“Hạ bệ” Chu Vĩnh Khang trong bàn cờ đối ngoại của Trung Quốc

“Hạ bệ” Chu Vĩnh Khang trong bàn cờ đối ngoại của Trung Quốc ảnh 1

Trung Quốc đang “mơ giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình
(Nguồn: Reuters).

Lần đầu tiên trong lịch sử Đàng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một Ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị bị đưa ra tòa về tội giết người và tham nhũng. (Theo tờDaily Beast). Sự kiện này đang dấy lên một "nỗi lo sợ" trong hàng ngũ lãnh đạo của ĐCSTQ khi giờ đây không ai là “bất khả xâm phạm”.

Trước những sự kiện ở Bắc Kinh, một số nhà phân tích, đơn cử như ông Joseph A. Bosco, cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, trong một bài viết đăng trên tờ The Diplomat khuyến khích phương Tây ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cho rằng một chính phủ trong sạch và được nhân dân ủng hộ sẽ góp phần thúc đẩy “dân chủ” kiểu phương Tây ở Trung Quốc, giống như những gì từng diễn ra ở Liên Xô với Perestroika của Mikhail Gorbachev. Dĩ nhiên, người hưởng lợi ở đây chính là phương Tây. 

Nhưng hãy xem ông Tập thực sự có nghĩ như vậy?

Nhất tiễn hạ song điêu

Tính đến thời điểm này, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình bắt đầu thu được những thành công nhất định. Hai “con hổ” khét tiếng đã sa lưới bao gồm Bạc Hy Lai (cựu ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trùng Khánh) và Chu Vĩnh Khang (nguyên ủy viên ban thường vụ bộ chính trị lần thứ 17, “ông trùm ngành An ninh”) cùng hàng loạt quan tham nhỏ lẻ khắp Trung Quốc… Không có gì bất ngờ nếu trong thời gian tới ông Tập “trảm” thêm vài “con hổ” nữa.

 Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang – hai “con hổ” lớn đã bị hạ.

 Tuy vậy, nước cờ “đả hổ diệt ruồi” không chỉ đem lại những thành quả về đối nội mà còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hoặc chí ít là thể hiện tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về vị thế của Trung Quốc trong những năm tới đây.

Với đời sống chính trị ở Trung Quốc, khẩu hiệu của một nhà lãnh đạo luôn cho thấy cách nhìn của chính họ đối với con đường tương lai mà quốc gia này sẽ đi. Điển hình là “Thuyết ba đại diện” của Giang Trạch Dân, “Ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và “Trỗi dậy hòa bình” của Hồ Cẩm Đào. Nhưng với “Giấc mơ Trung Hoa” (nghe hấp dẫn hơn nhiều) của ông Tập, người dân Trung Quốc bắt đầu mơ đến thời khắc “con rồng Trung Hoa” thức tỉnh và vẫy vùng.
“Ẩn mình chờ thời” và “trỗi dậy hòa bình” giờ đây đang nhường chỗ cho một giai đoạn mới khi Trung Quốc bắt đầu mạnh dạn phô diễn sức mạnh, chèn ép và gây hấn với không chỉ các quốc gia nhỏ bé hơn mà thậm chí cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Minh chứng cho các động thái trên có thể kể đến vụ lắp đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chiếm đảo Scarborough của Philippines, thiết lập vùng nhận dạng phòng ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản… Cùng hàng loạt các biện pháp kêu gọi kích động chủ nghĩa dân tộc chống Nhật, vẽ bản đồ 9 đoạn khẳng định chủ quyền “vô lý” ở Biển Đông.
Điều này được tin là tác nhân quan trọng nhất khiến thủ tướng Nhật Shinzo Abe thay đổi hiến pháp về “quyền phòng vệ tập thể” như là một lời đáp trả đanh thép trước những hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Tăng cường sức mạnh vì một “giấc mơ Trung Hoa”
Dễ dàng nhận thấy mục đích cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng nằm ở đây: Cải cách và gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa (PLA) những năm gần đây thường bị nghi ngờ có dính dáng đến các hành động nhận hối lộ để thăng tiến và những phi vụ làm ăn phi pháp. Trong một động thái mạnh mẽ thì ông Tập đã cho điều tra và khai trừ khỏi Đảng thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa do nhận hối lộ để giúp các sĩ quan “bất tài” được thăng tiến. Từ Tài Hậu chính là quan chức quân sự cao cấp nhất bị thanh lọc từ thời Mao Trạch Đông. Với ông Tập, Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

Ngay từ những ngày đầu bước lên đỉnh cao quyền lực, ông Tập Cận Bình đã xác định việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc là mục tiêu tối thượng. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ là một căn cứ quân sự, cũng là nơi ông kêu gọi quân lính sẵn sàng cho một “cuộc chiến thực sự”. Ông cũng ngay lập tức nhận ra rằng tệ tham nhũng và nhận hối lộ chính là rào cản lớn nhất trong việc biến PLA thành một quân đội thiện chiến, hiện đại và có thể thực hiện mọi nhiệm vụ, đặc biệt là với hải quân. Và với tham vọng trở thành một “cường quốc biển”, việc thanh trừng những mối “ung nhọt” trong hàng ngũ lãnh đạo một lần nữa trở thành vấn đề sống còn.

 Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa (Nguồn: ChinaFotoPress).

 Mới đây nhật báo "Quân Giải phóng" - tờ báo chính thức của PLA đã tái khẳng định sự trung thành với ông Tập trong chiến dịch làm trong sạch quân đội. Bên cạnh đó, những nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quốc phòng đã cho thấy kết quả khi Trung Quốc đã chế tạo thành công tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ (Theo Global Times, phụ san của báo đảng Cộng sản Trung Quốc).

Mặc dù đã giành được vài thành công ban đầu nhưng “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập vẫn còn một con đường dài và chông gai phải vượt qua. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đã kể ra những khó khăn trước mắt như nền kinh tế bắt đầu trì trệ do tham nhũng, sinh viên ra trường không có việc làm, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo vẫn không ngừng gia tăng, hạn chế tài nguyên…

Nhưng một khi “giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn thành, với nhân dân đồng lòng, quân đội vững mạnh và trung thành, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay cùng với tham vọng “Đại Hán” từ ngàn xưa, liệu Bắc Kinh có trở nên “Dân Chủ, hiền hòa và dễ mến”? hay đây thực sự là một cơn “ác mộng” đối với phương Tây và các nước láng giềng của Trung Quốc?...

Câu trả lời dường như quá dễ hiểu và sự liên tưởng đến Perestroika ở Trung Quốc mà ông Joseph A. Bosco nhắc đến ở trên có vẻ như là một điều bất khả thi.

NGỌC ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm