Yêu vợ mới, đòi chia nhà vợ cũ

Đường ai nấy đi

Kernott là nhân viên bán kem, còn Jones làm nghề cắt tóc nữ. Năm 1985, hai người quyết định chung sống với nhau trong căn nhà ở Thuderslay, Essex. Căn nhà này do Jones mua bằng tiền tiết kiệm của cô nhưng lại cho Kernott cùng đứng tên chung. Năm 1986, họ vay ngân hàng 20.000 bảng Anh để xây dựng và nới rộng căn nhà. Căn nhà được thế chấp để bảo đảm cho khoản vay đó.

Việc cơi nới cộng thêm sự phát triển trong lĩnh vực bất động sản khiến giá trị căn nhà ngày càng tăng. Sau khi được mở rộng, căn nhà tăng từ 30.000 lên 44.000 bảng Anh. Năm 1993, căn nhà tăng lên 70.000 bảng Anh. Đây cũng là thời điểm Kernott và Jones quyết định “anh đi đường anh, tôi đường tôi”. Khi chia tay, Jones hưởng căn nhà và gợi ý trả cho Kernott 18.000 bảng Anh nhưng anh từ chối.

Yêu vợ mới, đòi chia nhà vợ cũ ảnh 1

Patricia Jones trước căn nhà tranh chấp.

Cuộc tình này tưởng đã trôi vào dĩ vãng với cái kết thúc khá êm thấm. Nào ngờ 13 năm sau, tức năm 2006, Kernott lại tập hợp các chứng cứ pháp lý và nộp đơn kiện “vợ” cũ ra tòa để yêu cầu được chia nhà. Nhiều người lên án Kernott mờ mắt trước giá trị căn nhà đã tăng vọt lên 245.000 bảng Anh nên mới nảy sinh ý định tranh chấp. Đáp lại, Kernott cho biết sở dĩ bây giờ mình mới kiện đòi chia nhà là vì phải chờ cho hai đứa con lớn hơn một chút đã.

Đối chiếu chứng cứ giữa các bên, các chuyên gia pháp lý phán đoán Kernott sẽ nhận được kết quả không như ý. Bởi lẽ trong suốt thời gian sống chung, một mình Jones trả tiền vay. Mỗi tuần, Kernott chỉ đóng góp 100 bảng Anh gọi là tiền trang trải chi phí. Sau khi chia tay, Kernott đi chỗ khác ở, bỏ mặc hai con chưa đến tuổi trưởng thành cho “vợ” mà không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Căn nhà mua bằng tiền của Jones. Căn nhà bị thế chấp và Jones phải trả tiền vay một mình. Như vậy theo lẽ thường, căn nhà phải thuộc quyền sở hữu của Jones.

Khó phân xử

Chứng cứ rõ ràng, các quan tòa có thể dễ dàng phán xét nhưng thực tế thì không phải vậy. Tranh chấp về phần quyền sở hữu căn nhà giữa Kernott và Jones trải qua bốn phiên xử với phán quyết trái ngược nhau cho thấy vụ án không đơn giản chút nào.

Tại phiên xử sơ thẩm năm 2008, Kernott chỉ được tuyên hưởng 10% giá trị căn nhà. Quyết định này được giữ nguyên bởi tòa cấp cao ở London vào năm 2009.

Kernott tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Năm 2010, tòa phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết của tòa cấp dưới. Theo đó, Kernott và Jones được chia đều giá trị căn nhà, phần sở hữu của mỗi người là 50/50.

Yêu vợ mới, đòi chia nhà vợ cũ ảnh 2

Leonard Kernott (trái) và Patricia Jones sau 18 năm chia tay.

Jones trở nên suy sụp tinh thần sau phiên xử phúc thẩm nói trên. Tỏ ra khá điềm đạm, Kernott cho biết: “Tôi hài lòng với kết quả này nhưng tôi không hả hê đâu. Cô ấy là mẹ của hai con tôi mà”. Kernott cho rằng khi còn sống chung với Jones, ông đã thể hiện đúng vai trò của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh kể Jones đã “đá” mình sau khi anh phát hiện cô có người tình mới.

“Cô ấy làm như thể tôi đã ruồng bỏ cô ấy rồi quay về đòi chia nhà vậy. Thực tế thì đâu phải thế! Khi sống chung, cô ấy chẳng làm gì cả. Tôi đã chuyển tiền vào tài khoản của cô ấy để cô ấy trả nợ vay cũng như chi tiêu mọi thứ khác. Tôi chỉ lấy lại đúng phần của tôi thôi!” - Kernott phân trần. Kernott cũng không ngần ngại cho biết mình đã có bạn đời mới và đang cần tiền để sửa chữa tổ ấm của hai người.

Phán quyết của cấp phúc thẩm nhận được khá nhiều phản hồi từ dư luận. Vài tờ báo đưa ra lời cảnh báo đối với những cặp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Phân tích vụ án, báo chí cho rằng Jones đã trả giá quá đắt khi mua nhà bằng tiền riêng nhưng lại để “chồng” cùng đứng tên với tư cách là đồng sở hữu, nghĩa là chấp nhận cho “chồng” được sở hữu 50% giá trị tài sản.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực luật gia đình khuyên các cặp sống chung nên cẩn thận từ đầu, xác lập chứng cứ pháp lý rõ ràng đối với tài sản mà họ có để bảo vệ mình nếu có tranh chấp về sau. Bởi một khi đứng tên căn nhà dưới dạng đồng sở hữu thì khi chia tay, mỗi người chỉ được hưởng một nửa bất kể phần đóng góp của mỗi người là bao nhiêu. Nếu một trong hai người chết đi thì người kia tự động được hưởng trọn căn nhà, trừ trường hợp trước khi chết người đó đã lập di chúc để lại tài sản cho một ai khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận rằng sẽ có nhiều người phớt lờ cảnh báo này bởi khi quyết định sống chung, họ không muốn nghĩ mình sẽ chia tay nên không cần thiết phải quá rành mạch về tài sản.

Dại dột cho người dưng đứng tên

Sau phiên xử năm 2010, Jones kháng cáo với lý do cách phân chia 50/50 là không công bằng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận khách quan của luật sư Elizabeth Darlington, các vụ án liên quan đến việc phân chia tài sản giữa những cặp ăn ở với nhau như vợ chồng thường kết thúc với kết quả trái với sự công bằng nói chung. Luật sư Darlington kể khách hàng của mình cũng gặp trường hợp tương tự. Vị khách này đã bán tài sản riêng để lấy tiền và mua một tài sản mới trị giá gần 84.000 bảng Anh, sau đó cũng dại dột để cho người tình mới của mình đứng tên chung trên tài sản. Bởi khi đứng tên chung, các bên xem như đã thỏa thuận phần của mỗi người là 50% giá trị tài sản. Thế nên sau khi chia tay, cô này nhận được phân nửa tài sản mặc dù chẳng đóng góp ngang bằng với anh ta.

Theo luật sư Darlington, trong những vụ kiện này thì phụ nữ thường thiệt thòi nhiều hơn vì quyền sở hữu căn nhà thường đứng tên người đàn ông. Darlington kể một phụ nữ mua căn nhà mới. Muốn tránh xầm xì vì đang xúc tiến thủ tục ly dị với chồng cũ, chị đã để cho người tình đứng tên căn nhà. Sau khi được chia 60.000 bảng Anh từ cuộc hôn nhân trước, chị lại dùng số tiền này để mua một chiếc xe hơi thể thao cho người tình. Hai người chung sống với nhau được 10 năm thì chia tay. Và thật bi thảm, người đàn ông được hưởng trọn toàn bộ giá trị căn nhà.

Yêu vợ mới, đòi chia nhà vợ cũ ảnh 3

Ngoài cô con gái năm nay đã 27 tuổi (trái), Kernott và Jones còn có một con trai 25 tuổi.

Công bằng lên ngôi

Kết quả phiên tòa diễn ra khoảng giữa tháng 11-2011 được khá nhiều người hoan nghênh, đặc biệt là các luật sư. Ai cũng đinh ninh số phận căn nhà đã an bài 50/50 cho Kernott và Jones. Tuy nhiên, tòa án tối cao đã đảo ngược quyết định của cấp phúc thẩm, khôi phục lại quyết định ban đầu của tòa sơ thẩm. Cụ thể, Jones được hưởng 90% giá trị tài sản tranh chấp.

Phán quyết này có ý nghĩa lớn trong việc xác định lại quyền sở hữu tài sản của những cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Vụ án cho thấy mặc dù căn nhà do cả hai người đứng tên nhưng tòa án vẫn có quyền căn cứ vào sự thật khách quan để phân chia công bằng. Luật sư Victoria Francis hài lòng: “Quyết định của tòa án tối cao đã giải tỏa được sự bất công đang tồn tại trong pháp luật hiện hành liên quan đến những người sống chung như vợ chồng”.

Luật sư Alison Hawes nói thêm: Các đồng sở hữu thỏa thuận bằng văn bản về phần đóng góp đối với tài sản chung. Sau đó một bên phá giao kèo, ví dụ không đóng tiền trả nợ để giải chấp căn nhà (như trường hợp Kernott). Như vậy, sẽ rất bất công nếu tòa án cứ một mực căn cứ vào tờ giấy ghi nhận nội dung thỏa thuận ban đầu của các bên để phán quyết phần sở hữu của mỗi người.

Sau phiên xử của tòa án tối cao, Kernott cho biết anh chấp nhận phán quyết này và thôi tranh chấp. “Tôi chưa bao giờ muốn được hưởng tới 50% giá trị tài sản. Tôi nghĩ 25% là công bằng với những gì tôi đã đóng góp đối với tài sản chung” - Kernott nuối tiếc.

Dầu vậy, Kernott vẫn phân trần: “Khi sống chung với Jones, tôi phải trả tiền cho mọi thứ. Tôi tân trang, sơn phết căn nhà. Tôi yêu gia đình tôi. Tôi không muốn ra đi nhưng tôi cũng không thể ở lại. Thật là một ngày buồn khi tôi phải ra đi trong tình huống này và dường như pháp luật luôn đứng về phía người phụ nữ”.

(Theo The Guardian)

HOÀNG GIA KHANG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm