Đừng đùa với “Giấc mơ Tập Cận Bình”

Mới đây, Tân Hoa Xã cho biết ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Trung Quốc (TQ) đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản TQ điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Trước khi “cựu trùm an ninh” Chu Vĩnh Khang bị dính líu các vụ bê bối tham nhũng, hàng loạt nhân vật cộm cán trong hệ thống chính trị TQ giữ vai trò “tay phải, tay trái” của ông Chu cũng lần lượt bị “xét và trảm”. Tờ People’s Daily trước đây từng có bài xã luận nhận định rằng cuộc truy quét tham nhũng sẽ không có việc dừng lại ở cái tên Chu Vĩnh Khang mà sẽ còn kéo thành một vệt “đả hổ đập ruồi” do chính quyền Tập Cận Bình phát động ngay từ khi ông Tập vừa nhậm chức.

“Gót chân Asin” của TQ

Mô tả trên The Diplomat, Joyce Lee (ĐH Bắc Kinh, TQ) cho thấy khắp các thành phố lớn đến các khu phố nhỏ tại TQ đều có biểu tượng “một cô gái trẻ má ửng đỏ đang chiêm niệm về hòa bình”. Yêu kiều và dung dị, cô gái trẻ là đại diện chính của “Giấc mơ Trung Quốc”, một chiến dịch được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên truyền và phổ biến rộng khắp.

“Giấc mơ Trung Quốc” được đề xuất tại Bảo tàng Quốc gia tháng 11 năm 2012 và đã được Chủ tịch Tập tham chiếu trong bài phát biểu nhậm nhức; trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều diễn đàn khác. Ông Tập còn mở đường cho một chuỗi các hoạt động theo chủ đề “Giấc mơ Trung Hoa”, từ những cuộc thi luận trong trường học đến những cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc tài trợ bởi Tân Hoa Xã, đến những trợ cấp từ Chi nhánh Học viện Khoa học xã hội cho việc nghiên cứu những đòi hỏi thực sự của ước mơ này.

Tuy nhiên, “Giấc mơ Trung Hoa” ra đời trong bối cảnh TQ phải đối diện với những “gót chân Asin”, trong đó đặc biệt quan trọng là hiện tượng các tập đoàn và nhóm lợi ích hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của chính phủ. Nhiều chuyên gia phân tích và chỉ ra rằng một tầng lớp siêu giàu mới của TQ, đặc biệt các trường hợp liên quan đến số tiền bất chính từ mức 50.000 nhân dân tệ, tức khoảng 8.000 đô la Mỹ trở lên, đến từ thành phần thân cận với những tai to mặt lớn từ tỉnh lên đến trung ương trong bộ máy chính quyền TQ.

Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng ví von tham nhũng như một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng cộng sản TQ. Việc chống tham nhũng như một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền hiện nay. Đây là thách thức với “dấu ấn thời ông Tập” nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ghi điểm trong mắt dân tộc Trung Hoa.

Những “con cọp bất khả xâm phạm” xưa nay như Chu Vĩnh Khang đều bị hạ bệ dưới thời “Giấc mơ Tập Cận Bình”. (Ảnh minh họa: Chinadaily)

Ai cản trở “Giấc mơ Tập Cận Bình”?

Các chuyên gia cho rằng cũng như thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Phát triển hài hòa” của Hồ Cẩm Đào, “Giấc mơ Trung Hoa” sẽ là kim chỉ nam quan trọng để củng cố hình ảnh của ông Tập như một nhà lãnh đạo, nhà cải cách quan trọng. Nói cách khác, “Giấc mơ Trung Hoa” hay “Giấc mơ Tập Cận Bình” được xem là một. Việc ông tập công khai “đả hổ” - đánh kẻ có máu mặt; và “đập ruồi” - quét quan tham trên diện rộng đã cho thấy quyết tâm xây dựng “Giấc mơ Tập Cận Bình”.

Năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình phát đi chiến dịch “đả hổ đập ruồi”, tiến hành việc tinh giản bộ máy quan liêu, củng cố kiểm soát bộ máy nhà nước và gia tăng sự giám sát của xã hội với chính quyền… với mục đích triệt tiêu nạn tham nhũng từ tệ nạn tham nhũng vặt, đến các quan chức cấp tỉnh, thành phố, điển hình như “con hổ” Bạc Hy Lai… và sau này là quan chức cấp Trung ương như cựu bộ trưởng Đường sắt TQ, ông Lưu Chí Quân, hay đình đám nhất là Chu Vĩnh Khang.

Nhiều tờ báo nước ngoài còn đưa ra các nhận định về sự tương quan giữa Chu Vĩnh Khang và Jang Song-thaek, nhân vật quyền lực thứ hai tại Triều Tiên bị hạ bệ trong cuộc chính biến mà theo giới truyền thông quốc tế nhận định đây là cuộc thanh trừng quyền lực tại Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, con đường “đả hổ đập ruồi” của ông Tập còn gặp sự phản ứng của các thế lực ủng hộ Chu Vĩnh Khang, trong đó đáng chú ý là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ngay sau khi Chu Vĩnh Khang bị bắt vào cuối năm 2013, nhật báo Pháp Le Figaro dẫn lời phóng viên tự do Cao Vũ cho biết ông Giang Trạch Dân rất tức giận, đồng thời đã đánh tiếng cho ông Tập biết điều đó.

Ông Giang không ngại chuyển đến ông Tập thông điệp sẵn sàng phơi bày trước công chúng những mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền TQ, thứ chẳng có lợi chút nào cho hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình. GS Joseph Fewsmith, ĐH Boston, cũng thừa nhận cái khó của ông Tập là trong thời kỳ đổi mới ở TQ chưa có bất cứ ủy viên thường trực Bộ Chính trị nào bị điều tra với tội danh tham nhũng. Nếu cuộc đấu đá nội bộ diễn ra ngay trong Bộ Chính trị thì nó sẽ làm bất đồng sâu sắc thêm và khiến việc duy trì thống nhất trong đảng càng thêm khó khăn.

Nghĩa là Chủ tịch Tập Cận Bình đứng trước thế lưỡng nan, nếu càng mạnh tay với đàn em của Giang Trạch Dân thì những “kẻ tham nhũng giãy chết” cũng vẩy nước độc vào bức tranh đẹp mà ông Tập đang cố tự vẽ về mình trước công chúng trong thời đại Tập Cận Bình.

Nấc thang quyền lực mới của họ Tập

Cái hay của ông Tập chính là việc ông tính toán rất kỹ để “nhỏ chết trước, lớn chết sau”. Không ai dám sờ gáy Chu Vĩnh Khang khi có Giang Trạch Dân đang nắm đằng cán làm thần bảo hộ. Nhưng một Giang Trạch Dân chỉ có thể chống lại một Tập Cận Bình chứ không thể tránh khỏi một sự đồng thuận chính trị từ phía hàng tỉ người dân. Và việc của ông Tập là xây dựng “bức tường” niềm tin của người dân để đối đầu với những đe dọa về mâu thuẫn nội bộ mà ông Giang đang ưu thế.

Ngay trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình không ngần ngại nhắc tới những sai lầm của cố lãnh đạo TQ Mao Trạch Đông: “Các nhà lãnh đạo cách mạng không phải là thần thánh, họ cũng là con người. Vậy nên không thể tôn thờ họ như thần thánh, cũng không thể ngăn chặn việc người dân vạch ra và sửa chữa sai lầm của họ chỉ bởi vì họ vĩ đại”. Việc tạo ra “tiền lệ” mới trong cách nhìn nhận đối với ông Mao Trạch Đông là nước cờ tinh thần cho sự cải cách có lợi cho uy tín ông Tập.

Song song đó, chiến lược “quét ruồi” diễn ra rầm rộ nhằm tạo sự ủng hộ từ dư luận, đồng thời cắt giảm quyền lực của những “con hổ lớn”. Trong vòng khoảng một năm, từ đại hội Đảng cộng sản TQ lần thứ 18 hồi tháng 11-2012 đến cuối năm 2013, 18 vị quan chức cấp tỉnh TQ bị mất chức và sang năm 2014 thì con số này là 19. Đa phần các vị này đều là “tay trái, tay phải” của Chu Vĩnh Khang khiến ông Chu trở nên méo mó và xấu xí đến mức Giang Trạch Dân chẳng còn phép thần nào để giải cứu trước búa rìu của dư luận. Thế nên hôm 30-7, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin độc quyền cho biết hai cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đã bật đèn xanh để ông Tập Cận Bình mở cuộc điều tra đối với “con hổ bất khả xâm phạm” Chu Vĩnh Khang.

Đụng chạm đến Mao Trạch Đông, Giang Trạch Dân và bắt giữ hàng loạt “cọp lớn cọp nhỏ” trong đó có cả nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kiêm bí thư Chính pháp Trung ương TQ là những minh chứng cho nấc thang quyền lực xưa nay chưa từng có mà ông Tập đang xây dựng, không ngại hy sinh những mãnh hổ vốn không có lợi cho hình ảnh của ông Tập trên chính trường.

ĐỖ THIỆN - THẢO NGUYÊN

Sau Chu Vĩnh Khang sẽ là ai?

Việc quyết định điều tra công khai ông Chu Vĩnh Khang cho thấy quyết tâm của chính quyền Tập Cận Bình trong việc bài trừ tham nhũng. Nếu ông Chu Vĩnh Khang bị kết tội, các quan chức trong Đảng cộng sản TQ, vốn trước nay không bị điều tra cho tới khi họ nghỉ hưu, sẽ đứng ngồi không yên trước “Giấc mơ Tập Cận Bình”. Điển hình như ông Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (2002-2012), một trong những tướng lĩnh quân sự rất thân tín của ông Giang Trạch Dân, cũng đã bị “sờ gáy” và chờ phán xét.

Tiền lệ Chu Vĩnh Khang đang “nghiền nát” những ngoại lệ bất cập trong chính quyền Trung ương TQ nhưng đồng thời mở ra con đường chống tham nhũng bớt chông gai cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc hiện giờ là ông Tập cho quân đi “nhặt” những mảnh ghép phụ còn lại trong bức tranh tham nhũng sau khi những mảnh ghép “chìa khóa” mang tên Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang…  đã được ông Tập “thu thập” như những chiến công chói lọi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…