Mang tranh gáo dừa vào đại lễ

Đưa tranh gáo dừa vào đại lễ Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội là ý tưởng khá táo bạo của họa sĩ trẻ Võ Quý Quốc. Ấp ủ dự án từ đầu năm 2009, được UBND TP Hà Nội và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long phê duyệt vào tháng 11-2009, Võ Quý Quốc bắt đầu những công đoạn đầu tiên. Những ngày này, anh cùng các đồng sự tại Công ty TNHH MTV Hạc Thiên Việt đang trong những chuỗi ngày vất vả chuẩn bị cho dự án.

Mang tranh gáo dừa vào đại lễ ảnh 1

Võ Quý Quốc lập kỷ lục với bức tranh gáo dừa dài nhất Việt Nam. Ảnh: QUANG NGỌC

Tác phẩm độc đáo từ gáo dừa

Dự án bao gồm một bức tranh mang tên Ngàn năm Thăng Long và bộ sưu tập 20 bộ áo dài truyền thống. Tất cả đều làm bằng chất liệu gáo dừa dân dã.

Với kích thước khổng lồ 10 m x 10 m, bức tranh gáo dừa Ngàn năm Thăng Long lấy ý tưởng 1.000 năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội, từ một Thăng Long thời vua Lý Thái Tổ đọc chiếu dời đô đến một Hà Nội hiện đại hôm nay. Bức tranh tái hiện một cách ước lệ những bước phát triển rực rỡ của Thăng Long-Hà Nội qua các triều đại lịch sử và những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đầu bức tranh là hình ảnh vua Lý Thái Tổ ngự thuyền rồng, trên tay cầm bức chiếu dời đô, quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư xuống thành Đại La, sau đổi tên là thành Thăng Long. Giây phút lịch sử đó là bước mở đầu những trang vàng của thành Thăng Long-Hà Nội trong suốt 1.000 năm phát triển hưng thịnh.

Mang tranh gáo dừa vào đại lễ ảnh 2

Mang tranh gáo dừa vào đại lễ ảnh 3

 Phác thảo bộ sưu tập 20 chiếc áo dài Ngàn năm Thăng Long. Ảnh: QUANG NGỌC

Bằng thủ pháp họa tranh theo lối đồng hiện, bức tranh tái hiện hình ảnh bản đồ Việt Nam cong cong hình chữ S và 20 danh thắng của thủ đô. Những cái tên làm nên linh hồn của thủ đô ngàn năm văn hiến như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, tháp Bút, Văn Miếu Quốc tử giám... được tái hiện bằng chất liệu gáo dừa dân dã. Điểm nổi bật nhất bức tranh là hình ảnh rồng thiêng bay lượn, đầu hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi đây, 65 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Song song với bức tranh Ngàn năm Thăng Long, Võ Quý Quốc phối hợp với nhà thiết kế Nhật Dũng thực hiện bộ sưu tập 20 bộ áo dài truyền thống cũng bằng chất liệu gáo dừa được gắn lên vải nhung đen. Ý tưởng này khá táo bạo và mới lạ. Bởi thời trang đòi hỏi sự mềm mại, nhưng chất liệu Quý chọn lại rất thô cứng. “Bộ sưu tập tái hiện 20 danh thắng của Thăng Long-Hà Nội, mỗi danh thắng sẽ được phác họa trên một bộ áo dài. Điểm đặc biệt là cứ 10 áo dài gắn kết lại sẽ tạo nên hình ảnh của một con rồng đang cưỡi mây bay lên, thể hiện sự phát triển hưng thịnh của Thăng Long-Hà Nội suốt 1.000 năm lịch sử” - Quốc chia sẻ.

Mang tranh gáo dừa vào đại lễ ảnh 4

Phác thảo bức tranh Ngàn năm Thăng Long. Ảnh: QUANG NGỌC

Ráo riết thực hiện

Hiện tại, Võ Quý Quốc rất bận rộn với việc hoàn chỉnh phác thảo và thực hiện dự án. Một mình anh chạy ngược chạy xuôi giữa Hà Nội-TP.HCM-Biên Hòa (Đồng Nai), vừa lo cho dự án, vừa đảm bảo cho Công ty TNHH MTV Hạc Thiên Việt của mình không bị ngừng trệ hoạt động.

Theo kế hoạch, bức tranh Ngàn năm Thăng Long sẽ được lắp ghép trong ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9-2010. Riêng bộ sưu tập áo dài bằng tranh gáo dừa được tiến hành chậm hơn. Các khâu phác thảo trên vải, xử lý vật liệu và gắn kết gáo dừa được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9-2010. Với kinh phí dự trù lên đến 4,5 tỉ đồng, hiện Quốc vẫn tìm kiếm tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp để có kinh phí nuôi lớn dự án mang đầy tính lịch sử này.

Mang tranh gáo dừa vào đại lễ ảnh 5

Tác phẩm "Một cõi đi về" bằng gáo dừa của Võ Quý Quốc. Ảnh: ST

Đằng sau nét “ngông” rất cá tính của một họa sĩ, nét táo bạo của một giám đốc, Võ Quý Quốc còn là một thanh niên mang nhiều trăn trở. Từ ấp ủ ý tưởng đến khâu thực hiện ý tưởng, không ít lần Quốc gặp khó khăn, có lúc tưởng chừng phải hủy bỏ dự án. Nhưng chính tình yêu với tranh gáo dừa đã giúp anh tiếp tục đứng vững. Quốc tâm sự: “Một khi ý tưởng phác thảo đã được phê duyệt, kế hoạch công việc đã được đưa ra thì tôi và những đồng sự sẽ phải cố gắng hết sức”.

Yêu nét độc đáo của tranh giáo dừa, họa sĩ trẻ này đã kinh qua nhiều nghề để kiếm tiền nuôi đam mê. Không chỉ mong muốn đưa tranh gáo dừa vào đại lễ, Võ Quý Quốc còn muốn quảng bá rộng rãi loại tranh nghệ thuật dân dã này đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Sâu xa hơn, anh mong cả xã hội sẽ cùng chung tay, góp sức gìn giữ loại tranh gáo dừa. Hai lần sáng tạo nên tranh gáo dừa lớn nhất Việt Nam, Võ Quý Quốc không nhằm đạt danh hiệu kỷ lục gia, mà chỉ xuất phát từ những mong muốn đáng trân trọng đó.

Võ Quý Quốc sinh năm 1983 tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tháng 2-2010 vừa qua, anh ra Hà Nội hợp tác cùng bà Đinh Thị Thu Oanh thành lập Công ty TNHH MTV Hạc Thiên Việt. Công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng ứng dụng bằng gáo dừa như nội thất, mặt phẳng trang trí, quà tặng và các mặt hàng ứng dụng khác, đặc biệt nhất vẫn là tranh gáo dừa.

Báo chí trong nước từng hết lời khen ngợi các tác phẩm tranh gáo dừa của Quốc, như Chân dung huyền thoại - Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Việt Nam quê hương tôi, Bài ca kết đoàn… Tháng 3-2010, Quốc tham gia buổi “Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 18” do Trung tâm Sách kỷ lục Vietkings tổ chức. Đôi bàn tay tài hoa và tâm huyết dành cho nghệ thuật tranh gáo dừa của anh đã được tôn vinh khi bức tranh Anh hùng Điện Biên (2,4 m x 10,8 m) giữ kỷ lục là bức tranh gáo dừa dài nhất Việt Nam.

QUANG NGỌC

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm