5 ngày sau thảm họa ở Indonesia: Cơn ác mộng Palu

Số người chết vì thảm họa kép động đất sóng thần ở Sulawesi (Indonesia) liên tục tăng, theo Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa Quốc gia Indonesia chiều tối 2-10 là 1.350 người.

Năm ngày sau thảm họa, chẳng những công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn mà công tác cứu trợ cũng đang rất chậm. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đầu tuần này chỉ đạo mở cửa chấp nhận cứu trợ từ thế giới. Liên minh châu Âu và 10 nước đã lên tiếng giúp đỡ.

Tổng thống Joko Widodo đến Palu ngày 30-9. Ảnh: TWITTER

Tổng thống Joko Widodo đến Palu ngày 30-9. Ảnh: TWITTER

Nước láng giềng Úc nói đã chi 500.000 USD hỗ trợ ngay lập tức, thông qua Hội Chữ thập đỏ Indonesia.

“Úc có chuyên môn và nguồn lực về chuyện này và chúng tôi đang suy nghĩ sẽ làm thế nào phù hợp nhu cầu nhất” - CNN dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 2-10.

Mỹ từ ngày 1-10 đã thông báo chi 100.000 USD hỗ trợ ban đầu. Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ gửi chuyên gia quân đội và một máy bay vận tải đến Indonesia giúp khắc phục thảm họa. Ngày 2-10, 7 tấn hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã tới Jakarta.

Tuy nhiên, hàng cứu trợ của các tổ chức cứu trợ quốc tế và cả của quân đội Indonesia vẫn chưa thể tiếp cận người dân, vì các thách thức khách quan như hạ tầng hư hại, đường sá bị phong tỏa. Các con đường kéo đến Palu - TP có 350.000 dân - vẫn đang bị phong tỏa. Theo CNN, tình hình thực tế tại Palu cho thấy không nhiều hy vọng hàng cứu trợ sẽ đến được nơi này trong vài ngày tới.

Sống sót sau thảm họa, giờ người dân Palu phải đối mặt đói khát. Ảnh: PA

Sống sót sau thảm họa, giờ người dân Palu phải đối mặt đói khát. Ảnh: PA

Tại Palu, tình trạng người sống sót rất đáng ngại khi thực phẩm, nước uống thiếu nghiêm trọng. Dọc các con đường là các biểu ngữ “Chúng tôi cần thực phẩm”, người dân nỗ lực tìm kiếm các thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để tự cứu sống mình. Một quan chức Liên hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế mô tả tình hình ở Palu “như cơn ác mộng”.

Theo CNN, ngày 2-10, hàng trăm người xếp hàng đợi dưới trời nắng nóng tại trạm xăng duy nhất hoạt động ở Palu mong mua được một ít nhiên liệu. Đám đông bu quanh chỉ một nhân viên bơm nhiên liệu duy nhất. Nhân viên này phải vừa nỗ lực giữ tiền trong một tay vừa dùng tay kia bơm nhiên liệu cho khách.

Xếp hàng bên ngoài một trạm xăng ở Palu ngày 2-10. Ảnh: CNN

Xếp hàng bên ngoài một trạm xăng ở Palu ngày 2-10. Ảnh: CNN

Dọc đường phố đầy trẻ em lang thang xin tiền nhưng tiền không còn nhiều ý nghĩa ở Palu lúc này khi gần như không có gì để mua. Mọi dịch vụ thông thường đều không hoạt động. Các cửa hàng hoặc bị phá hủy hoặc đã trống rỗng, thực phẩm vắng bóng.

“Chúng tôi đã không ăn gì ba ngày nay. Chúng tôi chỉ muốn được an toàn” - một phụ nữ thốt lên.

Cướp bóc lan tràn, từng nhóm người sống sót tìm vào các ngôi nhà trống chủ tìm thực phẩm. Ngày 2-10, CNN chứng kiến một nhóm binh sĩ đuổi theo một nhóm người vào lùng sục một cửa hàng tạp hóa.

Người dân đột nhập cướp một nhà kho ở bắc Palu, Trung Sulawesi (Indonesia) ngày 1-10, Ảnh: ANTARA

Người dân đột nhập cướp một nhà kho ở bắc Palu, Trung Sulawesi (Indonesia) ngày 1-10, Ảnh: ANTARA

Hàng ngàn người đang nóng lòng rời khỏi Palu đầy chết chóc và cướp bóc, trong số này có nhiều gia đình có con nhỏ. Họ kéo nhau tới sân bay Palu vạ vật chờ cơ hội được lên máy bay rời Palu.

“Người ta đang cố cướp mọi thứ từ nhà tôi, vì thế tôi cần đưa các con rời khỏi đây… họ đang cố cướp từ chúng tôi” - một phụ nữ Palu nói với CNN trong lúc đang chờ đợi ở sân bay Palu.

Người sống sót tập trung ở sân bay Mutiara Sis Jufri chờ rời khỏi Palu, ngày 1-10. Ảnh: JAKARTA POST

Người sống sót tập trung ở sân bay Mutiara Sis Jufri chờ rời khỏi Palu, ngày 1-10. Ảnh: JAKARTA POST

Hiện chưa có thông tin chính thức về thương vong ở Donggala - cách tâm chấn chỉ 27 km. Tuy nhiên, theo thông tin từ CNN, có hơn 700 ngôi nhà bị chôn vùi do lở đất ở Donggala.

“Chúng tôi có thể thấy thiệt hại rất lớn, đặc biệt ở ven biển, còn rất ít nhà cửa đứng vững, các trụ điện sụp đổ hết” – bà Vanda Lengkong – Giám đốc vùng về Quản ly rủi ro thảm họa của tổ chức Kế hoạch Quốc tế nói với CNN.

Tình hình cứu trợ ở Palu còn thế, không lạ là tình hình ở Donggala và các nơi khác còn tệ hơn. Bà Lengkong cho biết bà chứng kiến cảnh người dân cầu xin thức ăn nước uống trên đường phố Donggala.

Người dân rút nhiên liệu từ một xe tải tại một trạm xăng ở Palu, ngày 30-9. Ảnh: JAKARTA POST

Người dân rút nhiên liệu từ một xe tải tại một trạm xăng ở Palu, ngày 30-9. Ảnh: JAKARTA POST

Tình trạng cướp bóc vì thiếu thực phẩm, nước uống cũng xảy ra nghiêm trọng ở Donggala, theo PA. Người dân ở đây cầu xin Tổng thống Widodo cứu người sống sót đang lả dần vì đói.

“Hãy để ý đến Donggala, ngài Jokowi. Hãy để ý đến Donggala. Có rất nhiều ngôi làng không được chú ý ở đây” – một người dân hét lên trên sóng truyền hình địa phương.

Theo PA, tình hình này đã buộc Thị trưởng Donggala Kasman Lassa phải cho phép người dân có thể lấy thức ăn từ các cửa hàng để cầm cự.

“Mọi người đang đói và họ cần phải ăn sau nhiều ngày liền không được ăn gì. Chúng tôi đã lường trước và cung cấp cho họ ít thực phẩm, gạo nhưng không đủ thiếu gì. Có quá nhiều người ở đây. Vì thế, với tình hình này chúng tôi không thể bắt họ phải chịu đựng thêm nữa” - PA dẫn lời thị trưởng Lassa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm