Chu Vĩnh Khang, nhân vật được cho là quyền lực nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra tham nhũng. Ảnh:China Daily |
Từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo Trung Quốc và đưa ra quyết sách chống tham nhũng " đả hổ diệt ruồi" gần hai năm trước, các quan sát viên thế giới đều tự hỏi ông sẽ thực hiện như thế nào và đi xa đến đâu. Nay, câu trả lời đã có.
Hôm 29/7, cơ quan thông tin của đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị (PBSC) chính thức bị điều tra do nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Cụm từ này thường được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Đây là một bước đi táo bạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đánh giá của các nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc. Tuyên bố này chấm dứt một luật bất thành văn lâu nay về việc các nhà lãnh đạo cấp cao được miễn trừ kỷ luật và là bất khả xâm phạm trước các cơ quan thực thi pháp luật.
Đánh trực diện Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình nhắm tới những mục tiêu rõ ràng, theo ông Minxin Pei, giáo sư nghiên cứu về chính phủ từ Đại học Claremont McKenna California, Mỹ. Đối với người dân Trung Quốc, ông hy vọng chứng tỏ rằng ông đang nỗ lực hết mình làm trong sạch nội bộ đảng. Thêm vào đó, sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang gửi đi cảnh báo mạnh mẽ tới các lực lượng đối nghịch, rằng vòng lao lý đang chờ đợi những kẻ dám thách thức quyền lực.
Sẽ phải mất một thời gian để vụ Chu Vĩnh Khang được xét xử công khai trước tòa án, nếu ông này được xử công khai. Đầu tiên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) sẽ điều tra theo thông báo chính thức hôm 29/7. Quá trình có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm, tuy nhiên nhiều người nhận định rằng mọi việc sẽ diễn ra nhanh chóng.
Theo chuyên gia phân tích Shannon Tiezzi từ tờ Diplomat, bên cạnh chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình cũng đề cao nhiệm vụ củng cố, tăng cường sức mạnh của hệ thống tòa án và luật pháp. Phiên xét xử và kết án cựu chính trị gia Bạc Hy Lai đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang trước đây được dư luận trong nước và thế giới ca ngợi như một ví dụ về sức mạnh tuyệt đối của luật pháp Trung Quốc.
Nhiều khả năng ông Tập muốn sử dụng vụ Chu Vĩnh Khang làm một ví dụ mạnh mẽ hơn, thể hiện quyền lực tối cao của hệ thống pháp luật ông đang xây dựng. "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang một lần nữa chứng minh điều này", một bình luận trên trang nhất tờ People's Daily viết.
Tiezzi đánh giá, cuộc điều tra đối với Chu Vĩnh Khang là một bước đi chính trị phi thường của Tập Cận Bình. Nó cho thấy, chưa đầy hai năm sau khi nắm quyền lực, chủ tịch Tập đã gom đủ nguồn lực cũng như hỗ trợ chính trị để thực hiện một hành động chưa từng có, buộc tội một cựu ủy viên PBSC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Chinatopix |
Giáo sư Minxin Pei cho rằng chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mang lại cho ông Tập danh tiếng cũng như ngưỡng vọng khổng lồ, nhưng nó lại khiến các quan chức Trung Quốc, vốn từ lâu sống trong quyền lực, thấy khó chịu. Chiến dịch chống tham nhũng đã đẩy họ khỏi các nhà hàng, khách sạn sang trọng, khiến họ đau đầu nhức óc lo toan mỗi khi nhận những món quà lót tay đắt tiền.
Thậm chí cảm giác bất an, sợ hãi còn đi xa hơn thế. Trong xã hội Trung Quốc nhiều năm qua, việc hối lộ để đổi lấy hợp đồng hay sự thăng tiến đã trở nên phổ biến. Chính vì thế nhiều quan chức nhúng chàm và nay bị điều tra, hoặc tệ hơn nữa là kết án và tống giam. Truyền thông Trung Quốc gần đây ghi nhận nhiều vụ tự tử liên quan tới quan chức chính phủ.
Rủi ro
Sau sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ bước vào một giai đoạn phức tạp hơn. Tuy lợi ích từ việc gia tăng ủng hộ và quyền lực chính trị là hiển nhiên, nhưng rủi ro cũng đáng kể. Cho đến nay, các chiến dịch điều tra đã dẫn đến bắt giữ 36 quan chức cấp cao, từ chủ tịch tỉnh đến bộ trưởng cùng hàng nghìn quan chức dưới quyền.
Vạch trần những thành viên không trong sạch của đảng trước công chúng, ông Tập đồng thời phơi bày những điều tha hóa bên trong đảng. Thay vì che đậy và thúc đẩy sự tin tưởng của công chúng bằng, ông chọn cách tiết lộ những hành vi xấu ở bên trong. Mặt tích cực của điều này là rõ, nhưng cũng có phản tác dụng bởi có thể làm cho dân chúng mất niềm tin,Financial Times dẫn lời ông Minxin Pei.
Một hệ quả có thể nghiêm trọng nữa là sự chia rẽ nội bộ Trung Quốc. Chiến dịch của ông Tập gây ra nỗi sợ hãi chưa từng có trong giới quan chức. Nếu đồng minh hay phe đối địch của ông Tập nghĩ mình có thể là con hổ tiếp theo sa lưới, bản năng sinh tồn sẽ thúc đẩy họ thách thức quyền lực của Tập Cận Bình. Sự đoàn kết của lực lượng lãnh đạo, luôn được coi là cơ sở vững chắc để đảm bảo ổn định, có nguy cơ biến mất.
Xử lý con hổ trong lồng cũng là nhiệm vụ chẳng dễ dàng. Ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc sẽ phải quyết định đưa ông Chu ra tòa, hay chỉ dừng lại ở mức tước đảng tịch. Đối với ông Tập, kết án Chu Vĩnh Khang bằng một quá trình xét xử hợp pháp, phù hợp tiêu chuẩn, công khai, công bằng là một nước cờ phải tính đến, tờ Washington Post dự đoán.
"Việc ông Tập thực hiện (hạ bệ Chu) cũng mang đến nguy cơ, đó là bị biến thành đối tượng dè chừng của nhiều phe cánh trong đảng, những người đang nắm các mảng khác nhau như kinh tế, chính quyền", Willy Lam, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Hong Kong, nhận xét.
Theo Vũ Hoàng (Vnexpress)