Vụ Jerusalem: Ông Trump dọa cắt viện trợ ai phản đối Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-12 dọa cắt hỗ trợ tài chính nước nào phản đối Mỹ về vấn đề Jerusalem, bỏ phiếu thuận nghị quyết kêu gọi Mỹ rút quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel trong phiên họp sắp tới của Đại hội đồng LHQ.

“Họ nhận hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ USD và rồi họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng tôi sẽ quan sát những lá phiếu này. Cứ để họ bỏ phiếu chống chúng ta đi. Chúng ta sẽ tiết kiệm được khối tiền” - ông Trump nói với báo chí tại Nhà Trắng, sau cuộc họp nội các ngày 20-12.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với báo chí sau cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

“Tôi thích thông điệp Nikki đã gửi đi ngày hôm qua tại LHQ, đến tất cả các nước đã nhận tiền của chúng ta và rồi bỏ phiếu chống lại chúng ta ở Hội đồng Bảo an (HĐBA) hay có thể sẽ bỏ phiếu chống chúng ta ở Đại hội đồng LHQ” - ông Trump nói thêm về những việc Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã làm ngày 19-12.

193 nước thành viên Đại hội đồng LHQ sẽ mở phiên họp hiếm hoi và khẩn vào ngày 21-12 (giờ Mỹ), theo yêu cầu của các nước Ả Rập và Hồi giáo nhằm bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết do Ai Cập soạn thảo, kêu gọi không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Trước đó, ngày 18-12, dự thảo nghị quyết này đã không qua được cửa HĐBA LHQ dù được sự đồng thuận của 14 nước, vì vướng phiếu phủ quyết của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ viện tới quyền phủ quyết của mình tại LHQ trong hơn sáu năm qua.

Nội các Mỹ họp tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Nội các Mỹ họp tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Không chỉ viện tới quyền phủ quyết, ngày 19-12, bà Haley còn làm áp lực để các nước không phản đối Mỹ tại Đại hội đồng LHQ. Bên cạnh phát ngôn trên Twitter, bà Haley còn gửi email cho hàng chục nước, cảnh cáo ông Trump sẽ đích thân theo dõi vụ bỏ phiếu và Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ.

Reuters dẫn nhận định nhiều nhà ngoại giao cấp cao tại LHQ nói lời cảnh cáo của bà Haley sẽ không thay đổi nhiều kết quả bỏ phiếu. Một nhà ngoại giao cấp cao không nêu tên từ một nước Hồi giáo về lá thư bà Haley cảnh cáo các nước: “Các nước chỉ lựa chọn bắt nạt một khi họ thấy họ không đủ lý lẽ về đạo đức hay pháp lý để thuyết phục người khác”.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây mô tả lá thư bà Haley là một “thủ thuật nghèo nàn” tại LHQ, tuy nhiên sẽ có lợi cho con đường thăng tiến của bà Haley. “Bà ấy sẽ không thể thay đổi được bất kỳ lá phiếu nào tại Đại hội đồng hay HĐBA nhưng sẽ thắng được một vài lá phiếu của người dân Mỹ” -theo nhà ngoại giao này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS

Ngày 20-12, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajcak từ chối bình luận về đe dọa của ông Trump, chỉ nói: “Thể hiện quan điểm là quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên”. Người phát ngôn của Tổng Thư ký HĐBA LHQ Antonio Guterres cũng từ chối bình luận.

Theo số liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), năm 2016 Mỹ cung cấp 13 tỉ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho các nước vùng hạ-Sahara châu Phi, 13 tỉ USD cho Trung Đông và Bắc Phi, 6,7 tỉ USD cho Nam và Trung Á, 2,2 tỉ USD cho các nước Tây bán cầu, 1,5 tỉ USD cho châu Âu, 1,6 tỉ USD cho Đông Á và châu Đại Dương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm