Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 30-5 thông báo sẽ thay tên gọi Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương - phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Nhằm công nhận sự liên kết ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay chúng tôi đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - Bộ trưởng Mattis phát biểu tại buổi lễ chuyển giao vị trí tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Trân Châu cảng ở Hawaii.
“Đây là bộ chỉ huy chiến đấu hàng đầu của chúng tôi. Bộ chỉ huy này giám sát và gắn kết mật thiết với hơn một nửa diện tích Trái đất và con người trên đó, từ Hollywood, đến Bollywood, từ gấu polar đến chim cánh cụt” - ông Mattis nói.
Bộ trưởng Mattis tại buổi lễ mãn nhiệm tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Đô đốc Harry Harris tại Hawaii ngày 30-5. Ảnh: REUTERS
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, rời khỏi chức vụ ngày 30-5, đang trong quá trình được Thượng viện xem xét làm đại sứ tại Hàn Quốc do chính Tổng thống Donald Trump đề cử. Thay thế Đô đốc Harris là Đô đốc Phillip Davidson, làm tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quản lý khoảng 375.000 quân nhân Mỹ.
CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ cho rằng việc đổi tên là nhằm nói rõ hơn trách nhiệm hoạt động của bộ chỉ huy trải dài qua 36 nước cũng như qua cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Mỹ thời gian gần đây tăng hợp tác với Ấn Độ ở hàng loạt lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng. Cả Mỹ và Ấn Độ đều từng lên tiếng quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở khu vực.
Đô đốc Harry Harris (phải) và Đô đốc Phil Davidson (trái) tại buổi lễ chuyển giao chức vụ tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Trân Châu cảng, Hawaii ngày 30-5. Ảnh: CNN
Bước đi đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông gia tăng quanh chuyện quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc.
Theo Mỹ, vài tháng trước Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không, đài nhiễu âm ra quần đảo Trường Sa ở biển Đông (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trung Quốc gần đây đã lần đầu tiên triển khai một máy bay ném bom H-6K ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Tàu tuần dương USS Antietam được Mỹ triển khai tuần tra biển Đông cuối tuần rồi. Ảnh: REUTERS
Các hành động này đã khiến Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi các nước tham gia cuộc tập trận Vòng tròn Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) mà Mỹ gọi là cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới, với 26 nước tham gia trong đó có một số nước cùng tranh chấp biển Đông với Trung Quốc.
“Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở biển Đông chỉ làm tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực. Chúng tôi quyết định không mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vòng tròn Thái Bình Dương 2018 như một cách phản ứng với đà quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc di dời ngay lập tức các hệ thống quân sự và đảo ngược đà quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở biển Đông” - người phát ngôn Nhà Trắng Chris Logan nói với CNN tuần trước.
Hải quân Mỹ cuối tuần rồi đã triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương USS Antietam tuần tra một số đảo tranh chấp ở biển Đông, trong đó có đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6K.