Giống như ông Tập ngày nay, ông Chu coi chống tham nhũng là "cuộc đấu tranh sống chết".Ảnh: theatlantic |
Năm 1995, khi Tổ chức minh bạch quốc tế bắt đầu đưa ra chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), TQ đứng thứ hai trong số các quốc gia tham nhũng nhất. Năm 2003, CPI của TQ đã thăng hạng ở thứ 80 trong số 177 quốc gia.
Trong suốt giai đoạn này, kinh tế TQ luôn đạt mức tăng trưởng hai con số, cao hơn mọi quốc gia gồm cả những nước ít tham nhũng hơn. Một nghịch lý như vậy dường như cho thấy, tham nhũng ở TQ là ngoại lệ.
Tham nhũng từ đâu?Tham nhũng ở TQ bắt đầu nổi lên khi ông Đặng Tiểu Bình bắt tay vào cải cách kinh tế năm 1979. Khi một nền kinh tế kế hoạch tập trung chuyển dần sang hướng thị trường, cái gọi là nền kinh tế quá độ đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng bởi hệ thống giá kép: một số mặt hàng chịu sự kiểm soát giá của nhà nước, số khác lại do thị trường quyết định. Đây là cơ hội vàng cho những cá nhân và doanh nghiệp có mối quan hệ chính trị trục lợi.
Tương tự, việc tư nhân hóa các tài sản nhà nước cũng giúp một số nhóm đặc quyền làm giàu.
Thời kỳ hậu 1989, khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ra các biện pháp cải tổ thị trường sâu rộng hơn, kinh tế TQ tiếp tục tăng trưởng vượt bậc với dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các hành vi trục lợi lần nữa tăng mạnh. Điều này giải thích vì sao TQ đứng thứ hạng thấp trong CPI của Tổ chức minh bạch quốc tế năm 1995.
Thời điểm Thủ tướng Chu Dung Cơ nổi tiếng thẳng thắn và cương trực lên nắm quyền năm 1997, ông đã công khai tuyên bố: “Chống tham nhũng hủ bại cần phải đánh cọp trước đập sói sau, đối với hạng cọp này tuyệt đối không thể nương tay, nếu cần, cho chuẩn bị sẵn một trăm cỗ áo quan, có cả một cỗ của tôi nữa, nhưng đổi lại ta có được sự phát triển bền vững cho quốc gia và lòng tin của nhân dân”.
Ông thể hiện không khoan dung với tham nhũng khi đanh thép nói: "Phải triệt để điều tra xử lí các vụ án tham nhũng, buôn lậu, đánh thật mạnh vào các ổ nhóm tội phạm, nếu cần cho áp dụng mức án cao nhất, giết một để đe trăm".
Ý chí chính trị chưa đủ
Giống như ông Tập ngày nay, ông Chu coi chống tham nhũng là "cuộc đấu tranh sống chết". Nhiều nghiên cứu cho thấy, chống tham nhũng ở TQ trong suốt những năm 2000 đã được cải thiện do quản trị tốt hơn, do công chức có thu nhập và lợi ích gia tăng. Số vụ việc tham nhũng liên quan tới quan chức chính phủ giảm xuống.
Nhưng công bằng mà nói, ông Chu chỉ thành công khi ngăn chặn sự gia tăng của tham nhũng chứ không phải trong nỗ lực làm trong sạch chính phủ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, gói kích cầu trị giá 813 tỉ USD của Thủ tướng Ôn Gia Bảo để vực dậy tăng trưởng kinh tế TQ một lần nữa lại mở cánh cửa cho tham nhũng và tìm kiếm đặc quyền. Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được vội vàng thông qua. Rất nhiều chính quyền địa phương đã lao vào các dự án không hiệu quả khi liên thông với các nhà đầu tư bất động sản.
Kể từ khi TQ trở thành nền kinh tế trị giá 9 nghìn tỉ USD, phần lớn dự án đầu tư đều có con số tài chính lớn. Theo đó, các khoản lại quả, tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp của quan chức cũng lên tới hàng chục triệu USD.
Do giàu lên dễ dàng, rất nhiều quan tham đã không ngại ngần hưởng thụ cuộc sống xa hoa, lãng phí. Nhưng tham nhũng ở TQ lại không gây ra sự sụt giảm trong đầu tư nội địa hay nước ngoài, nên cũng không dẫn tới việc sụt giảm tăng trưởng GDP. Tham nhũng chủ yếu liên quan tới các hoạt động phát triển bất động sản, nên không ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế thực.
Ví dụ, một cựu bộ trưởng đường sắt bị bỏ tù vì tham nhũng lớn, nhưng không cản trở được sự phát triển của mạng lưới đường sắt tốc độ cao ở TQ. Hay dù một số tướng quân đội tham nhũng, thì tốc độ hiện đại hóa quân đội của TQ vẫn diễn ra nhanh chóng.
Sau tất cả, dù tham nhũng ở TQ chưa gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế về ngắn hạn, thì thực tế nó vẫn gây ra những chi phí kinh tế đáng kể như rò rỉ quỹ công, và thất thu cho chính phủ. Trên tất cả, các tổ chức tài chính của TQ hiện nay đang phải đối mặt với gánh nặng lớn là làm sạch khối nợ xấu trước đây để lại.
Vì thế, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là điều tốt lành với TQ cả về chính trị, xã hội cũng như kinh tế. Nhưng ý chí chính trị mạnh mẽ chưa đủ. Chủ tịch TQ cần xây dựng các thể chế mới và đặt chúng vào một khuôn khổ pháp lý hiệu quả hơn.
Theo Thái An/Vietnamnet(theo straitstimes)