Sau thảm họa động đất - sóng thần ở Indonesia, hàng ngàn người sống sót ở Palu đang kéo nhau tìm đường rời khỏi TP này.
Hàng ngàn người ra sân bay chờ rời Palu
Ngay một ngày sau khi thảm họa xảy ra, hàng ngàn người kể cả người nước ngoài kéo nhau đến sân bay Mutiara Sis Al Jufri tìm đường rời khỏi Palu, theo Jakarta Post. Họ lót nệm, giấy bồi nằm bên ngoài sân bay chờ cơ hội rời khỏi Palu.
Người sống sót tập trung ở sân bay Mutiara Sis Jufri chờ rời khỏi Palu, ngày 1-10. Ảnh: JAKARTA POST
Một thai phụ rất kiệt sức vì đói khát, nắng nóng chờ đợi ngoài sân bay. Cô nói cô thấy nản khi thấy các máy bay dù đã dỡ hàng cứu trợ nhưng chờ hoài vẫn không thấy máy bay tiếp cận chở người sống sót đang đói khát rời khỏi Palu.
Mất kiên nhẫn, nhiều người liều mạng đột nhập vào cả đường băng sân bay. Ông Syaeful, một quan chức sân bay cho biết có khoảng 5.000 người chờ bên ngoài sân bay đợi rời khỏi Palu, và “con số tiếp tục tăng”.
Thực phẩm, nước uống khan hiếm
Động đất-sóng thần kéo theo một thảm họa khác khi nhiều người sống sót ở Palu và Donggala, Trung Sulawesi (Indonesia) phải chịu cảnh đói khát.
Một số điểm kinh doanh, như khu chợ truyền thống Masomba đã mở cửa bán lại, có người dân đến chợ mua thực phẩm.
“Tôi mua một ít cá” – nhà báo Ruslan Sangadli của Jakarta Post cũng là người dân Palu cho biết. Tuy nhiên thực phẩm và nước sạch rất khan hiếm.
Người dân xếp hàng chờ nhận nhiên liệu tại một trạm xăng ở Palu, ngày 1-10. Ảnh: JAKARTA POST
Nhà báo của Jakarta Post nhìn thấy người dân chờ nhận nhiên liệu ở một trạm xăng ở Palu hỏi xin nước uống các nhà báo và các quan chức đến từ Jakarta: “Nước uống, nước uống, làm ơn”.
“Tôi chạy đến chỗ một người mẹ hỏi xin nước uống cho con mình: Chỉ một ít thôi, đủ cho con tôi thôi” – nhà báo Hajramurni của Jakarta Post nói.
Cướp bóc khắp nơi
Tình trạng cướp, vơ vét thực phẩm và nhu yếu phẩm diễn ra khắp nơi, trong bối cảnh hàng cứu trợ từ trung ương vẫn nhỏ giọt, theo Jakarta Post.
Tại Palu ngày 1-10, rất đông người dân chịu đói và khát nhiều ngày qua đã phong tỏa một số xe tải chở hàng cứu trợ, cướp hàng bên trong. Tình trạng này cũng xảy ra tại Donggala.
Người dân rút nhiên liệu từ một xe tải tại một trạm xăng ở Palu, ngày 30-9. Ảnh: JAKARTA POST
Tại khu vực phía đông Palu, người sống sót phong tỏa đường chặn xe tải chở thực phẩm cứu trợ. Người dân cũng kéo nhau tới cảng Palu chờ lấy hàng cứu trợ khi tàu chở hàng tới. Cảnh sát cho biết không thể ngăn được đám đông.
Nhiều người còn cố rút nhiên liệu từ các trạm xăng, dù không một trạm xăng nào ở Palu hoạt động kể từ sau thảm họa. Nhiều người dân thậm chí còn cướp hàng hóa ở các cửa hàng tiện lợi trong TP, vì chờ hàng cứu trợ từ chính phủ quá lâu. Có cả trường hợp cướp cả các máy rút tiền và cửa hàng nữ trang.
Cảnh sát được lệnh bắn các trường hợp cướp bóc này, theo Jakarta Post.
“Không có gì biện minh cho việc cướp bóc. Mọi người đều chịu ảnh hưởng như nhau”- Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tjahjo Kumolo nói trên truyền hình ngày 30-9.
Tổng thống Joko Widodo đến Palu ngày 30-9. Ảnh: TWITTER
Trước khi ông Kulomo lên tiếng, có thông tin lan trên mạng rằng chính phủ cho phép cướp bóc các cửa hàng, thiệt hại chính phủ sẽ bồi thường. Tuy nhiên ông Tjahjo bác bỏ, nói chính phủ chỉ duyệt chi tiền cứu trợ cho chính quyền Trung Sulawesi để cung cấp thực phẩm cho người dân.
Đến Palu ngày 30-9, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân kiên nhẫn thêm, cho biết sẽ phải cần đến một tuần để sửa chữa sân bay để máy bay chở hàng cứu trợ có thể hạ cánh an toàn.
“Tôi biết có rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt, và tôi hy vọng mọi người bình tĩnh trong hoàn cảnh này”- ông Widodo nói với báo chí ngày 30-9. Ông cũng cho biết sẽ cho chuyển thực phẩm đến ngay khi điều kiện cho phép.