Mười tám tuổi, tôi xách một chiếc va-ly nhỏ đựng vài bộ áo quần, một tấm bằng tú tài, một cây đàn violon, đi về phương Nam. Tôi không đi tìm công danh qua con đường đại học. Tôi đi là bởi tôi lỡ say mê hồn tính lãng mạn phương Nam trong Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Ông Viễn Châu viết Tình anh bán chiếu cũng có cái lãng mạn say đắm như Thôi Hộ đời Đường viết bài thơ Đề tích sở kiến xứ (Viết tại nơi đã trông thấy ngày xưa).
Ngày 23-10-1970, tôi đặt chân lên xứ Bạc Liêu. Ba mươi chín năm qua, tôi thấy mình thật may mắn khi được đến vùng đất này. Bởi Bạc Liêu là cái nôi của Dạ cổ hoài lang - bài ca đúc kết trọn vẹn chất oán tươi đẹp của âm nhạc phương Nam. Bởi Bạc Liêu là quê hương mà người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang vào đúng ngày rằm tháng Tám âm lịch năm 1919. Ca khúc tràn đầy những suy tưởng triết học về tình yêu và sự xa biệt. Và bởi Dạ cổ hoài lang là bản gốc, được phát triển qua thời gian thành bài ca vọng cổ.
Bản ký âm lại Dạ cổ hoài lang
Tôi đã học thanh nhạc Tây phương với các nhạc cụ định âm. Về đến Bạc Liêu, tôi may mắn tiếp cận với một nguồn nhạc mới của Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Líu, U; với những loại nhạc cụ dân tộc bán định âm. Tâm hồn tôi bị cuốn hút bởi những nốt nhấn chơi vơi trên phím đàn, với tiếng ca đổ hột ngân dài lãng đãng cho âm thanh phát ra lơ lửng ¼, 1/8 và thậm chí là 1/16 của toàn âm (ton) so với thanh nhạc Tây phương.
Tôi đến với những ban đờn ca tài tử, nghe các anh chị đờn ca. Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thẩm thấu vào tâm hồn tôi. Giai điệu (mélodie) và các quãng âm (intervaux) của Dạ cổ hoài lang đẹp đến não nùng. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thay đổi âm giai cho bài ca, khử hẳn tính đơn điệu vốn rất dễ gặp trong dân ca nhạc cổ. Dạ cổ hoài lang đúng là một tác phẩm kinh điển. Tôi nghĩ phải ký âm lại bài ca với thanh nhạc Tây phương theo cung Mi mineur (tương đương với giọng đào ca bài vọng cổ) để người yêu nhạc có thể chơi với nhạc cụ Tây phương và thấy được cái tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Năm 1999, tôi trở lại Bạc Liêu, được nghe các nghệ nhân Bạc Liêu ca lại bài Dạ cổ hoài lang. Theo yêu cầu của địa phương, tôi ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang. Mỗi người hát một cách khác nhau, có khác biệt về cao độ và chữ dùng trong câu. Tôi đối chiếu, lựa chọn và cuối cùng, tôi chọn ca từ và đối chiếu thanh nhạc theo đúng di bản cổ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Tôi đưa bài Dạ cổ hoài lang (ký âm lại) cho nhạc sĩ hòa âm bằng nhạc cụ Tây phương. Sau đó, Hương Lan và Hạnh Nguyên hát như một ca khúc độc lập (không liên hệ đến sân khấu cải lương). Khán giả các tỉnh phía Bắc đều rất yêu bài hát này. Và tôi đưa Dạ cổ hoài lang vào karaoke để tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận, mong bài hát khỏi thất truyền.
Dạ cổ hoài lang là một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của đất Bạc Liêu. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu từ Long An xuống đất Bạc Liêu đã để lại cho ngàn sau bài ca ấy. Tôi là người Quảng Nam đến xứ Bạc Liêu lập nghiệp, chỉ mong theo gót người xưa, để lại cho Bạc Liêu một vài giá trị văn hóa nho nhỏ.
Phát triển không khí lãng mạn của Dạ cổ hoài lang, tôi viết những ca khúc mới Điệu buồn phương Nam, Trở lại Bạc Liêu và Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang để dâng tặng nhân dân Bạc Liêu và nhân dân Nam bộ. Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang được công nhận là một bản tình ca độc đáo, giai điệu và ca từ đẹp. Mọi người Việt trên toàn thế giới đều có thể vào mạng Google nghe các ca khúc này để hiểu tâm hồn Bạc Liêu, tình yêu Bạc Liêu.
Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tạo thêm nguồn cảm hứng khi tôi viết những bài tình ca về phương Nam. Phía sau từng lời ca vẫn lấp lánh hình tượng tươi đẹp, trong sáng của cô gái phương Nam mà én nhạn không bao giờ có thể hiệp đôi!
Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng người;
Thuở ấy thanh xuân,
Trăng Gành Hào tròn như chiếc gương;
Giờ tóc pha sương,
Qua Gành Hào tiếc một vừng trăng.
Lên sân khấu, mỗi nghệ sĩ cải lương ca Dạ cổ hoài lang theo cách riêng của họ, khác nhau về ca từ, về thanh nhạc. Nhưng âm nhạc là một nghệ thuật quy ước, không thể chấp nhận tình trạng ấy. Muốn con cháu chúng ta cùng giữ gìn, trân trọng Dạ cổ hoài lang thì không có cách nào hơn là Bạc Liêu phải công bố một bản Dạ cổ hoài lang chuẩn ký âm với thanh nhạc Tây phương, được in ra và được post lên mạng. Ca từ phải được dịch ra tiếng nước ngoài để phục vụ cho những người nghiên cứu văn hóa. Chúng ta phải làm cho bốn chữ Dạ cổ hoài lang trở thành thương hiệu của đất Bạc Liêu - một thương hiệu hết sức văn hóa mà chỉ có Bạc Liêu mới có được.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)