Điều tra Chu Vĩnh Khang, án lớn nhất Trung Quốc từ vụ “bè lũ bốn tên“

Theo Tân Hoa Xã, ngày 29/7, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Trung Quốc đã bị Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. 

Kể từ cuối năm 2013, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Trung Quốc đã liên tục đưa tin về cuộc điều tra chống tham nhũng của các nhà chức trách nước này đối với ông Chu Vĩnh Khang.

Điều tra Chu Vĩnh Khang, án lớn nhất Trung Quốc từ vụ “bè lũ bốn tên“ ảnh 1Ông Chu Vĩnh Khang
Ông Chu Vĩnh Khang là thành viên cấp cao nhất bị điều tra kể từ năm 1980 khi “Bè lũ 4 tên” – bị đưa ra xét xử.

Các thông tin gần đây cho thấy có vẻ như cuộc điều tra chống tham nhũng quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối. Nếu ông Chu Vĩnh Khang bị truy tố, đây sẽ là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị về hưu đầu tiên ở Trung Quốc bị truy tố vì các cáo buộc tham nhũng.

Đường quan lộ của ông Chu Vĩnh Khang

Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Theo hãng tin Reuters, ông Chu chính là người đã bảo trợ cho ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng nhưng đã thất thế khác.

Theo thông tin trên “Nhân dân Nhật báo” online, ông Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người dân tộc Hán, gốc Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô (Jiangsu). Trong giai đoạn 1961-1966, ông theo học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất tại Khoa Khảo sát và Thăm dò thuộc Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, ông Chu đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1964.

Điều tra Chu Vĩnh Khang, án lớn nhất Trung Quốc từ vụ “bè lũ bốn tên“ ảnh 2Ông Chu Vĩnh Khang (trái) và ông Bạc Hy Lai trong những ngày còn đương chức
Với tấm bằng cử nhân đại học trong tay, ông Chu Vĩnh Khang được coi là một kỹ sư cao cấp với cấp bậc tương đương một giáo sư. Năm 1967, ông đã khởi đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí với tư cách một thực tập sinh và sau đó là kỹ sư tại đội thăm dò địa chất của Nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing – một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.

Trong giai đoạn 1967-1985, ông Chu đã liên tục thăng tiến trong ngành dầu khí. Đến giữa những năm 1980, ông đã trở thành Thứ trưởng ngành dầu khí và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – một trong những doanh nghiệp hùng mạnh nhất tại nước này. CNPC được coi là bệ phóng quan trọng để chính trị gia này tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ.

Năm 1998, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khóa 14 và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại khóa 15.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2012, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương. Năm 2012, ông Chu đã nghỉ hưu.

Ông Chu Vĩnh Khang đã từng được tạp chí Forbes (Mỹ) đưa vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới và ví như “Dick Cheney của Trung Quốc”. Trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2011 của Forbes, ông này đứng ở vị trí thứ 29, cao hơn cả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình (xếp ở vị trí 69), người khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc.

Vòng vây siết chặt

Theo Reuters, cuối tháng 11 đầu tháng 12/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh thành lập đội điều tra đặc biệt để điều tra về một số cáo buộc liên quan tới nhân vật Chu Vĩnh Khang từ một số đối thủ chính trị của ông này, trong đó có các cáo buộc về tham nhũng và vi phạm kỷ luật đảng.

Điều tra Chu Vĩnh Khang, án lớn nhất Trung Quốc từ vụ “bè lũ bốn tên“ ảnh 3Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) quyết tâm xử lý cả những cán bộ cao cấp nếu có tham nhũng
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng mô tả tham nhũng như một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, ông coi chống tham nhũng như một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền hiện nay.

Sau khi có lệnh từ nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, các cơ quan chức năng nước này đã mở rộng điều tra, liên tục thẩm vấn hoặc bắt giữ nhiều người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang, trong đó có nhiều người đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước.

Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết trong vòng hơn 6 tháng qua, hơn 300 người thân, đồng minh chính trị, nhân viên và những người được ông Chu Vĩnh Khang bảo trợ đã bị cách chức, thẩm vấn hoặc bắt giữ. Trong số này, đáng chú ý có ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), người đã từng giữ chức Chủ tịch của PetroChina và CNPC; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh (Li Dongsheng); và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam Ký Văn Lâm (Ji Wenlin). Một nguồn tin giấu tên nói: “Ông Tập (Chủ tịch Tập Cận Bình) đang nhổ dần tất cả răng của con hổ này”.

Website của CCDI hôm 2/7 thông báo cho biết, phó Thống đốc tỉnh đảo Hải Nam Ký Văn Lâm (Ji Wenlin) bị cáo buộc 2 tội danh tham nhũng và ngoại tình. Với tội danh đó ông này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Ký Văn Lâm và Chu Vĩnh Khang đã cùng làm việc với nhau khi ông Chu đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên vào cuối những năm 1990. Ngoài ra, hai người còn làm việc chung tại Bộ Công an vào đầu năm 2000.

Một cánh tay phải đắc lực khác của “con hổ” họ Chu là Yu Gang, cựu phó Giám đốc Văn phòng Ủy ban Chính trị và Luật Trung ương (CPLC) cũng bị khai trừ Đảng. Ngoài ra còn có Tân Hồng, cựu sĩ quan cấp cao thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Đây là hai thư ký của ông Chu Vĩnh Khang khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị này còn làm công việc giám sát Bộ.

Trong một động thái mang tính quyết định, hôm 30/3, Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã thu giữ một lượng tài sản khổng lồ có tổng trị giá lên tới 90 tỷ NDT (14,5 tỷ USD) của gia đình và những người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.

Trong khối tài sản có tới 300 căn hộ và biệt thự, nhiều đồ cổ, các tác phẩm hội họa nổi tiếng có giá trị lớn, hơn 60 ô tô các loại. Ngoài ra còn có ngoại tệ, vàng, tiền mặt, rượu đắt tiền. Tuy nhiên những tài sản này không đứng tên ông Chu Vĩnh Khang mà có tên của những người bị bắt giữ.

Để có tài sản khổng lồ như vậy, ông Chu còn để con trai, mẹ vợ, người nhà…giành được nhiều hợp đồng dầu khí (trong thời gian ông Chu làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc). Hơn thế nữa, khi ông Chu là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999-2002), có nhiều công ty đầu tư trong lĩnh vực năng lượng (có trụ sở tại Tứ Xuyên) được coi là “sân sau” của ông Chu.

Trong một phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội vào giữa tháng 3/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với hành vi tham nhũng và các quan chức tham nhũng. Bất kể ai hay bất kể họ giữ chức vụ cao đến mức nào, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

“Nếu họ vi phạm kỷ luật đảng hay pháp luật, họ sẽ bị xử lý và trừng phạt một cách nghiêm khắc theo luật”, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định.

Phát biểu trên của nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đặc biệt việc quyết định điều tra công khai ông Chu Vĩnh Khang thể hiện lập trường cứng rắn của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng dù quan chức cấp cao nhất mà tham nhũng cũng bị trừng phạt nghiêm khắc./.


Theo Bùi Hùng/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm