Theo một báo cáo công bố ngày 18-6 của Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ (FAS), Nga có thể đang cất trữ vũ khí hạt nhân tại một boong-ke ngầm dưới lòng đất mới được cải tạo gần đây ở vùng Kaliningrad, chỉ cách biên giới Ba Lan khoảng 48 km.
Những hình ảnh vệ tinh được FAS công bố cho thấy địa điểm bí mật trên đã được đào năm 2016, cải tạo và che giấu trong những tháng gần đây. Điều này chứng tỏ khu vực có thể sớm được đưa vào hoạt động.
Ảnh vệ tinh trong báo cáo của FAS về hoạt động nâng cấp cơ sở hạt nhân của Nga ở Kaliningrad. Ảnh: Digital Globe
"Động thái nâng cấp mới nhất rõ ràng đang đặt ra câu hỏi về tình trạng hoạt động thực sự của địa điểm này"- Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của FAS, nhận xét.
"Các kết cấu ở khu vực cho thấy nó có thể được sử dụng cho các lực lượng không quân hoặc hải quân Nga. Nhưng cũng có thể đây là địa điểm chung, tích trữ các đầu đạn hạt nhân cho cả không quân, hải quân, lục quân, phòng không và lực lượng phòng thủ bờ biển trong khu vực" - báo cáo của FAS viết.
Phát biểu trên tờ The Guardian, Kristensen nói rằng boong-ke này có đầy đủ các dấu hiệu chứng tỏ đây là địa điểm cất trữ hạt nhân của Nga. Trong quá khứ, khu vực đã từng được cải tạo nhưng chưa lần nào nó lại được nâng cấp "mạnh mẽ" như lần này.
"Có một vòng bảo vệ nhiều lớp, dày đặc phía bên ngoài", Kristensen cho biết thêm. "Bản thân các boong-ke cũng được bảo vệ bởi ba lớp hàng rào. Đây là những đặc điểm rất đặc trưng của tất cả các khu vực cất trữ vũ khí hạt nhân khác của Nga mà chúng tôi từng biết tới".
Hiện chưa rõ liệu Nga đã cất giữ các đầu đạn hạt nhân ở đây hay chưa, hay họ sẽ có kế hoạch thực hiện việc này. Tuy nhiên, những dấu hiệu đề cập ở trên cho thấy boong-ke hiện đang là một địa điểm hoạt động thực sự.
Ông Kristensen cho rằng những động thái mới nhất này chắc chắn sẽ làm gia tăng thêm quan ngại về các hoạt động hạt nhân của Moscow trong khu vực, nhất là ở thời điểm căng thẳng giữa NATO và Nga vẫn chưa hạ nhiệt.
Kaliningrad là một khu vực biệt lập có chủ quyền của Nga trên bờ biển Baltic, là căn cứ của Hạm đội Baltic Nga. Đây cũng là một trong những địa điểm tổ chức World Cup 2018. Điện Kremlin vẫn chưa có phản ứng trước thông tin trên của FSA, nhưng trước đó từng khẳng định có quyền triển khai vũ khí tới nơi này.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga. Ảnh: NI
Căng thẳng ở Đông Âu bùng nổ từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ nước mình năm 2014. Hồi tháng 2 năm nay, các giới chức Mỹ và châu Âu bày tỏ quan ngại trước việc Nga quân sự hóa vùng Baltic sau khi điện Kremlin triển khai tên lửa mới Iskander – có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường với tầm bắn 500 km- tới Kaliningrad, theo CNN.
Một quan chức quốc phòng Mỹ khi đó nhấn mạnh việc Nga bố trí tên lửa vào thời điểm này là “động thái lớn nhất chúng tôi từng thấy”.
Một tháng sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ một loại tên lửa “bất khả chiến bại” mà ông tuyên bố sẽ khiến hệ thống phòng thủ của NATO “hoàn toàn vô dụng”.
"Tôi muốn nói với những ai đang cố gắng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong 15 năm qua, cố gắng giành lợi thế đơn phương trước Nga và cố gắng áp đặt các lệnh trừng phạt và cấm vận Nga rằng, những nỗi lực kiểm soát Nga của họ đã thất bại"- ông Putin tuyên bố mạnh mẽ hồi tháng 3-2018 trong bài phát biểu thông điệp liên bang.
Trong một đánh giá thường niên trước Duma Quốc gia (hạ viện của Quốc hội liên bang Nga), ông chủ điện Kremlin cho hay kho vũ khí mới của Moscow được triển khai để đối phó những động thái ở Washington.