Các thi thể được chở đến hố chôn tập thể trên ba chiếc xe tải, một nhà báo AFP cho biết. Sau đó được các nhân viên Hội Chữ thập đỏ Indonesia khiêng sắp nằm sát nhau trong một cái hố khổng lồ được đào trên đồi Poboya ở Palu. Ngôi mộ tập thể này có khả năng chôn tới 1.300 nạn nhân, theo AFP.
Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Indonesia mang thi thể nạn nhân đi chôn tập thể tại Palu ngày 1-10. Ảnh: AP
Nhà chức trách đang nỗ lực ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh khi các thi thể có dấu hiệu phân hủy rất nhanh.
Đã bốn ngày trôi qua, nhà chức trách Indonesia dự báo số thương vong sẽ còn tăng cao trong những ngày tới và đang chuẩn bị cho tình huống tệ nhất.
Các thi thể được đặt vào ngôi mộ tập thể chuẩn bị chôn, tại Palu, Trung Sulawesi (Indonesia) ngày 1-10. Ảnh: AFP
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc thì khoảng 191.000 người cần được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo LHQ cảnh báo có khoảng 46.000 trẻ em và 14.000 người già Indonesia đặc biệt cần trợ giúp. Rất nhiều trong số này ở các khu vực không được chính phủ tập trung cứu hộ, cứu trợ.
Tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch ở Palu đang rất nghiêm trọng. Cướp bóc diễn ra khắp nơi, người dân kéo nhau rời đến sân bay chờ rời khỏi Palu.
“Chính phủ, tổng thống có tới đây, nhưng cái chúng tôi thực sự cần là thức ăn và nước uống”- một người dân Palu nói với AFP.
Đáp lại động thái mở cửa nhận trợ giúp của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hàng chục tổ chức cứu trợ quốc tế và tổ chức phi chính phủ đang xếp hàng chờ hỗ trợ, theo AFP.
Indonesia cũng đã tuyên bố 14 ngày khẩn cấp tạo điều kiện khắc phục thảm họa.