"Hổ lớn" sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình phải kể đến cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TQ, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.Ảnh: wn |
Ông Chu Dung Cơ từng tuyên bố: "Chống tham nhũng hủ bại cần đánh cọp trước, đập sói sau", còn ông Tập Cận Bình thúc giục cuộc chiến từ “hổ” đến “ruồi”.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập bắt đầu vào tháng 12/2012 để "đả hổ đập ruồi" và hiện chưa có dấu hiệu suy giảm. Chiến dịch đã khiến hơn 40 "con hổ" (quan chức cao cấp và giám đốc tập đoàn nhà nước tương đương cấp bộ, cấp tỉnh) sa lưới.
Những con hổ lớn phải kể tới, đó là cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TQ, cũng là cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang; tướng quân đội Từ Tài Hậu. Còn về "ruồi" thì có khoảng 180.000 quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt năm ngoái. Nửa đầu năm nay, khoảng 84.000 quan chức bị kỷ luật.
Sự bền bỉ và mạnh tay của ông Tập cùng đội ngũ đã gây ngạc nhiên. Ban đầu, giới quan sát trong và ngoài nước cho rằng ông chỉ dùng chiến dịch để thanh trừng các đối thủ chính trị cũng như củng cố quyền lực giống như nhiều người tiền nhiệm thường làm. Một số khác lại lập luận ông làm điều này để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thực thi kế hoạch cải tổ.
Ranh giới sống chết
Chiến dịch hiện tại hoàn toàn khác biệt. Mọi dấu hiệu cho thấy, ông Tập cực kỳ nghiêm túc và coi trọng sứ mệnh của mình. Ông tin rằng, tham nhũng trở nên rất sâu rộng, có thể xói mòn, thậm chí làm sụp đổ nhà nước cũng như đảng cầm quyền.
Các cựu lãnh đạo TQ như ông Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo cũng từng cảnh báo nguy cơ tham nhũng, nhưng họ chưa từng đủ can đảm để đối phó với vấn đề này. Thậm chí, bản thân ông Ôn năm ngoái cũng bị "tai tiếng" khi một số tờ báo đề cập tới sự giàu có của gia đình ông.
Về phần mình, ông Tập luôn đề cao chuẩn mực đạo đức và sự mạnh mẽ trong chống tham nhũng. Ông dường như tin tưởng mãnh liệt rằng, nếu không "làm sạch" hệ thống, TQ không thể đạt được cái gọi là "giấc mơ TQ". Trận chiến của ông Tập vẫn tiếp tục diễn ra với vô vàn rào cản. Có một số câu hỏi đã phát sinh.
Đầu tiên, ông sẽ thúc đẩy chiến dịch thế nào? Tham nhũng ở TQ, cũng như ở rất nhiều nước đang phát triển, về cơ bản giống như một "đặc trưng" trong hệ thống. "Ruồi" ở khắp mọi nơi, và ông Tập không thể 'đập" hết chúng mà không làm gián đoạn hay tổn hại hệ thống. Nỗ lực diệt trừ hổ và ruồi của ông có thể cũng gây chấn động cơ cấu quyền lực cơ bản khi xáo trộn sự cân bằng phe phái hiện tại và suy yếu sự thống nhất của đảng cầm quyền.
Vì lý do đó, ông Tập rất có thể phải tìm cơ hội để 'hạ nhiệt' thông qua một số quyết định ân xá ngầm.
Thứ hai, chiến dịch chống quan tham là một sự thừa nhận gián tiếp rằng, tham nhũng tồn tại rất rộng trong đội ngũ quan chức. Nghĩa là, hệ quả của nó đã làm suy yếu hình ảnh đảng cầm quyền cũng như tín nhiệm của chính phủ.
'Trả giá'
Cho đến nay, hầu hết công dân mạng và truyền thông xã hội TQ đều bày tỏ sự tán thành với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Nhưng cuối cùng, thực tế tham nhũng lan tràn có thể từ từ lắng xuống trong suy nghĩ của người dân. Ông Tập có lẽ chưa tính đến chi phí chính trị phát sinh từ chiến dịch này. Đó là làm gia tăng sự hoài nghi của người dân hoặc làm giảm uy tín và quyền lực của đảng cầm quyền.
Thứ ba, chi phí kinh tế của chiến dịch này đã bắt đầu được tính tới.
Có rất nhiều biện pháp chống tham nhũng, lãng phí mà chính phủ TQ đưa ra. Ví dụ như "quy định 8 điểm" đề cập tới việc đi lại, tiếp khách và hàng loạt đặc quyền của quan chức. Quy định khi thực thi đã làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Các cuộc điều tra tham nhũng ở mọi cấp mà Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TƯ TQ tiến hành đã tạo ra tâm lý ngại "lộ mình", sợ "bị săn lùng", phải "tiết chế" trong bộ máy quan liêu, dẫn tới việc các quan chức ngừng hay đình trệ thực thi một số dự án, thậm chí cắt giảm đầu tư trong nước, nhất là với chính quyền địa phương. Tất cả việc này đang kéo lùi nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn TQ đang tăng trưởng chậm.
Đó là cái giá kinh tế về mặt ngắn hạn của chiến dịch này.
Về dài hạn, chiến dịch chống tham nhũng được cho là có lợi cho tất cả. Hiển nhiên là việc loại bỏ tham nhũng sẽ cải thiện đáng kể kỹ năng quản trị công, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình lớn hơn. Tất cả dẫn tới việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tham nhũng là một vấn đề đạo đức rõ ràng không tốt cho bất kỳ quốc gia nào. Nó có hại cho chính trị vì làm xói mòn toàn bộ cơ cấu chính trị và bộ máy. Nó có hại cho xã hội vì làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng thu nhập, khoảng cách giàu nghèo.
Theo Thái An/Vietnamnet (theo straitstimes)