Chủ đề chính trong chương trình nghị sự là mối đe dọa ngày càng tăng của Nga đối với châu Âu. Theo đó, các bộ trưởng Quốc phòng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông báo kế hoạch 30-30-30-30, yêu cầu NATO có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội máy bay chiến đấu và 30 tàu hải quân như tàu khu trục, sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi được cảnh báo. Kế hoạch không nêu chi tiết số binh sĩ cụ thể hoặc thời hạn chót thiết lập chiến lược này, theo Newsweek.
Cuộc tập trận Noble Jump của NATO ở Ba Lan năm 2015. Ảnh: AP
“Chúng tôi đã quyết định các bước tiếp theo nhằm tăng cường an ninh chung, đẩy mạnh quốc phòng và ngăn chặn các mối đe dọa từ mọi hướng” - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo giới sau cuộc họp.
Theo Reuters, quân số của các tiểu đoàn NATO có từ 600 đến 1.000 người. Một quan chức Mỹ cho biết sáng kiến này chủ yếu nhằm chống lại Nga và được đưa vào Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Lầu Năm Góc, theo đó cáo buộc Moscow cố tìm cách "phá vỡ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương".
Thông báo trên đưa ra sau các báo cáo cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc ép các đồng minh NATO tăng cường phòng thủ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm năng với Nga, trong đó có bổ sung thêm máy bay và tàu chiến. Các nước NATO cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập hải quân và mô phỏng các cuộc tấn công mạng nhằm chuẩn bị ứng phó nếu Nga tính toán xâm phạm biên giới hàng hải các nước NATO hay tấn công hệ thống mạng.
Xu hướng bài Nga ngày càng gia tăng sau khi nước này can thiệp quân sự trong xung đột Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ mình năm 2014. Kể từ đó, NATO và các đồng minh đặc biệt quan tâm tới cách bảo vệ nước mình trước các đe dọa từ Nga.
Các đồng minh NATO như các quốc gia Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia - tất cả đều có chung biên giới với Nga - đều cực kỳ lo ngại bị Nga tấn công.
Năm ngoái, Nga diễn tập quân sự, mà theo các quan chức phương Tây, cuộc tập trận tập hợp đến 100.000 binh sĩ, tạo ra những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xâm nhập vào các khu vực nói tiếng Nga ở vùng Baltic. Điện Kremlin bác bỏ việc có bất kỳ mục đích nào như vậy và nói rằng chính NATO mới là mối đe dọa an ninh ở khu vực Đông Âu.