Ngày 12-3, TAND TP.HCM dự kiến tiếp tục xét xử vụ cố ý làm trái… xảy ra tại Navibank sau hai ngày tạm ngừng. Đáng chú ý là trước đó, 12 luật sư (LS) bào chữa cho 8/10 bị cáo đã có hai đơn kiến nghị triệu tập thẩm phán, điều tra viên ra tòa.
Kiến nghị triệu tập thẩm phán, điều tra viên
Cụ thể, trong một đơn, 12 LS kiến nghị HĐXX triệu tập ông Quảng Đức Tuyên, thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM (hiện là phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM), ra tòa. Trước đó, ông Tuyên là thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1.
Theo 12 LS, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 02 ngày 7-1-2015 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM có nêu về việc kiến nghị VKSND Tối cao và CQĐT Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng hưởng lãi suất vượt trần gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng. Cạnh đó, tại trang 87 của bản án, HĐXX cho rằng số tiền 200 tỉ đồng của Navibank bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Tuy nhiên, kết luận điều tra lại kết luận rằng số tiền trên bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt ở VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Ngoài ra còn một số vấn đề khác mà nhận định của HĐXX không đúng với các chứng cứ, tài liệu trong vụ án Navibank mà TAND TP.HCM đang đưa ra xét xử sơ thẩm.
Do đó, các LS đề nghị HĐXX triệu tập ông Tuyên để làm rõ việc một số nội dung trong Bản kết luận điều tra số 68 ngày 12-9-2017 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an có mâu thuẫn với cáo trạng số 80 ngày 17-11-2017 của VKSND Tối cao hay không; làm rõ tại sao không triệu tập các bị cáo Lê Quang Trí, Nguyễn Giang Nam, Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thanh Bình, Phạm Thị Thu Hiền trong lần xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1.
Trong đơn thứ hai, 12 LS kiến nghị triệu tập năm điều tra viên để làm rõ Bản kết luận điều tra số 68 ngày
12-9-2017 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an có mâu thuẫn với cáo trạng số 80 ngày 17-11-2017 của VKSND Tối cao hay không khi theo kết luận điều tra Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng ở VietinBank Chi nhánh TP.HCM nhưng cáo trạng xác định là ở VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.
Các luật sư tại phiên tòa Navibank. Ảnh: H.YẾN
Luật quy định sao?
Từ tình huống trên, nhiều bạn đọc thắc mắc: Pháp luật hiện hành quy định ra sao? Liệu những kiến nghị trên của các LS có được HĐXX chấp nhận?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia đều cho biết Điều 296 BLTTHS 2015 quy định trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Như vậy, kiến nghị của 12 LS về việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa Navibank là dựa vào quy định trên. Tuy nhiên, việc chấp thuận hay không còn tùy thuộc vào sự đánh giá của HĐXX. Bởi lẽ ngay trong ngày đầu mở phiên tòa này, đã từng có LS kiến nghị triệu tập điều tra viên liên quan đến vụ án nhưng HĐXX cho rằng chưa cần thiết. Theo HĐXX, các yêu cầu của LS đưa ra cần được xem xét, quyết định thông qua tranh tụng tại phiên xử để từ đó đưa ra quyết định phù hợp. Mặt khác, theo quy định, HĐXX chấp thuận hay từ chối kiến nghị của LS cũng đều phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nhiều thay đổi của ngành tòa án Trong một cuộc họp báo đầu năm 2018, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm qua, tòa án có nhiều thay đổi trong việc tổ chức xét xử, cả về hình thức và nội dung. Về mặt nội dung, đã có nhiều chức năng mới được quy định bổ sung như việc triệu tập điều tra viên. Trong tương lai, cả kiểm sát viên và thẩm phán cũng có thể bị triệu tập đến tòa. HĐXX thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, có quyền khởi tố bị can, kiến nghị xử lý cán bộ tại tòa... Đây là những nhiệm vụ mới mà thời gian qua chưa có. |
Riêng về kiến nghị triệu tập thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1 thì hầu hết chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều nhận xét sẽ khó được HĐXX chấp thuận.
một kiểm sát viên cao cấp VKSND Cấp cao tại TP.HCM phân tích: Điểm b khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra; viện trưởng, phó viện trưởng VKS, kiểm sát viên, kiểm tra viên; chánh án, phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, thẩm tra viên.
Vấn đề là dù vụ Navibank là một nhánh tách ra từ vụ Huyền Như nhưng vẫn là hai vụ án độc lập về tố tụng. Thẩm phán Tuyên chỉ là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1 chứ không phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ Navibank đang xét xử hiện nay.
Mặt khác, bản án phúc thẩm vụ Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1 đã có hiệu lực pháp luật, không bị giám đốc thẩm hay tái thẩm gì. Ngoài ra, một bản án được quyết định bởi một HĐXX, không phải chỉ riêng thẩm phán chủ tọa nên không thể vịn lý do bản án này có điểm này điểm kia chưa rõ theo đánh giá của LS mà triệu tập cá nhân chủ tọa ra trả lời vấn đề.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến phiên tòa Navibank.
Triệu tập điều tra viên là cần thiết? Thực tiễn xét xử gần đây đã có một số HĐXX áp dụng Điều 296 BLTTHS 2015 để triệu tập điều tra viên liên quan đến giai đoạn điều tra vụ án mà HĐXX đó đang xét xử. Nhiều chuyên gia nhận xét trong một số trường hợp, việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ khi phiên tòa được xét xử công khai, tinh thần tranh tụng được đề cao thì bất kỳ một tình tiết, tài liệu, nội dung nào của vụ án cũng cần được làm rõ. Khi bị cáo có sự phản cung hoặc LS của bị cáo phản đối kết luận của CQĐT không có căn cứ, có mâu thuẫn.... thì điều tra viên cần phải giải thích, bảo vệ cho kết luận của mình. Trường hợp điều tra viên không có mặt theo triệu tập của HĐXX, hoặc có mặt nhưng không giải thích được, hoặc giải thích nhưng vẫn không thể làm rõ, không thể khẳng định được vấn đề thì HĐXX có quyền ghi nhận như là một tài liệu của vụ án để xem xét, sau đó đưa ra phán quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh sai sót gây bất lợi cho bị cáo. Đây là một quy định mới của BLTTHS 2015. Quy định mới góp phần khẳng định quyền tranh tụng được đảm bảo và thẩm quyền của HĐXX tại phiên tòa công khai. Việc HĐXX triệu tập điều tra viên khi cần thiết không những có lợi cho bị cáo mà còn giúp HĐXX nhận định đúng bản chất khách quan của sự việc hơn, giúp cơ quan tố tụng có thể khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan đến vụ án ngay tại phiên tòa. |