Ngư dân bất chấp Trung Quốc ngược ngạo

Cùng với việc “xua” hàng chục tàu cá xuống vùng biển Trường Sa đánh bắt, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày mai, 16-5. Đây là những hành động có tính hệ thống nhằm “gặm nhấm” biển Đông bằng con đường dân sự, một bước đi hết sức nguy hiểm để tiến tới mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, nói cần hết sức lưu ý lực lượng tàu cá của Trung Quốc. “Họ rất thiện chiến, có thể đi đến tận các vùng biển ở Nam Mỹ, thậm chí tới Nam Cực để đánh bắt cá. Mặc dù biển Đông không phải là ngư trường truyền thống nhưng với sự hỗ trợ của các lực lượng tàu chấp pháp, ngư dân Trung Quốc sẽ không ngại khi đụng độ với tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển truyền thống của mình”.

Chiến lược “gặm nhấm” biển Đông của Trung Quốc

Đi sâu vào ý đồ bên trong của hành động trên, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm phân tích tiếp: “Trung Quốc đang muốn sử dụng lực lượng tàu cá ngư dân để tiếm quyền dần dần trên biển Đông bằng con đường dân sự. Trung Quốc nhìn thấy được ý nghĩa quan trọng trong việc để ngư dân nước họ hiện diện trên biển Đông trong chiến lược thực hiện mưu đồ của họ. Và họ biết chắc các nước sẽ không dễ ứng xử khi cứ gặm nhấm theo kiểu như thế này”.

Đặt vấn đề tàu cá trong chuỗi các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói: “Không chỉ là hành động xua tàu cá xuống biển Đông trong thời gian gần đây, tất cả sự kiện diễn ra từ năm 2007 mà khởi đầu là việc thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” (đơn vị hành chính bao gồm cả Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam) là một phần trong chiến lược thôn tính biển Đông của Trung Quốc”.

Ngư dân bất chấp Trung Quốc ngược ngạo ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với ngư dân Quảng Nam trong chuyến thăm chiều 14-4. Ảnh: TTO

Theo ông Đinh Kim Phúc, chiến lược xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc (không chỉ riêng đối với Việt Nam) có thể tóm lược trong phương châm biến không thành có. Chiến lược này thường được thực hiện qua ba bước như sau: Bước 1, biến một khu vực lãnh thổ, lãnh hải của nước khác, hoàn toàn không có tranh chấp thành một khu vực đang có tranh chấp (trong đó Trung Quốc là một bên tranh chấp). Bước 2, gây áp lực (nếu có thể, có cớ sẽ dùng bạo lực) đối với quốc gia láng giềng nhỏ và yếu thế hơn. Bước 3, đàm phán và trong đàm phán sẽ áp dụng nhuần nhuyễn quan điểm của Đặng Tiểu Bình “Chủ quyền thuộc ngã - Gác lại tranh chấp - Cùng nhau khai thác”. Từ đó, Trung Quốc sẽ phát huy cái gọi là “chính nghĩa” của mình. Và dĩ nhiên Trung Quốc sẽ biến không thành có và chiếm được một phần dưới danh nghĩa là “nhường” cho nước nhỏ!

“Tất cả những động thái đó cho thấy rằng cuối cùng Trung Quốc muốn ôm trọn biển Đông ở phương Nam hay những hòn đảo, đá… ở biển Hoa Đông như Senkaku và mới đây là Okinawa (Nhật Bản). Đó là những bước đi của chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu” - ông Phúc rút kết.

Ngư dân - cột mốc sống chủ quyền trên biển

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói để đối phó trước mưu đồ dùng tàu cá xâm lấn trên biển Đông cũng như lệnh cấm đánh bắt cá kỳ dị của Trung Quốc, chúng ta cần một đối sách khéo léo nhưng kiên quyết. Trong đó việc đầu tiên phải làm là tiếp tục hỗ trợ và có biện pháp bảo vệ ngư dân của Việt Nam tiếp tục ra khơi, đánh bắt trên những ngư trường truyền thống của mình.

“Biển Đông luôn nằm trong tiềm thức của ngư dân Việt Nam. Họ mưu sinh ở đó, chết cũng ở đó, họ dũng cảm bám biển làm ăn từ đời này qua đời khác, lớp này qua lớp khác. Biển Đông chưa bao giờ vắng bóng ngư dân Việt Nam ta. Vì vậy ta phải làm sao để động viên, giữ vững khí thế đó, để lá cờ của Tổ quốc luôn phấp phới trên những con tàu của ngư dân ta trên biển Đông” - Chuẩn đô đốc nói.

Phải có đội trực thăng cấp cứu

Muốn thế, chúng ta phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân như cho vay với lãi suất thấp nhất để bà con đóng tàu thuyền và trang bị các phương tiện hiện đại hơn khi ra khơi. Thậm chí nên có chế độ giá riêng đối với ngư dân; kết nối thông tin với các cơ quan chức năng để bảo vệ họ trước thiên tai, địch họa. Cùng đó, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng khác cũng phải tham gia bảo vệ ngư dân, nhất là đối với công tác tìm kiếm cứu vớt những người bị nạn trên biển. Hiện nay bà con bị nạn trên biển, chủ yếu được cấp cứu trên ở các trạm xá trên các đảo. “Đã đến lúc phải có đội trực thăng cấp cứu để giúp ngư dân bị nạn trên biển nhằm hỗ trợ bà con kịp thời hơn. Hay như tàu bệnh viện trên biển là vô cùng cần thiết” - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đề xuất.

Trước khả năng đụng độ với những đội tàu đánh cá xâm lấn xuống biển Đông từ phía Trung Quốc, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói: “Ngư dân ta không ngán ngại đâu, vì đây là ngư trường quen thuộc và truyền thống thuộc về bà con ta lâu rồi. Quy luật tự nhiên họ nắm rất kỹ”. Nếu ngư dân Trung Quốc đánh bắt đúng luật thì hòa hảo, còn họ quá quắt, dưới sự xúi giục của thế lực nào đó mà làm liều thì các lực lượng chức năng của Việt Nam (kiểm ngư, cảnh sát biển) cùng với ngư dân ngăn chặn một cách có lý lẽ. Đồng thời, ta phải phơi bày những chứng cứ xâm phạm, những hành vi thô bạo từ phía Trung Quốc cho dư luận quốc tế rõ. Mặt khác, các lực lượng trên biển của ta cũng phải có những tuyên bố cụ thể, mạnh mẽ để bảo vệ bà con trên vùng biển chủ quyền nhằm tạo niềm tin vững chắc để bà con ra khơi”.

Biển của ta thì ngư dân ta cứ đánh bắt!

Về hành động áp đặt đơn phương lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc phân tích: “Việc bảo vệ tài nguyên biển như là cấm đánh bắt cá trong một thời gian nhất định, cấm tàn phá san hô, đổ chất thải phá hoại môi trường biển… thì bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều làm và nó chỉ có giá trị trong lãnh thổ, lãnh hải của chính quốc gia đó. Đằng này Trung Quốc lại đơn phương áp đặt lệnh cấm trên vùng biển không phải của họ, cấm trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước lân cận. Việc làm này rõ ràng là ngược ngạo, vô lý. Thử hỏi Trung Quốc làm thế là muốn gì? Phải chăng ý đồ này của Bắc Kinh nhằm góp phần minh họa cho việc đòi chủ quyền trên biển Đông bằng bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp; để “trình diễn” tư tưởng bá quyền của nước lớn?”.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt, việc ngư dân Việt Nam đụng độ với các tàu hải giám, kiểm ngư của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. “Nhưng biển của ta, ngư trường của ta thì ta cứ ra khơi đánh bắt. Đụng độ ư? Nhà nước không bao giờ để bà con ngư dân đơn độc trên chính vùng biển chủ quyền của đất nước mình”.

“Tôi nghĩ Trung Quốc không làm càn được khi chống lại quy luật thiên nhiên, chống lại luật pháp quốc tế. Nếu còn “cố đấm ăn xôi” như thế thì chính họ sẽ bị đào thải” - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.

Coi chừng nguyên tắc "quieta non movere"!

Dẫn bài viết mới đây của tác giả Thái Văn Cầu, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng: "Trong giải quyết tranh chấp giữa hai nước, Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice - ICJ) vẫn sử dụng nguyên tắc "quieta non movere" hay "không làm xáo trộn sự ổn định". Theo nguyên tắc này, ICJ có thể đưa phán xét thuận lợi cho nước đang chiếm giữ một vùng đất, vùng biển, dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng nhưng có hành xử thích hợp trong một thời gian lâu dài". Và "Việt Nam nên nhận thức rằng: Việc Trung Quốc khẩn trương thành lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý Hoàng Sa - Trường Sa, tổ chức du lịch ở Hoàng Sa, v.v… là đi sát với nguyên tắc "quieta non movere", nhằm chứng minh với thế giới Trung Quốc đang hành xử chủ quyền "một cách hòa bình" đối với các đảo vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam cho đến khi bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1956 và chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974 và năm 1988".

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm