Tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc có trữ lượng than đá lớn đến mức mà người ta truyền tai: “Để có tiền, chỉ cần đào một cái lỗ”. Hao Pengjun, cựu chi cục trưởng khai thác mỏ không chỉ “quán triệt” lời mách nước trên mà còn quá tay hơn nữa. Tháng tư vừa rồi, Hao bị kêu án 20 năm tù vì cáo buộc tham nhũng và trốn thuế lên đến 305 triệu nhân dân tệ (tương đương 41 triệu USD) nhờ vào những khoản lợi ích bất chính. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hao không chỉ vi phạm quy định việc cấm quan chức làm chủ hay điều hành mỏ, mà còn lèo lái để hầm mỏ của mình vượt qua đợt xử lý về an toàn của các mỏ than, trong khi các mỏ lân cận đều bị đóng cửa. Hao nhận tiền lại quả của các chủ mỏ than khác trong huyện Pu với số tiền lên đến hàng triệu nhân dân tệ.
Vợ và anh vợ của Hao cũng lần lượt nhận bản án 13 và 12 năm tù. Cả ba chịu tổng mức phạt tiền lên đến 320 triệu nhân dân tệ và bị tịch thu tài sản, nhà cửa. Chính quyền phát hiện Hao và những người liên quan gởi trong ngân hàng số tiền lên đến 120 triệu nhân dân tệ, sở hữu 35 cơ sở bất động sản đắt giá ở Bắc Kinh với tổng trị giá lên đến 160 triệu nhân dân tệ.
28 thợ lò đã chết trong một tai nạn xảy ra ở mỏ than Xiaonangou phía tây bắc tỉnh Sơn Tây vào hôm 17.7, khi một dây cáp điện trong hầm lò bốc cháy. Lính cứu hoả đến ngày 18.8 mới dập tắt được lửa để đưa các thi thể ra ngoài. Chủ mỏ đã bị bắt giữ ngay sau đó.
Một chuyên gia cho rằng đây chính là câu chuyện cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp than ở địa phương. Chu Ren, một chuyên gia về ngành than đã nghỉ hưu của viện khoa học xã hội Sơn Tây, nói: “Ở Sơn Tây, sự câu kết giữa quan chức chính quyền với các mỏ than ngày càng lan rộng. Số tiền bất chính Hao có được là mức trung bình mà những người ngồi ở vị trí đó có thể kiếm được. Nếu bạn không chung chi cho quan chức, đào một cái lỗ cũng không được”. Những khu mỏ Trung Quốc nổi tiếng với những tai nạn sụp hầm mỏ cũng từ những quy định an toàn lỏng lẻo mà ra. Thay vì đóng tiền cho nhà nước, nhiều chủ mỏ than chung chi cho các quan chức để được ngó lơ các vi phạm về an toàn, giành lấy quyền bán than nhiều hơn hoặc mở rộng quy mô khai thác.
Trong khi chính phủ cho rằng câu chuyện của Hao là điển hình của chiến dịch cải cách ngành khai thác mỏ ở Sơn Tây, một phần trong nỗ lực bài trừ tham nhũng và những tai nạn thương tâm, các chuyên gia lại nói Hao chỉ là kẻ bị đem đi “tế thần”, và là một chóp nhỏ của tảng băng trôi. Ông Tian Zhaoshu, chuyên gia ngành công nghiệp than tại Sơn Tây và đại học Kinh tế tài chính, nói: “Vấn đề chỉ là do Hao xui rủi bị điều tra. Hầu hết các quan chức chưa bị điều tra, bởi họ giỏi che giấu hành vi của mình. Họ dùng quan hệ của mình để gián tiếp điều hành các mỏ than và kiếm lợi”. Bản án và tiền phạt dành cho Hao đã gặp phải nhiều phản đối trên thế giới ảo tại Trung Quốc, vì người ta cho rằng những quan chức bị tử hình vì tham nhũng trước đây đã kiếm lợi bất chính ít hơn Hao rất nhiều.
Huyện Pu, với dân số khoảng 100.000 người, có trữ lượng than đá lớn và cũng là tâm điểm của những tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất tại Trung Quốc và là một trong những nơi ô nhiễm nhất trên thế giới. Cuộc điều tra Hao bắt đầu từ tháng 9.2008, sau khi tai nạn hầm mỏ khiến 227 người chết và vùi cả một ngôi làng trong bùn đất. Trong quá trình xét xử, Hao chỉ điểm nhiều quan chức cao cấp, nhưng cáo buộc trên đã bị xóa bỏ khỏi hồ sơ của chánh án. Một số báo chí dẫn tin cho rằng ông Hao cáo buộc bí thư tỉnh đã nhận khoản hối lộ khổng lồ. Tuy vậy, chính quyền từ chối bình luận này.
Theo Ngô Minh Trí (SGTT/AFP)