Theo Reuters, ngày 30-11, trong một dòng trạng thái đăng trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Đại sứ Trung Quốc, người đã trở về từ Triều Tiên, dường như đã không tác động được gì lên người tên lửa bé nhỏ (ám chỉ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un)”.
Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục: “Thật khó để tin rằng người dân và quân đội của ông ấy có thể chịu nổi cảnh sống trong những điều kiện kinh khủng như vậy. Còn Nga và Trung Quốc đã lên án vụ thử tên lửa”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 8-11. Ảnh: AFP
Phần đầu dòng trạng thái của ông Trump rõ ràng đề cập tới chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Trung Quốc Tống Đào cách đây hai tuần.
Hôm 20-11, phái đoàn đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu là ông Tống Đào đã kết thúc chuyến thăm bốn ngày tại Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề đả động liệu ông Tống đã có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
GS Wang Sheng chuyên về Triều Tiên học tại ĐH Cát Lâm (Trung Quốc) nhận định câu chuyện này đã cho thấy rõ ràng phía Trung Quốc và Triều Tiên vẫn còn bất đồng và không đạt được sự đồng thuận về cách thức giải quyết các vấn đề liên quan tới vũ khí hạt nhân hiện nay.
Dòng trạng thái của ông Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Trump đã kêu gọi ông Tập phải dùng mọi đòn bẩy sẵn có để chấm dứt các hành động khiêu khích của Triều Tiên và buộc nước này quay lại con đường phi hạt nhân hóa.
Tên lửa Hwasong-15 được Triều Tiên phóng rạng sáng 29-11. Ảnh: KCNA
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Mỹ hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Bắc Kinh có thể hành động nhiều hơn để giới hạn lượng dầu xuất sang Triều Tiên.
“Trung Quốc đang hành động nhiều. Nhưng chúng tôi cho rằng họ có thể hành động nhiều hơn liên quan tới dầu mỏ. Thật sự chúng tôi đang yêu cầu họ phải hạn chế hơn nữa lượng dầu xuất sang Triều Tiên chứ không yêu cầu cắt bỏ hoàn toàn” - ông Tillerson nói.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt trở lại sau khi Triều Tiên dừng khiêu khích trong hơn 70 ngày qua. Rạng sáng 29-11, nước này phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng tuyên bố đây là một ICBM mới có tên gọi Hwasong-15, có khả năng tấn công hoàn toàn phần lãnh thổ lục địa Mỹ.
Vụ thử ngày 29-11 của Triều Tiên cũng là một “cú sốc” cho Nga vì Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hôm 27-11 nói rằng Triều Tiên đang có một bước đi đúng hướng trong chuỗi các bước phi hạt nhân hóa mà Moscow và Bắc Kinh đã vẽ ra sau khi tạm dừng khiêu khích trong hơn hai tháng qua.