Người cha của 32 người điên

Ngôi nhà ấy nằm dưới chân núi Hàm Rồng (còn gọi là núi Chư H’Drông) ở làng Ia Rốc, xã Chư H’Drông (TP Pleiku, Gia Lai). Về đây, 32 con người điên loạn, từng gieo bao nỗi kinh hoàng cho người thân, ruột thịt, xóm giềng bỗng trở nên hiền lành, biết cư xử như người bình thường. Dường như tình cảm yêu thương, đùm bọc của vợ chồng anh Hà Tư Phước (46 tuổi) đã cảm hóa và thức tỉnh phần lương thiện trong họ. Đáp lại, họ đã gọi hai kẻ cưu mang mình là “ba Phước”, “mẹ Hạt” như gọi đấng sinh thành.

“Không cầm lòng!”

Cách đây khoảng 10 năm, trong một lần chạy xe chở hàng thuê đến huyện Chư Prông (Gia Lai), anh Phước bất ngờ gặp cảnh một người bị cùm tay chân đang bị gia đình nhốt trong cũi sắt, sắc mặt điên dại. Thấy anh đến gần, người này gầm rú như con mãnh thú, muốn xông vào ăn tươi nuốt sống anh.

Hình ảnh ấy cứ ám ảnh anh suốt bao ngày. Mỗi lần chở hàng đi qua, anh lại ghé vào thăm và cho ít quà. Người đàn ông ú ớ như muốn nói điều gì. Dần dà, anh ta dường như có cảm tình với anh Phước, không còn hung hãn nữa. Sau khi được gia đình đồng ý, anh Phước đã cho Nam (tên người thanh niên) lên thùng xe tải chở về nhà. Sợ Nam bất ngờ nhảy xuống đường, anh phải cẩn thận lấy dây xích thường ngày vẫn xích Nam để buộc Nam vào thành xe.

Nhưng ngày đầu tiên đưa Nam về nhà, vợ anh - chị Huỳnh Thị Hạt đã phản ứng dữ dội. “Vợ tôi bảo nhà chật hẹp, ọp ẹp thế này mà nuôi thêm người, lại là người điên thì vợ chồng con cái và mẹ già thương tật ở đâu… Tôi cố thuyết phục vợ, rằng nhìn họ ngây dại, cười cười, nói nói, đập phá vô thức… tôi không cầm lòng được. Nghe ra, vợ tôi cũng xiêu lòng…”.

Người cha của 32 người điên ảnh 1

Anh Phước (bên phải) và căn nhà xiêu vẹo phía sau, nơi cả nhà anh đang ở.

Nhưng rồi không chỉ một mà lần lượt có thêm nhiều người như Nam hiện diện trong ngôi nhà giàu lòng nhân ái này. Có người do anh Phước đưa về, có người do gia đình người ta tự đưa đến, cũng có người thiên hạ gặp ngoài đường và chở đến vì nghe tiếng anh Phước. Như trường hợp anh Phan Văn Tài (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) được người cha đưa đến đây, mới đó mà đã hai năm rồi.

Mới đây nhất là ông Ba Trị (huyện Chư Păh, Gia Lai) có người con tâm thần khi lên cơn rất hung dữ, từng đánh cả cha, đốt nhà và đập mộ ở nghĩa trang. Hàng chục người đến bắt nhưng đành chịu thua, bởi trong tay người ấy là hai cây dao dài, anh ta bảo ai đến gần là chém chết. Vậy mà khi về với anh Phước, Nam đã không còn hung hãn như trước đây nữa.

Sau mấy năm sống trong vòng tay yêu thương của vợ chồng anh Phước, Nam đã dần trở lại bình thường, hiện đã “hồi gia” về với gia đình. “Cha Nam vẫn thường gọi điện thoại cảm ơn vợ chồng tôi và thông báo tình hình Nam. Bà xã tôi giờ không còn cằn nhằn tôi nữa” - anh Phước cười hiền.

Chăm lo cho cả đại gia đình đặc biệt

Để có chỗ yên ấm cho hàng chục con người tá túc, anh Phước vay mượn gần 100 triệu đồng xây một căn nhà, xung quanh phải bao bọc hoàn toàn bằng sắt thép. “Số nợ đó phải mất hai năm trời mới trả hết” - anh Phước nói. Cách đây gần một năm, từ số tiền do các nhà hảo tâm đóng góp, anh lại xây thêm một căn nhà mới khá khang trang, trị giá gần 180 triệu đồng. Rồi anh mua sắm giường tầng giống như giường sinh viên, làm lại hệ thống điện, nước để cải thiện nơi ăn chốn ở cho cả 32 con người.

Tương phản với căn nhà khang trang nói trên là căn nhà chật chội và ọp ẹp, nơi vợ chồng anh cùng người mẹ già và hai đứa con vẫn đang ở. Chị Hạt vợ anh có lúc hờn giận bảo chồng: “Hay anh qua đó ở luôn với họ đi!”. Anh Phước bảo vợ mình nói vậy thôi chứ “bà xã tôi có tính thương người dữ lắm”.

Người cha của 32 người điên ảnh 2

Bên trong những con người tuổi tác trưởng thành này là những tâm tính trẻ thơ rất đáng thương. Trong ảnh: Các thành viên gia đình đang xung phong hát.

Mỗi ngày chị Hạt phải nấu cơm từ 20 đến 25 kg gạo cho hai bữa ăn trưa, chiều; buổi sáng thường thì chị nấu cho mỗi người một gói mì lót dạ. Lúc chúng tôi đến, chị Hạt đang lúi húi lo bữa cơm trưa cho cả đại gia đình. Hầu hết các công đoạn nấu nướng đều do tự tay chị đảm đang, một số người tỉnh táo cũng phụ giúp chị…

Trong số 32 thành viên ở đây hiện vẫn còn gần 10 người đôi chân bị xích. “Thuần nhiều lắm rồi nhưng khi lên cơn họ vẫn còn hung dữ khiếp lắm. Để tránh nguy hiểm cho người khác và không để họ đi xa, dễ bị lạc, tôi đành phải làm thế, dù trong lòng rất xót xa” - anh Phước cho biết.

Nhà mới được xây dựng, nền lát bằng gạch men, vậy mà từ trên giường tầng anh Bơ Ze vẫn nhảy ùm xuống, làm nền nhà bị lún và bốn viên gạch bị vỡ. Vừa thấy chúng tôi, anh Bơ Ze vội kéo tuột hết áo lên như khoe “chiến tích” trên người. Cứ mỗi lần lên cơn, Bơ Ze lại lấy điếu thuốc đang cháy châm vào da thịt mình, gây ra nhiều vết sẹo trên người.

Tương tự, người giữ kỷ lục đập phá hơn 10 căn nhà của bà con trong làng chính là anh Đinh Nhơn. Anh cũng là người có “sở thích” lấp giếng, hễ thấy giếng nước là tìm mọi cách lấp cho bằng được. Gia đình không chịu nổi sự phá phách, hung dữ của Nhơn nên cùm cả tay, chân rồi nhốt vào cũi sắt nhưng sơ hở là quậy phá tưng bừng. Từ ngày ở với anh Phước, Nhơn trở nên hiền từ, đằm tính và không còn phá phách nữa…

Người cha của 32 người điên ảnh 3

Anh Quang - một trong số ít người biết làm lụng, đỡ đần chuyện nhà, người biết hát tiếng Anh. Ảnh: NGỌK LINH

Sức mạnh của lòng nhân ái

“Đa số anh em đều thích nghe nói ngọt, thích được khen, nếu họ làm được việc gì tốt mình động viên kịp thời thì họ vui lắm!” - anh Phước tâm sự. Nhiều người khi ở với gia đình thì rất hung dữ, phá phách nhưng khi đến đây một thời gian thì lại trở nên hiền khô.

Một thanh niên chừng 20 tuổi, tên Võ Tấn Duy, được anh Phước giới thiệu là “tổng quản” ở đây do còn khá tỉnh táo. Duy chính là người giúp vợ chồng anh Phước hướng dẫn mọi người tự giặt quần áo, vệ sinh thân thể, ăn cơm, đi ngủ đúng giờ… Ai hỏi chuyện Duy đều nói: “Không về nhà nữa đâu, ở lại đây với ba Phước thôi”.

Sau bữa cơm trưa, anh Trần Đình Trung đã biết lấy chổi quét sân, còn bốn người khác đi chăn bò. Anh Phước bảo đi cho có vậy thôi để kẻ trộm còn chờn chứ toàn bộ bò đều phải lấy dây thừng buộc lại vì họ chưa thể chăn được. Sau một lúc trời tạnh mưa, anh Quang vác một bó cỏ về bỏ vào chuồng bò. “Khi còn ở với gia đình, Quang thường lên cơn điên, hung hãn lắm, từng vác dao chém người cha ba nhát. Về đây, Quang tỏ ra hiền lành, tốt tính. Nhiều người ở đây thì hiền lành nhưng khi gia đình đón về được mấy bữa lại quậy phá tưng bừng. Có người nghi ngờ mình có thuốc bùa ngải hay bí quyết chi đó. Thiệt tình mình có bí quyết gì ngoài tình yêu thương thật lòng với họ đâu!”.

Anh Phước kể có lần anh cũng đã “giải thể”, cho anh em “hồi gia” vì có người yêu cầu thủ tục, giấy má này nọ. “Nhưng được mấy bữa họ lại lục tục quay về. Chắc là mình có duyên phận với họ rồi, không dứt ra được nữa”.

▲▲▲

Trò chuyện, tôi hỏi có ai xung phong hát không. Thế là nhiều cánh tay cùng lúc giơ lên. Cuối cùng, tất cả thống nhất cùng hát chung một bài tập thể, tiếng vỗ tay vang động cả núi rừng. Sau đó thì nhiều người xung phong hát đơn ca. Và thật ngạc nhiên, anh Quang, người vừa đi cắt cỏ về, đã hát một bài hát tiếng Anh, giọng nghe chẳng đến nỗi nào. Chợt nghĩ biết đâu một ngày không xa Quang cùng nhiều người khác dưới mái nhà này sẽ từ giã tâm tính trẻ thơ để trở lại làm người trưởng thành đúng nghĩa, bình thường.

NGỌK LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm