Khánh là một người đàn bà lành hiền. Cô làm công nhân trong một xí nghiệp may mặc ở Hà Nội và là một phụ nữ đoan chính, không có điều tiếng gì trước khi lấy Khánh.

Vô cảm và tội ác ảnh 1

Bùi Xuân Khánh lặng đi khi nghe Viện kiểm sát luận tội

Gặp Khánh và kết hôn với anh ta qua mai mối của người chị gái, Lan Anh hoàn toàn phục tùng Khánh. Ngay cả khi biết rằng, dù mới kết hôn nhưng Khánh đã có bồ, thường xuyên đi chơi với bồ vào các buổi tối thì Lan Anh cũng vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Thậm chí, Lan Anh còn đọc được cả những tin nhắn bỉ ổi của người đàn bà kia trong điện thoại của chồng với nội dung xui chồng cô đừng có con với cô, nhưng Lan Anh cũng chỉ biết âm thầm khóc và than vãn với chị gái, người đã mai mối cho cô lấy Khánh mà thôi.

Theo Đặng Huyền (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm